Chuyện về những F0 đã vượt "ải tử thần" tình nguyện ở lại chăm sóc, tiếp sức F0
Có không ít F0 ở TP Hồ Chí Minh đã vượt qua "ải tử thần" của COVID-19 tình nguyện ở lại các bệnh viện dã chiến phụ giúp y bác sĩ chăm sóc, tiếp sức cho những F0 đang trong cơn nguy kịch.
Cựu F0 chăm sóc cho F0 ở Bệnh viện dã chiến số 3
Bệnh viện dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) là nơi cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng. Ở nơi đó chỉ có tiếng máy thở cùng mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Các y bác sĩ không kịp nói với nhau lời nào, tất bật hối hả tận dụng từng giây, từng phút để cứu chữa các bệnh nhân.
Và tổ trợ giúp các y bác sĩ không phải những người "trong ngành", đó đa phần là các F0 đã khỏi bệnh. Vì cảm phục sự hy sinh quên mình của đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch mà xin ở lại để chăm sóc các bệnh nhân F0 trong tình trạng nguy kịch.
Nguyễn Minh Quang (SN 1988, ngụ tại quận Tân Bình) là 1 trong số rất nhiều F0 đã vượt qua "ải tử thần" của COVID-19. Anh tình nguyện ở lại hỗ trợ tuyến đầu chống dịch sau khi khỏi bệnh. Anh ở lại Bệnh viện dã chiến số 3 để hỗ trợ đội ngũ các y bác sĩ chăm sóc, thay oxy cho các bệnh nhân COVID-19.
Không những vậy, anh còn là hậu viên, "liều thuốc tinh thần" cả các bệnh nhân. Ngoài chăm sóc họ, anh luôn động viên họ cố gắng vượt qua dịch bệnh."Cố gắng lên ông nhé, chúng cháu sẽ luôn bên cạnh, ông hãy vững tin, ít hôm nữa ông sẽ khỏe mạnh trở lại và được về nhà với con cháu” - đây là 1 trong hàng trăm lời động viên của Quang dành cho các bệnh nhân.
Nói về chuyện từng là F0, anh Quang kể: Ngày 2/8 nhập viện điều trị, sau 14 ngày thì khỏi bệnh. Ngày 16/8, anh đề xuất viện trở về nhà tiếp tục cách ly 14 ngày theo yêu cầu. Trong thời gian điều trị tại viện, anh thấy các y bác sĩ làm việc vất vả, thường xuyên thiếu ngủ nhưng vẫn ân cần chăm sóc người già, quan tâm và chu đáo với bệnh nhân trẻ.
Tấm lòng của lương y chính là động lực thôi thúc anh Quang trở lại làm tình nguyện viên hỗ trợ điều trị F0. Việc làm này của anh nhận được sự ủng hộ từ gia đình.
“Lúc đăng ký quay trở lại thì tâm lý của mình cũng vững rồi, những gì bản thân trải qua và đã chiến thắng bệnh tật thì mình nghĩ câu chuyện của mình sẽ truyền được cảm hứng cho những cô chú lớn tuổi để họ vượt qua”, Quang chia sẻ.
Giống như anh Quang, chàng sinh viên Nguyễn Duy Khánh (quê Quảng Ninh) cho biết, sau thời gian 14 ngày cách ly tại nhà, được gia đình đồng ý, anh xin quay trở lại bệnh viện.
"TP Hồ Chí Minh đang kêu gọi các F0 khỏi bệnh vào các khu cách ly làm tình nguyện thì mình xin đi. Mình mang ơn các y bác sĩ, mang ơn thành phố đã kịp thời cứu chữa mình khỏi cửa tử và mong muốn quay trở lại bệnh viện để hỗ trợ và chăm sóc các bệnh nhân khác”, Khánh kể.
Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ màu trắng kín mít, Khánh tiến lại giường một cụ bà để kiểm tra lại bình oxy và ân cần động viên.
"Bà ráng ăn hết bát cháo này cho khỏe, trưa nay con thấy bà ăn giỏi quá. Bà bệnh mà cố gắng ăn vậy là nhanh khỏe lắm, ráng uống thuốc đúng giờ sẽ nhanh về nhà thôi", Khánh động viên một bệnh nhân nữ cao tuổi.
Duy Khánh mong các bệnh nhân hãy lạc quan để chiến thắng bệnh tật, tránh xa những suy nghĩ tiêu cực: "Nhân viên y tế đã làm hết sức rồi, họ cũng mong hết dịch để về với gia đình, vậy nên mỗi người chúng ta hãy cùng nhau cố gắng một chút”, Khánh nói.
Bác sĩ Phạm Trường An - Phó trưởng Khoa lâm sàng, Bệnh viện dã chiến số 3 cho biết: Hiện tại bệnh viện có 10 tình nguyện viên đang hỗ trợ y bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân F0 và có khoảng 20 người đã gửi đơn để xin quay trở lại nhưng bệnh viện chưa sắp xếp được chỗ nghỉ cho những người này nên chưa nhận.
Theo bác sĩ An, những bạn tình nguyện ở đây làm việc rất nhiệt tình, từ việc khuân vác các bình oxy, chăm sóc các bệnh nhân F0...đều chu toàn và tuân thủ các nội quy tại bệnh viện.
"Biệt đội những chiến binh F0" ở Hóc Môn
Không chỉ có ở bệnh viện dã chiến số 3 mà nhiều bệnh viện dã chiến khác những bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh tình nguyện ở lại hỗ trợ y bác sĩ và các F0 đang nguy kịch. Anh Đặng Minh Tân (37 tuổi) cũng là một cựu F0 như vậy. Mỗi đêm và khoảng từ 1 đến 3h sáng khi mọi người chìm vào trong giấc ngủ thì anh Tân lặng lẽ đi đến từng giường bệnh kiểm tra oxy và theo dõi nhịp thở của từng bệnh nhân.
Khi đã chắc chắn mọi người đều an toàn, không gặp sự cố do thiếu kiểm soát oxy máu hoặc tụt mặt nạ dưỡng khí thì anh mới quay lại giường ngủ. Sáng sớm, khi mọi người thức giấc cũng là lúc anh cùng 4 tình nguyện viên khác vận động F0 xuống sân tập thể dục, tập thở, ngồi thiền.
Vừa hướng dẫn và cùng tập hít thở với nhóm F0 đang điều trị tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn (TPHCM), anh Tân cho biết: "Khoảng 2 tuần trước gia đình tôi đã cúng 3 con heo quay ở 3 nơi khác nhau vì nghĩ tôi đã chết rồi. Nhưng hôm nay tôi khỏi bệnh hoàn toàn, chắc một mình có thể ăn hết 5 con trâu với 2 con bò, bù cho những ngày tháng kiệt quệ sức lực vừa qua, tiếp thêm năng lượng để cùng các y bác sĩ và bệnh nhân chiến đấu để tiêu diệt COVID-19”.
Anh Tân chính là trưởng nhóm 5 thành viên F0 được bệnh nhân gọi với tên là "Biệt đội những chiến binh F0" đã tham gia thiện nguyện tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn trong 10 ngày qua. Nhóm hỗ trợ y bác sĩ theo dõi oxy máu, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân và động viên tinh thần cho họ.
Anh Tân chia sẻ: "Cha mẹ đã sinh tôi ra, nhưng các y bác sĩ ở đây đã tái sinh cuộc đời tôi lần 2. Khi mọi người đều sợ hãi trước dịch bệnh nguy hiểm thì các y bác sĩ lại lao vào điều trị, cứu chữa người bệnh, họ là những người anh hùng trong lòng tôi. Đến nay, chúng tôi đang góp chút sức lực nhỏ bé của mình cùng y bác sĩ chung tay đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống này trở nên ý nghĩa hơn”.
Bác sĩ Đặng Quốc Quân - Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn cho biết: "Đây là điều vô cùng quý giá bởi chính những bệnh nhân từng mắc COVID-19 là người hiểu rõ nhất những rủi ro, từ kinh nghiệm của mình có thể giúp người bệnh chủ động vượt qua khó khăn của tình trạng bệnh.
Mặt khác, sau khi khỏi bệnh, cơ thể đã tạo được kháng thể bảo vệ nên nguy cơ tái nhiễm của các F0 là không đáng lo ngại. Nếu các F0 sẵn sàng giúp sức, cuộc chiến chống dịch sẽ có thêm nguồn lực vô cùng quý báu”.
Còn bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Thành phố Thủ Đức, cho rằng, cựu F0 chăm sóc F0 chính là thời khắc giao thoa của nghĩa tình và tấm lòng.
“Nghĩa tình từ những F0 tình nguyện chăm sóc F0, còn tấm lòng từ những cá nhân, đơn vị trong cộng đồng. Tấm lòng sẽ tiếp sức để nghĩa tình thêm sâu đậm, còn nghĩa tình sẽ thấm vào từng bác sĩ, nhân viên y tế, F0 đang điều trị để ngày càng nhiều bệnh nhân COVID-19 được khỏi bệnh...”, BS Khanh nói.
(Theo vtc new, Tiền Phong)
Xem thêm: Nam sinh 16 tuổi vừa khỏi COVID-19 tình nguyện đi chở bình oxy cho bệnh nhân F0
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận