Đường đến Viện Công nghệ số 1 thế giới để tìm cách giúp quê hương chống thiên tai của cậu học trò nghèo
Nguyễn Thế Quỳnh là con út trong gia đình nghèo ở "vùng cát trắng" Quảng Bình. Cha mắc bạo bệnh mất sớm, mẹ bán thịt nuôi 2 anh em ăn học. Không phụ công mẹ, Quỳnh trở thành "chàng trai vàng" Vật lý, giành học bổng đến Viện công nghệ số 1 thế giới.
Thành tích "khủng" của "chàng trai vàng" Nguyễn Thế Quỳnh
- Hai huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế (năm 2016, 2017).
- Hai huy chương Bạc kỳ thi Olympic Vật lý châu Á (năm 2016, 2017).
- Hai năm học liên tục lớp 11 và 12 đoạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 (năm học 2015-2016 và 2016-2017), môn Vật lý.
- Là một trong 5 học sinh xuất sắc nhất toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2016.
- Được UBND tỉnh tặng hai Bằng khen (năm 2016, 2017).
Bố mất vì bạo bệnh, mẹ bán thịt nuôi con ăn học
Năm 2018 là một năm đáng nhớ với Nguyễn Thế Quỳnh khi nhận được thư báo trúng tuyển kèm hỗ trợ tài chính từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - đại học số 1 thế giới trong sáu năm liên tiếp và Đại học Stanford. Thế nhưng mấy ai biết được, trước khi có thể bay cao với ước mơ, chàng trai trẻ đã trải qua những tháng ngày đầy khó khăn cùng mẹ và em trai.
Nguyễn Thế Quỳnh sinh ra và lớn lên ở phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Anh chàng này là con út trong gia đình có 2 anh em.
Nguyễn Thế Quỳnh là cựu học sinh trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình). Thông minh, chăm chỉ, chàng trai sinh năm 1999 từ nhỏ đã nổi tiếng khắp vùng vì học hỏi. Thế nhưng, chàng trai này lại có hoàn cảnh đặc biệt.
Nguyễn Thế Quỳnh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bán thịt ngoài chợ Cộn (TP Đồng Hới). Sớm hiểu mẹ vất vả, Quỳnh quyết tâm học và chủ động định hướng cho bản thân trong học tập.
Nhìn góc học tập của Quỳnh, không ai nghĩ chàng trai này lại có thể xuất sắc đến thế. Một chiếc bàn cũ nát đặt trong góc nhà với rất ít sách tham khảo cho môn chủ lực của Quỳnh.
Theo bà Hoàng Thị Vi Hạnh (mẹ Quỳnh) từng chia sẻ: "Từ nhỏ, Quỳnh đã có ý thức tự lập, luôn tự giác trong học tập. Thời gian cháu dành cho học ở nhà không nhiều, chỉ khoảng 1 - 2h.
Ban đầu, tôi cũng hơi lo lắng nhưng thấy con khẳng định: 'Con đã hoàn thành bài tập rồi' nên cũng yên tâm. Thú thật, các cháu tự chăm lo việc học chứ tôi lo chạy chợ, kiếm tiền nuôi con ăn học, không có thời gian và cũng chẳng biết để mà kiểm tra hay bày vẽ thêm cho các cháu”.
Còn Quỳnh thì tâm sự: "Kể từ khi cha mất, mẹ phải tần tảo sớm hôm nơi góc chợ để kiếm tiền nuôi hai anh em ăn học. Mẹ là người luôn ở bên động viên, nhắc nhở em cố gắng trong suốt quá trình học tập.
Em và anh trai luôn tự nhủ mình phải cố gắng học để sau này thành công, đền đáp công ơn, bù đắp phần nào những vất vả của mẹ. Nhưng cả cuộc đời này của em, khó có cái gì để lấp đầy những mất mát, hi sinh mà mẹ đã dành cho hai anh em của em”.
"Chàng trai vàng" chinh phục Huy chương Vật lý quốc tế
Được biết, Nguyễn Thế Quỳnh đam mê vật lý từ năm học cấp 2. Quỳnh đạt được nhiều thành tích với môn học này và được mệnh danh là "chàng trai vàng" Vật lý Việt Nam.
Năm lớp 10, Quỳnh thi vào khối chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (TP Đồng Hới). Hàng ngày, khi mờ sáng lúc mẹ chuẩn bị đi chợ, cũng là lúc Quỳnh đạp xe hơn 5km đến trường. Bạn bè xung quanh lớp, cùng trường đều được cha mẹ mua xe đạp điện, đi xe máy điện đến trường nhưng Quỳnh vẫn gắn bó với chiếc xe đạp cũ. Có lần mẹ ngỏ ý mua xe đạp điện, Quỳnh không chịu. Bởi trong suy nghĩ của cậu học trò hiếu thảo chắc không muốn vai mẹ còng thêm.
Đêm đêm, khi mọi người trong nhà đã chìm sâu vào giấc ngủ, cậu học trò nghèo vẫn miệt mài bên chồng sách vở. Giấc mơ vươn tới những vì sao ở chân trời được Quỳnh tỉ mẩn gom góp từng ngày một, bền bỉ lâu dài.
Trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2016 diễn ra tại Trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ từ ngày 10 đến ngày 18/7/2016 có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với tổng số 398 thí sinh. Quỳnh (học sinh lớp 11 trường Chuyên Võ Nguyên Giáp) đã giành được Huy chương vàng với tổng số điểm 40,8/50.
Năm 2018, Quỳnh tiếp tục giành huy chương vàng, qua đó giúp đội tuyển Việt lý Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong lịch sử dự thi Olympic quốc tế, đứng thứ năm sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore.
Sau đó, Nguyễn Thế Quỳnh được tuyển thẳng vào ngành Vật lý học của Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay từ khi chưa nhập học, em đã đặt mục tiêu xin học bổng của Viện Công nghệ Massachusetts - ngôi trường nổi tiếng về nghiên cứu các ngành kỹ thuật, trong đó có Vật lý.
Quỳnh có ước mơ chinh phục đại học Mỹ vì quốc gia này có môi trường học tập lý tưởng với nhiều sinh viên quốc tế, các giáo sư đầu ngành và cơ sở vật chất tốt. Song, phải đến tấm huy chương vàng thứ 2 trên đấu trường quốc tế, "chàng trai vành" mới có đủ thời gian để hoàn thành hồ sơ.
Đến Mỹ học để tìm cách giúp quê hương chống thiên tai
Khi được hỏi: "Có nỗi lo nào khi nộp đơn vào ngôi trường danh tiếng bậc nhất và có tỉ lệ cạnh tranh cực cao khôn?". Quỳnh đáp:"Em biết tỉ lệ cạnh tranh hiển nhiên là rất cao, tuy nhiên em không để ý lắm đến việc lo sợ, dù sao MIT cũng là dream school (ngôi trường trong mơ) của các bạn trẻ đam mê khoa học trên thế giới. Em chỉ cố gắng học thật chăm chỉ và hoàn thiện hồ sơ tốt nhất có thể”.
"Chàng trai vàng" hóm hỉnh kể lại khoảnh khắc nhận tin báo đỗ: "Lúc đấy em dậy sớm để đi học, em nhớ ra là hôm nay MIT có kết quả nên em mở máy tính ra xem, cảm xúc của em là khá bất ngờ và thú vị. Sau đó em đi học".
Xuất phát điểm không tốt như nhiều bạn bè ở thành phố lớn, giấc mơ du học từng là quá xa vời với cậu học trò "vùng cát trắng". Nhưng Quỳnh có quyết tâm và bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ sau khi thi xong Olympic quốc tế năm 2017. Thời gian ôn thi chuẩn hóa và các công việc khác được Quỳnh hoàn thành vỏn vẹn trong 4 tháng.
Khó khăn lớn nhất với Quỳnh khi ấy là tiếng Anh và các kỳ thi. Giai đoạn nước rút, tưởng chừng như phải bỏ cuộc nhưng Quỳnh vẫn chăm chỉ đến lớp học tiếng Anh kín cả tuần. Học từ mới, viết nhiều bài luận, chăm chỉ tra cứu, luyện nghe các từ cơ bản. Kết quả sau 4 tháng, trình độ tiếng anh của Quỳnh khá lên, đủ để vượt qua các kỳ thi chuẩn hóa.
Theo Thế Quỳnh, bí quyết giúp em chinh phục ngôi trường ĐH danh giá Mỹ nằm ở con người em chứ không chỉ những con số trong hồ sơ.
“Em đã cố gắng thể hiện con người, niềm đam mê, tính cách và ước mơ của mình trước hội đồng tuyển sinh qua các bài luận và phỏng vấn. Em nghĩ điều này là quan trọng tương đương với thành tích học thuật”, Quỳnh nói.
Đam mê khoa học của Quỳnh không chỉ ở các huy chương mà còn ở nhiều hoạt động ngoại khóa. Quỳnh tham dự các trại hè, đông Vật lý của miền Trung được diễn ra ở Nghệ An trong những năm cấp 3. Đây là nơi, Quỳnh gặp được các giáo sư đầu ngành, các bạn học xuất sắc có cùng đam mê.
Quỳnh tham gia CLB Nuôi dưỡng nhân tài. Đó là nơi tập hợp các bạn học sinh, sinh viên xuất sắc trên khắp cả nước, nơi các bạn có thể sinh hoạt CLB tiếng Anh, Toán, Tin...
Quỳnh cũng không quên tham gia các hoạt động của CLB tình nguyện của trường trong đợt lũ lịch sử ở quê em vào tháng 10/2016. Quỳnh và các bạn mình đã gây quỹ, quyên góp quần áo lương thực và tới nơi giúp bà con ở vùng lũ. Khi ấy là lúc "chàng trai vàng" nhìn thấy mong muốn của mình và sau này, nó trở thành lý tưởng Quỳnh đưa vào bài luận gửi Massachusetts Institute of Technology.
“Bài luận của em nói về thiên tai ở các vùng quê miền biển nghèo ở Việt Nam. Lớn lên tại Quảng Bình và đã chứng kiến sự phá hoại của thiên tai, em viết về tình trạng của người dân vì vật liệu xây nhà sơ sài, không chống chọi được bão, tình trạng thiếu điện, thiếu nước sạch mỗi khi cơn bão lũ trôi qua. Em mong muốn góp phần tìm giải pháp công nghệ để giúp con người chống lại thiên tai tốt hơn”, Thế Quỳnh chia sẻ.
Bước vào phần phỏng vấn, Nguyễn Thế Quỳnh đã thể hiện sự rắn rỏi, nghiêm nghị của người bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, nhưng cũng đầy nét hào hoa, nhân văn hướng thiện của mình.
Quỳnh chỉ ước bước chân vào những chân trời khoa học mới, để học tập, nghiên cứu phục vụ quê hương mình, đem lại những giá trị trong cuộc sống cho mọi người xung quanh. Bài luận và phần trả lời phỏng vấn của Quỳnh đã "hạ gục" những thành viên khó tính nhất của Viện Công nghệ Massachusetts MIT.
Nói về Nguyễn Thế Quỳnh, thầy giáo Nguyễn Phượng Hoàng, giáo viên chủ nhiệm, cũng là thầy dạy Vật lý của Quỳnh cho biết, Quỳnh học Vật lý rất giỏi, rất nhẹ nhàng, không học đến nỗi quên hết tất cả chỉ để học, Quỳnh rất vui tính, hòa đồng với bạn bè, không chỉ giỏi Vật lý, Quỳnh còn học rất giỏi Toán và Tiếng Anh.
Được biết, thầy Hoàng đã giúp Quỳnh rất nhiều trong quá trình học tập. Hồi mới vào lớp 10, thầy Hoàng chính là người đã dạy ôn cho em để em tham dự đội tuyển Vật lý của tỉnh, sau khi vào được đội tuyển, em được các thầy cô trong tổ Vật lý của trường ôn luyện để chuẩn bị cho những kì thi lớn hơn.
Thầy Hoàng Thanh Cảnh - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp khẳng định: Em Nguyễn Thế Quỳnh là niềm tự hào không chỉ của lớp, của trường mà em còn là niềm tự hào của ngành giáo dục ở vùng cát Quảng Bình.
Xem thêm: Cặp chị em "con nhà người ta": Cùng đạt học bổng Harvard, từng hỗ trợ hàng triệu sinh viên quốc tế
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận