Cho đi là còn mãi: Cựu binh Lê Đình Duật và thâm niên 20 năm "tiếp lửa" phong trào hiến máu tình nguyện
Từ ký ức chứng kiến đồng đội hi sinh vì không đủ máu, người cựu binh Lê Đình Duật đã tình nguyện, cần mẫn với công tác vận động hiến máu tình nguyện.
Cơ duyên từ “món nợ”
Tìm đến gia đình bác Lê Đình Duật trong một căn hộ nhỏ, đơn sơ, nhưng rất sạch sẽ trong một khu tập thể cũ thuộc tại Tổ dân phố 10, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự gọn gàng, ấm cúng.
Căn phòng của gia đình ông nhỏ gọn chừng 40m2 trên tầng 4 của khu tập thể luôn ấm cúng bởi tình yêu, sự gắn kết, sống vì mọi người của mỗi thành viên. Trong căn phòng, những Bằng khen, Giấy khen biểu dương tấm lòng hiến máu vì cộng đồng của các thành viên trong gia đình được ông Duật treo ngăn nắp, trang trọng.
Vừa soạn lại những tấm ảnh kỷ niệm trong những dịp đưa thanh niên trẻ đi hiến máu, ông Duật vừa tâm sự với chúng tôi về cơ duyên, động lực thôi thúc ông gắn bó với hoạt động thiện nguyện hơn 20 năm qua.
Ngày 21/4/1963, ông Duật được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và cũng là ngày ông nhập ngũ vào quân đội. Năm 1966, một lần đơn vị hành quân qua trạm quân y thuộc chiến trường Quân khu IV, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh vì không đủ máu để truyền, trong lòng ông dấy lên nỗi day dứt, xót xa.
Năm 1967, khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Hà Nội, ông Duật nhận được tin bố vợ tương lai qua đời vì bị thương, vết thương quá nặng do mất máu nhiều, khi đó bệnh viện huyện không có máu để truyền.
Sự hy sinh của đồng đội, của người thân khiến ông Duật luôn trăn trở, day dứt. Với ông đó là “món nợ” đời mà ông nhất định phải trả.
Năm 1991, được nghỉ chế độ, ông Duật về sinh sống tại Tổ dân phố số 10 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Được lãnh đạo tin tưởng, nhân dân tín nhiệm, ông đã tham gia nhiều công tác đoàn thể ở phường và khu dân cư, trong đó đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường. Với ông, đó là cơ hội để ông tham gia công tác nhân đạo, thực hiện tâm nguyện trả “món nợ” mà ông đã ấp ủ lâu nay.
Năm 1999, khi có phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương, ông tình nguyện tham gia. Kiểm tra sức khoẻ, ông bị huyết áp thấp nên không thể hiến máu. Không được hiến máu, thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên, ông Lê Đình Duật đã tiên phong vận động các thành viên trong gia đình cùng đi hiến máu.
Cái gì khó nhưng có lợi cho dân thì làm
“Ngày ấy, đi vận động hiến máu nhưng người dân chưa hiểu, mọi người cho rằng máu là xương, thịt, hơn nữa mọi người sợ cho máu thì dễ ốm đau, lây nhiễm bệnh khi đi hiến máu. Lúc đó tôi thấy buồn lắm, nhưng tôi hiểu không có máu là điều rất nguy hiểm. Tôi làm công việc này rất vô tư, chứ không vì thành tích hay gì cả. Tuy nhiên, buồn thì buồn tôi lại càng làm vì tôi là người lính cụ Hồ, lúc khó khăn nhất thì tôi càng muốn làm. Tôi là cán bộ, đảng viên, đã trải qua đời lính, về với đời thường cái gì khó nhưng có lợi cho dân thì tôi làm”, ông Duật tâm sự.
Ngày đầu vận động hiến máu, may chăng cũng chỉ được 4-5 đơn vị máu là ông Duật đã cố gắng hết sức.
Do sự hiểu biết của mọi người còn hạn chế, do vậy, ông Duật xác định phải vận động gia đình trước, mình phải nêu gương, phải cho mọi người hiểu hiến máu không hề ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Rất may là khi chia sẻ thì cả gia đình ông Duật đều nhiệt tình hưởng ứng.
“Năm 2000, con gái thứ 2 của tôi tham gia hiến máu trước. Trong những năm tiếp theo, vợ, con gái cả và con trai út của tôi cũng bắt đầu tham gia”, ông Duật bộc bạch.
Không chỉ vận động con cháu, ông và vợ tất bật ngược xuôi vận động bạn bè, họ hàng cùng hiến máu.
Để thuyết phục mọi người, ông đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương xin rất nhiều tài liệu về đọc. Sau đó, ông đến từng nhà, phát tài liệu, giải thích cho mọi người hiểu những lợi ích khi tham gia hiến máu.
Đến ngày đi hiến máu, ông tập trung tất cả mọi người đến nhà mình ăn sáng để bảo đảm tình trạng sức khỏe tốt nhất rồi thuê xe chở mọi người đến địa điểm hiến máu.
Đối với các thành viên tham gia hiến máu, ông Duật chi thêm tiền bồi dưỡng xăng xe (từ 150 đến 200 nghìn đồng), ông in 2 - 3 tấm ảnh tặng cho các thành viên khi tham gia hiến máu. Tất cả chi phí đó vợ chồng ông đều trích từ số tiền lương hưu ít ỏi hàng tháng của mình.
Danh sách, thông tin cá nhân của những người từng đăng ký tham gia hiến máu đều được ông Duật ghi chép, cất giữ cẩn thận, ông thường xuyên kết nối, trò chuyện, hỏi thăm sức khoẻ, đời sống gia đình với các thành viên.
Với ông, họ là người thân trong gia đình. Hàng năm, gia đình ông đều tổ chức liên hoan gặp mặt, tặng quà cảm ơn những người đã tham gia hiến máu, tạo sự gắn kết giữa các thành viên với nhau.
Với tấm lòng cao cả, tình nguyện hiến máu, 23 năm qua 6 thành viên gia đình ông Lê Đình Duật đã hiến hơn 218 đơn vị máu an toàn.
Không chỉ trực tiếp hiến máu hàng năm, ông cùng các thành viên trong gia đình còn tích cực vận động họ hàng, bạn bè và những người xung quanh tham gia.
23 năm, gia đình ông đã vận động được hơn 1.000 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, đạt hơn 1.000 đơn vị máu an toàn.
Với những thành tích, cống hiến trong công tác vận động, tuyên truyền và trực tiếp hiến máu tình nguyện trong những năm qua, ông Lê Đình Duật cùng gia đình đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ghi nhận đóng góp của gia đình với hoạt động vì cộng đồng.
(Theo PLVN)
Xem thêm: 9x tử tế: Chàng trai trẻ tích cực hiến máu, tâm niệm cho đi đâu chỉ nhận lại riêng mình
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận