Cô giáo xứ Quảng dạy học miễn phí, có tiền là đi từ thiện
Dù đã về hưu nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thái vẫn trăn trở làm sao để học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức nhất? Bên cạnh đó, mỗi khi có tiền, cô đều gom lại mang đi làm từ thiện.
Giáo viên giỏi luôn trăn trở với học sinh
Cô Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1958 ở Quảng Nam. Với tình yêu dành cho con trẻ và muốn truyền đạt kiến thức cho các em từ trang sách lẫn cuộc sống, năm 1978, cô Thái quyết định trở thành nữ sinh khoa Văn - Nhạc, trường Cao đẳng Đà Nẵng.
Năm 1980, cô tốt nghiệp và chính thức trở thành giáo viên dạy Văn của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Tại ngồi trường gắn bó cả tuổi thanh xuân này, cô Thái luôn là giáo viên giỏi, gương mẫu, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Từ năm 2013, cô Thái nghỉ hưu và có cuộc sống vui vẻ, yên bình bên con cháu. Thế nhưng niềm đam mê dạy học vẫn khiến cô nhiều trăn trở. Cô quyết định mở lớp dạy học tại nhà với mong muốn bằng kiến thức và kinh nghiệm dạy học của mình sẽ giúp các em yêu thích môn Văn. Đặc biệt, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Thái sẵn sàng dạy các em miễn phí.
"Tôi dạy nhiều lớp lắm. Sở trường của tôi là dạy Văn cho học sinh cấp 2 và Toán cho học sinh lớp 6, 7. Tôi chỉ lấy học phí của những học sinh nào khá giả để bù cho học sinh nghèo. Số tiền đó tôi còn may quần áo cho học sinh nhà nghèo", cô Thái chia sẻ.
Mới đây, cô Thái biết đến công trình chữ VN song song 4.0 (CVNSS 4.0) của 2 tác giả Kiều Trường Lâm với nghiên cứu "Ký hiệu dấu" phối hợp nghiên cứu "Chữ Việt nhanh" của tác giả Trần Tư Bình (hiện đang ở Australia). Đây là công trình sử dụng 26 chữ cái La-tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. CVNSS 4.0 có thể được ứng dụng trong thời đại công nghệ 4.0 vì không xuất hiện tượng bị lỗi phông chữ ở bất kỳ máy tính hay trên bất kỳ điện thoại di động nào.
Cô Thái rất tò mò về chữ viết này và quyết định tự học. Sau 1 tuần, cô có thể đọc viết trôi chảy. "Tôi thấy đây là kiểu chữ rất hay, tiện lợi, dùng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì chữ không dấu nên không bị nhầm lẫn và rút gọn được nhiều thời gian cho thế hệ trẻ", cô Thái chia sẻ.
Cùng với dạy học môn Văn, cô Thái đã mở lớp daỵ thêm chữ CVNSS 4.0 với mục đích "sau này có lúc cần dùng tới". Cô Thái cho biết, cô tự soạn giáo án dạy chữ theo quy cách như một bài dạy Văn là theo phương pháp tích hợp. Chỉ sau vài buổi dạy các em có thể tự đọc, viết.
Cô giáo có niềm đam mê làm thơ, đi từ thiện
Là giáo viên dạy Văn nên cô Thái mang trong mình tình yêu thơ. Cô chia sẻ, mỗi người có một cái duyên năng khiếu và đam mê chứ không phải ai cũng làm thơ được. Cảm xúc của cô luôn dạt dào, thổn thức như thời trẻ nên đến hiện tại "gia tài" thơ của cô khá đồ sộ về tất cả các chủ đề.
Tuy nhiên, điều tự hào nhất của cô chính là việc đi làm từ thiện. Cô tâm sự: "Làm từ thiện là muốn chia sẻ nỗi bất hạnh, nỗi đau cuộc đời của những người không may mắn. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi giúp họ. Tôi sẽ tiếp tục từ thiện cho đến cuối cuộc đời khi còn khỏe và có thể".
"Buôn Ma Thuột là quê hương đã cưu mang gia đình tôi. Nay các con thành đạt, gia đình êm ấm, tôi muốn đóng góp phần nhỏ để trả bớt ơn nghĩa. Tôi chọn đây là quê hương thứ 2", cô Thái thổ lộ.
Theo chia sẻ cô Thái, tiền mở lớp dạy học, tiền lương hàng tháng đều được cô trích lại để mua quà tặng cho học sinh nghèo, người ốm đau bệnh tật. Cô tham gia nhiều chương trình từ thiện và có lần cô tặng ngay 800.000 đồng cho một người quanh năm đau cột sống để mua thẻ bảo hiểm y tế.
Chia sẻ thêm về kế hoạch trong tương lai, cô Thái nói: "Tôi sẽ tiếp tục làm từ thiện ở Đắk Lắk và gửi tiền về quê cho chị gái ở Đà Nẵng đóng góp cùng với chị để làm từ thiện cho những người cần giúp đỡ, cần chia sẻ kịp thời".
(Theo Dân Việt)
Xem thêm: Cô giáo về hưu và hành trình miệt mài giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận