Chuyện về "tổ Hai lúa" miền Tây: Sẵn sàng vượt đường xa đi xây nhà 0 đồng cho người nghèo

"Tổ Hai lúa" là cái tên người dân miền Tây đặt cho nhóm thợ chuyên cất nhà tình thương giúp người dân nghèo...

Đỗ Thu Nga
17:00 12/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Các thành viên của "tổ Hai lúa" đều là những nông dân của  xã Định Yên, huyện Lấp Vò. Phần lớn thời gian trong năm lo chuyện đồng áng nhưng mỗi khi rảnh rỗi là họ tập hợp, đi cất nhà cho bà con khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nói về lý do thành lập tổ, ông Huỳnh Phú Quán, tổ phó phụ trách điều hành, cho biết năm 1997 khi bão Linda kèm giông lốc đổ bộ vào đất liền, căn nhà vách lá của ông khi đó gần như đổ sập. Một tay ông ôm con, một tay ra sức giữ cột nhà với quyết tâm giữ lại chỗ che nắng mưa cho gia đình. "Từ lúc đấy tôi thấu hiểu hơn tầm quan trọng của một ngôi nhà chắc chắn", ông Quán nói.

Sau sự việc hôm ấy, ông tâm niệm khi nào điều kiện kinh tế gia đình khá hơn sẽ tập hợp các anh em cùng ý tưởng, đi xây nhà tình thương cho người nghèo.

Năm 2016, ông Quán đứng ra thành lập Tổ cất nhà tình thương với 32 thành viên. "Không có một tiêu chuẩn nào để trở thành thành viên của Tổ. Hễ ai có cái tâm muốn làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo là có thể tham gia", ông nói. Đến nay, Tổ có hơn 80 người đến từ khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tổ được chia làm 5 nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách xây dựng một căn nhà. Có thời điểm, cả 5 nhóm đều phải hoạt động hết công suất để kịp tiến độ bàn giao nhà cho bà con.

chuyen-ve-to-hai-lua-mien-tay-xay-nha-0-dong-cho-nguoi-ngheo-0
Anh Nguyễn Phúc Hậu, 43 tuổi, đã theo Tổ cất nhà tình thương số 2 được ba năm.

Căn nhà đầu tiên được tổ xây dựng là của bà Mai Thị Đẹp tại xã Định Yên vào cuối năm 2016. Thấy căn nhà xiêu vẹo, mái lá rách tươm, ông Quán về bàn với các thành viên trong tổ rồi quyết định xây tặng bà một căn nhà từ tiền đóng góp của các nhà hảo tâm và đóng góp ngày công của anh, em trong tổ.

"Căn nhà hoàn thành trong niềm vui của anh, em và gia chủ. Từ ngôi nhà đầu tiên anh, em trong tổ duy trì đều đặn việc cất nhà tình thương đến tận bây giờ", ông Quán chia sẻ.

Ông ước tính, 7 năm qua Tổ đã xây dựng hơn 1.000 căn nhà. "Chúng tôi có nguyên tắc nhà phải đảm bảo '3 cứng' là nền cứng, mái cứng, vách cứng để độ bền cao nhất. Cất cái nhà sao cho 30 năm sau vẫn còn ở được", ông Quán nói.

Diện tích một căn nhà tình thương tiêu chuẩn thường rộng 32 m2, mất khoảng ba tuần để hoàn thiện. Chi phí xây dựng dao động từ 25 đến 90 triệu đồng, tùy nguồn đóng góp của mạnh thường quân, điều kiện của gia chủ.

Anh Nguyễn Phúc Hậu, 43 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò đã tham gia Tổ gần ba năm. Anh tâm sự, dù công việc có phần cực nhọc nhưng cũng có niềm vui riêng từ việc giúp đỡ cho những hoàn cảnh nghèo khó. "Mình cũng không khá giả gì nhưng nguyện đóng góp chút công sức cùng anh em. Mong có nhà mới, gia chủ tập trung làm ăn, phát triển kinh tế để từng bước thoát nghèo", anh nói.

Những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bà Nguyễn Thị Tiếu, 78 tuổi, ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò cho biết rất vui vì sắp được dọn vào ở trong căn nhà mới khang trang hơn. Ngôi nhà có kinh phí xây dựng 80 triệu đồng từ quỹ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Tổ cất nhà tình thương, là niềm ao ước cả đời của bà Tiếu.

"Tôi không có đồng nào lận lưng, toàn bộ chi phí xây nhà đều do mọi người đóng góp. Gần Tết, được ở trong ngôi nhà mới thì còn hạnh phúc nào hơn", bà Tiếu nói.

Nhà bà Tiếu là một trong số 125 căn nhà được Tổ cất nhà tình thương số 2 xã Định Yên xây dựng trong năm 2023. "Ba năm gần đây, năm nào tổ cũng xây dựng trên 120 căn. Tổng chi phí xây dựng năm 2023 cũng hơn 3,5 tỉ đồng", ông Quán cho biết.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt hơn 7 năm đi cất nhà cho người nghèo của ông Quán là lần cất lại ba căn nhà bị cháy ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung năm 2021. "Nhận được tin báo, chúng tôi đã tập hợp cả 5 nhóm. Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi quyết định dựng lại ba căn nhà trong thời gian ngắn nhất để bà con ổn định chỗ ở. Hơn 50 người làm việc liên tục từ 3h sáng đến tận xế chiều mới hoàn thành", ông kể.

Với phương châm "Thiện nguyện không có ranh giới", Tổ cất nhà tình thương số 2 đã có mặt ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khi thì Long An, Tiền Giang, lúc về tận Cà Mau. "Làm việc thiện đừng nên gói gọn trong phạm vi một huyện, một tỉnh bởi lẽ người nghèo ở khắp nơi. Tình thương thì không có giới hạn địa giới hành chính, không phân biệt vùng miền, gia cảnh", ông Quán nói.

chuyen-ve-to-hai-lua-mien-tay-xay-nha-0-dong-cho-nguoi-ngheo-8
Ông Huỳnh Phú Quán trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tiếu trong căn nhà sắp hoàn thành

Hiểu được vất vả cũng như những nguy hiểm thường trực trong quá trình xây dựng, ban điều hành Tổ cất nhà tình thương mua bảo hiểm tai nạn lao động cho tất cả các thành viên trong tổ. Ngoài ra, Tổ còn cấp phát gạo hàng tháng, hỗ trợ bảo hiểm y tế kèm theo.

Ông Nguyễn Hữu Thời, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao thành quả mà Tổ cất nhà tình thương số 2 xã Định Yên đã làm được trong thời gian qua.

"Tổ đã hoạt động thiện nguyện nhiều năm liền. Ngoài tài trợ của mạnh thường quân, các thành viên trong tổ còn tự bỏ tiền túi để xây dựng nhà tình thương cho người nghèo. Một điểm đáng trân quý nữa là tổ không giới hạn địa bàn hoạt động, sẵn sàng vượt đường xa xây nhà cho bà con các tỉnh, thành phố lân cận", ông Thời đánh giá.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Nữ giám đốc biến nhà ở thành nhà trọ 0 đồng, tạo mái ấm cho bệnh nhân chạy thận

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận