Khi vua Việt tự trách mình: Chuyện ít biết về chiếu tự xét của Lê Nhân Tông

Người xưa quan niệm, vua là con trời, thay trời chăm dân. Vì thế khi thiên tai, dịch bệnh ập xuống, các vị vua thường làm nghi lễ tạ lỗi với trời, tự trách mình để tai họa không giáng xuống muôn dân nữa.

Đỗ Thu Nga
10:00 16/08/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo một số tài liệu, việc vua tự xét mình diễn ra từ thời Lê, khi Nho giáo lên ngôi. Còn vào thời Lý, chưa có sử sách nào chép về việc này. 

Như thời Lý Thánh Tôn, năm 1070, Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa hạ, tháng 4 đại hạn, phát thóc và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo. Việc phát chẩn, miễn thuế cũng được thể hiện nhiều ở thời nhà Trần.

Sang đến thời Lê, khi có hạn hán, vua Lê làm lễ cầu mưa theo nghi thức Đạo giáo. Đó là chuyện xảy ra vào năm 1437, thời Lê Thái Tông, đất nước bị hạn hán, có sâu hại lúa, nhà vua lệnh cho các lộ, trấn làm lễ cầu mưa. 

Vào năm 1476, thời vua Lê Thánh Tông, sử viết: "Từ mùa đông năm trước đến tháng 4 mùa hạ năm nay, không mưa. Nhà vua thấy qua mùa này đến mùa khác không mưa, thân hành cầu đảo đáng thượng đế".

Năm 1496, cuối thời Lê Thánh Tông, trời cũng nắng hạn nhiều ngày, vua thần hành cầu đảo. Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: "Lúc ấy, đã lâu không mưa, nhà vua tự mình thành tâm cầu đảo và tự soạn bài thơ, sai Nguyễn Đôn đem treo vào tường đền thờ thần Hoằng Hựu. Tối hôm ấy mưa to”.

Chuyen-it-biet-ve-chieu-tu-xet-cua-Le-Nhan-Tong

Khi cầu đảo không có hiệu nghiệm, vua nhà Lê sử dụng đến biện pháp "cao cấp" hơn. Đó là năm 1449, khi có đại hạn, vua Lê Nhân Tông cũng “đảo vũ ở cung Cảnh Linh; lại sai Bùi Cầm Hổ đến núi Tản Viên và núi Tam Đảo làm lễ cầu mưa nhưng đều không ứng nghiệm”. Nhà vua bèn hạ chiếu xét mình.

Bài chiếu đại lược nói: "Luôn mấy năm nay hạn hán, thóc lúa hỏng, không thu hoạch được; dân tình sầu oán! Có lẽ vì trẫm không hết sức thành thực để cảm cách lòng trời, không tròn đạo hiếu để kính thờ tông miếu? Lại không biết sử dụng người hiền năng, còn những người mình dùng đó đều là hạng người mờ tối nhỏ nhen mà nên nỗi chăng?”.

"Hay là nạn hối lộ thịnh hành và việc nữ sắc quá nhiều chăng? Hay là không cẩn thận tiết độ trong việc tiêu dùng, làm hao hại tiền tài của dân chăng? Hay là đại thần giúp rập chưa làm hết phận sự điều hòa xoay chuyển trời đất chăng? Tướng súy và bầy tôi nơi phiên trấn chưa biết yêu thương quân dân, làm nhiều việc xà xẻo, bóc lột chăng? Các chức thú lệnh không biết vỗ về chăn nuôi dân, chỉ chăm bề xâm phạm đục khoét của dân mà đến nỗi thế chăng? Hay là quan coi hình ngục không biết giữ sự công bằng, chỉ rông rỡ tham lam khắc nghiệt, khiến cho oán khí bốc xông lên trên đến nỗi thế chăng? Hay là các quan thừa hành chỉ chuyên ưa chuộng giấy tờ hư văn, làm cho ơn trách không nhuần thấm xuống dưới, tình hình kẻ dưới không đề đạt được lên trên chăng?

Những nhà quyền quý cậy thế ra oai làm cho người dân nhỏ mọn phải chịu oan uổng chăng? Người làm chủ súy đạo lộn công lao của quân nhân, làm hại đến phép công chăng? Chằm (đầm) đã khô cạn không có cá, thế mà ngạch thuế vẫn chưa giảm bớt, dân còn phải nộp thuế khống chăng? Con cháu các nhà công thần kỳ cựu chưa lục dụng được hết chăng? Những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy làm thương tổn đến khí hòa thuận của trời đất. Vậy nay nếu không kê cứu lời xưa dạy bảo sửa lỗi và tìm hết đường lối xét mình thì làm thế nào để trên có thể xoay lại lòng trời, dưới có thể cứu chữa đau khổ cho dân được?".

Sử quan triều Lê cố viết rõ để tán dương việc xuống chiếu xét mình của vua Lê Nhân Tông: “Tờ chiếu vừa ban xuống thì buổi tối hôm ấy, trời mưa”.

Sau bài chiếu của Vua Lê Nhân Tông, các quan do Hà Phủ cầm đầu, dâng sớ nói: “Thần nghe: biết lỗi không khó, sữa lỗi mới khó, nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó. Nay trời giáng tai họa hạn hán, trong tờ chiếu của bệ hạ có điều nói là chằm cạn không có cá, dân phải nộp thuế nhiều, thần xin giảm ngạch thuế đó để ban ân huệ thực". Là một vị vua sáng suốt, Lê Nhân Tông đã nghe theo lời tâu này.

Cũng năm đó, hai đại thần là Lê Thụ và Lê Khả dâng sớ lên nhà vua, đại lược nói rằng: "Những đời thịnh trị hễ gặp có tai biến tất biết răn sợ: vua thì xét mình, đại thần thì nhận tội, trên dưới đồng lòng kính cẩn sợ hãi để làm cho thiên tai qua khỏi. Quốc triều ta, từ niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) đến khoảng Thiệu Bình (1434-1439) và Đại Bảo (1440-1442), thóc lúa luôn được phong đăng, phúc trời nhuần thấm. Ngày nay, từ khi bệ hạ nối ngôi đến giờ, việc làm chưa có gì là lỗi lầm, thế mà nước lụt và hạn hán vẫn tiếp diễn, tai biến luôn xảy ra. Đó đều vì bọn thần không biết tuyên dương đức ý của nhà vua và làm lầm lỡ về việc điều hòa khí âm khí dương. Thật đúng như lời trong tờ chiếu sáng suốt đã vạch ra đó. Vậy, cúi mong nhà vua cho vời bọn thần đến chính sự đường để xét hỏi về việc quân, việc nước: điều gì nên làm, điều gì nên bỏ, chỉ cốt sát với sự thực, chứ không làm chuyện giấy tờ hư văn".

Mẹ vua, Tuyên Từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh hạ chiếu đáp rằng: "Sách xưa có câu: "Việc người tốt thì thiên thời hòa". Nay quan gia còn trẻ mà thiên tai xảy ra luôn, trẫm rất lo sợ. Mối hại ngày nay có thể là do gây bè cánh, tiến cử không công bằng, có thể vì cậy thế công thần nơi tiềm để cho vợ con chạy chọt nhờ vả nơi quyền thế, có thể do bọn gia nô làm hại dân lành, hay thậm thụt ở các nhà quyền thế để xin khỏi tội. Làm thế nào để trừ bỏ mối tệ hại đó cho vua tôi ta một lòng một dạ để trừ tai biến của trời, trên thì có thể phù trì quan gia giữ vững cơ nghiệp của tông miếu, dưới thì có thể giữ yên thiên hạ, thỏa lòng mong đợi của quân dân".

Xem thêm: Sử Việt chắc khó có ai dụng thủy binh đỉnh cao như vua Lê Đại Hành

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận