Chữa lành dưới góc nhìn văn học

Hiện nay có nhiều bài đăng chỉ trích quan điểm "chữa lành" của giới trẻ. Họ nói đây là thế hệ dễ tổn thương, thế hệ "sướng quá hóa rồ". Nhưng thật ra, không phải đến tận bây giờ chúng ta mới cần chữa lành!

Đỗ Thu Nga
15:00 17/06/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trước hết, chữa lành là gì? Chữa lành có thể hiểu theo rất nhiều ý nghĩa không chỉ khuôn hẹp trong hình thức các bạn trẻ TIÊU TIỀN cho những chuyến đi chơi, những cuộc du lịch hay những khoảng thời gian nghỉ ngơi. Nói đúng hơn chữa lành là hình thức xoa dịu những tổn thương, khuyết thiếu tâm hồn theo nhiều cách khác nhau. Nói về nỗi đau và khuyết thiếu tâm hồn thì cực kì rộng, đó có thể là nỗi đau thời thơ ấu, là nỗi đau do chiến tranh, tổn thương do sự kiện nào đó,... Rất nhiều quan điểm đề cập tới những nỗi đau của ông cha ta trong chiến tranh để so sánh với các bạn trẻ hiện nay. NHƯNG con người hay đúng hơn là mỗi người đều là sinh thể độc lập có phản ứng khác nhau trước những nỗi đau, đồng thời, nỗi đau của mỗi thời đều không giống nhau nên so sánh này là vô cũng KHẬP KHIỄNG. Phản ứng trước những nỗi đau mỗi người sẽ có những cơ chế kiểm soát khác nhau của NÃO BỘ và vấn đề của tâm thần học này mang tính di truyền, nghĩa là từ khi sinh ra chúng ta hoàn toàn đã được định sẵn một số phản ứng tâm lý dễ kiểm soát hơn hay nhạy cảm hơn so với mọi người xung quanh. 

Bên cạnh đó, ngay cả những người lính bước ra từ chiến tranh họ cũng phải đối mặt với những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần và CHỮA LÀNH là cần thiết để giúp họ tái hòa nhập với cuộc sống hòa bình. Họ cũng chịu những tổn thương, những nỗi đau mất người thân mất đồng đội không thể xóa nhòa. Hàng loạt những tác phẩm điện ảnh hay văn chương luôn nói về vấn đề này như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh - tiếng nói của những người ở lại: “Nhưng chúng tôi có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt lên trên đau khổ.” hay “Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác sự phi nhân và bạo lực phi nhân cũng đã thắng… Những tổn thất những mất mát có thể bù đắp, vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn, không bao giờ nguôi.” Hay bộ phim "Brothers" được phát hành năm 2009 đã thể hiện rõ nét tâm lý của người lính sau khi trở về từ chiến tranh. Tác phẩm "Số phận con người" của Sô-lô-khốp trong sách giáo khoa ngữ văn 12 cũ cũng khắc họa nỗi ám ảnh khôn nguôi của người cựu chiến binh sau khi chiến tranh kết thúc. 

chua-lanh-duoi-goc-nhin-van-hoc-0
Ảnh minh họa

Trong thế kỉ XX, thế hệ mất mát được đề cập rất nhiều trong các tác phẩm văn học Mỹ, Nhật,... Thế hệ mất mát, hay còn gọi là thế hệ lạc lõng, thế hệ bỏ đi (tiếng Anh: Lost Generation), theo Nhân khẩu học dùng để chỉ thế hệ những người khoảng tuổi trưởng thành trong suốt thời gian xảy ra Thế chiến thứ I. Trong tác phẩm “Một nỗi đau riêng” của Kenzaburo (Tác phẩm đoạt giải Nobel văn học năm 1994) đã đề cập tới thế hệ những tri thức Nhật Bản những năm 1960 họ là những người có hoàn cảnh đủ đầy, không thiếu thốn vật chất, sống trong hòa bình nhưng lạc lõng và lạc lối về tinh thần khi đem theo mình những ước mơ quá cao xa và hão huyền. 

Không phải tự nhiên hàng loạt những nhà lương y, bác sĩ, chuyển qua văn học vì muốn chữa lành căn bệnh tinh thần cho con người như: Anton Tchekhov (Nga), Somerset Maugham (Anh), Lỗ Tấn (Trung Quốc)… Ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta từng biết đến những thầy thuốc rất thành công trong lĩnh vực văn thơ: Đào Ngọc Phong, Vũ Quần Phương, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Sĩ Tuấn…

Và ngay cả khi sống trong hòa bình chúng ta vẫn có những nỗi đau tinh thần không thể giải quyết như trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 cũ. Hòa bình lặp lại, nhưng nỗi đau cơm áo gạo tiền, nỗi đau tinh thần và định kiến vẫn còn. 

  Ở mỗi thời đại có những nỗi đau, những mất mát khác nhau, hệ tư tưởng, hoàn cảnh sống, tâm hồn cá nhân của mỗi con người cũng khác nhau vậy nên mọi so sánh về cần chữa lành hay không chữa lành đều khập khiễng. Đặt vào bối cảnh hiện nay khi nhu cầu sống được đẩy lên cao, xã hội phát triển cũng khiến cuộc sống vội vã hơn. Điều này đòi hỏi các bạn trẻ ngày càng phải cố gắng, khoác lên mình một chiếc áo lớn, càng nhiều áp lực, càng nhiều nỗi đau. 

Và những tổn thương không chỉ xảy ra khi biến cố mà ngay cả những lúc vui nhất, tận hưởng nhất chúng ta vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc thật mong manh: “Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.” (Xuân Diệu) Vì cuộc sống không thể đoán trước nên những bất hạnh luôn ập đến bất ngờ và con người có trái tim khối óc nên họ buộc mình không ngừng suy nghĩ đến trường hợp bất hạnh.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có không ít người hiểu sai ý nghĩa của việc chữa lành, nhầm nó với sự ích kỉ hưởng thụ chứ bản chất của chữa lành không hề xấu. Nếu đau mà không chữa, mà cứ bước tiếp thì khác nào chú chuột vừa bị xe cán qua vẫn tiếp tục lê lết giữa đường và đón chờ nó là những dòng xe khác. Chữa lành đúng cách cũng là hình thức tôn trọng cảm xúc của cá nhân và mọi người.

Xem thêm: Top những câu hỏi phụ thường gặp trong thi tốt nghiệp THPT

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận