Chịu thiện để hưởng phúc - Câu chuyện Phật giáo hay
Đức Phật chịu thiệt để hưởng phúc vì với Ngài, khái niệm "phúc" chính là sự an ổn trong tâm hồn dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Nói tới việc chấp nhận chịu thiệt chắc chắn chẳng ai thích vì tại sao phải làm như thế trong khi lòng mình không thấy vui. Thực ra vì hầu hết chúng ta chưa nhận ra giá trị của việc bản thân cần nhún nhường, chịu phần kém về mình, cho người khác phần hơn.
Nên có những người vừa phải chịu thiệt thòi một chút đã suy nghĩ tiêu cực, cho rằng đời bất công, thậm chí rơi vào trạng thái u uất khó chịu trong thời gian dài.
Thế nhưng theo người xưa thì "chịu thiệt là hành phúc", bởi chịu thiệt nhiều khi không nhất định là phải chịu tổn thất mà ngược lại, nó lại là một món lợi, là kinh nghiệm giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Xưa kia chính Đức Phật Thích Ca và các đại đệ tử của Phật cũng không ít lần phải chịu thiệt thòi, oan ức nhưng họ vẫn an nhiên đón nhận. Riêng Đức Phật từ nhỏ đến lớn hay thậm chí khi đã thành Đạo vẫn thường xuyên bị Đề Bà Đạt Đa tìm cách quấy phá, gây thương tổn cho Người, thậm chí có đến hai lần tìm cách lấy mạng của Phật.
Đức Phật biết chịu thiệt để hưởng phúc, đó là sự an ổn suốt cả cuộc đời. Ngài biết rằng việc anh họ rắp tâm hãm hại Đức Phật cũng là do nhân duyên từ kiếp trước nên luôn tìm cách để báo thù.
Ngài không làm gì để trả thù lại nhưng đến cuối cùng thì chính Đề Bà Đạt Đa phải bị đọa vào A Tỳ địa ngục trong 2 Đại A tăng kỳ kiếp mới được ra khỏi. Có thể thấy, dù thiệt thòi hết lần này tới lần khác nhưng Ngài vẫn giữ được tâm bình an, vô sự, không vì thế mà cho phép mình làm hại người.
Không chỉ Đức Phật mà vị đệ tử rất xuất sắc của Ngài - Đức Mục Kiền Liên được xưng tôn là Thần Thông Đệ Nhất trong hàng đại đệ tử của Phật, cũng cam tâm để cho ngoại đạo đánh chết, sau đó bằm thây Ngài ra thành nhiều mảnh vụn rồi vùi xuống dưới hầm phân.
Ở hai hoàn cảnh trái ngang khác nhau nhưng cả Đức Phật và Đức Mục Kiền Liên đối với những sự việc này không có nửa lời oán thán, đều là cam tâm mà chịu. Mục Kiền Liên đủ trí tuệ để nhận ra rằng đó là cách để Ngài có thể hóa giải duyên tiền kiếp mà chính mình đã gây ra nên dù rơi vào tình huống đáng sợ như vậy, Ngài vẫn không dùng phép thuật để tự cứu lấy mình.
Trải qua đến nay đã gần 3000 năm, từng thế hệ đệ tử đều lấy tấm gương của Phật và của Mục Kiền Liên làm ánh đuốc soi đường cho chính mình trên con đường tu hạnh nhẫn nhục.
Phật dạy, làm người chịu thiệt chính là cái phúc quả không sai. Người sẵn sàng nhận thiệt về mình mà vẫn giữ tấm lòng nhân ái sẽ luôn được Trời Phật giúp đỡ. Chúng ta đều biết, sân hận nhất định đọa vào địa ngục, tham lam sẽ đọa vào ngạ quỷ nên không vì người đối xử tệ với ta mà cho phép mình làm điều tương tự để cuối cùng lại hại thân.
Cần nhớ rằng PHÚC hay HỌA đều ở ngay việc ta hành xử với mọi người, với cuộc đời. Do đó phải tỉnh táo để làm kẻ trí vì chỉ có người mê hoặc điên đảo mới muốn đi tranh đoạt, đi hơn thua cùng người khác, khi bị một chút uẩn khúc thì liền không chịu nổi, bị một chút oan ức thì liền ôm hận trong lòng, đều tìm cơ hội để trả thù, đến cuối cùng thì chiêu cảm lấy ác báo không như ý.
Xem thêm: Đức hiểu sai chữ duyên - Lời Phật dạy đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận