Chàng trai đầu đinh 29 tuổi và câu chuyện trở thành "ba" của hơn 200 đứa trẻ bụi đời
Những đứa trẻ trong đoàn lân Long Nhi Đường gọi anh Lê Văn Nam (29 tuổi) là "sư phụ", thậm chí là "ba". Bằng tình yêu thương vô bờ bến, anh Nam đã giúp bọn trẻ có cuộc sống tốt hơn.
Theo báo Dân trí, người dân sống ở đường số 9 (quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã quá quen thuộc với tiếng cười nói, tiếng trống của đội lân Long Nhi Đường. Ai ai cũng yêu thương đội lân này, bởi đó là nơi quy tụ nhiều hoàn cảnh khác nhau, mỗi người đều có một câu chuyện buồn, nhưng họ luôn biết cách vươn lên.
Người đứng đầu đoàn lân là anh Lê Văn Nam (29 tuổi). Anh được bọn trẻ trong đoàn lân gọi là "sư phụ" hoặc thậm chí là "ba". Bất kỳ buổi tập nào, anh Nam cũng kiên nhẫn điều chỉnh cho từng thành viên, để cả đội có thể tự tin biểu diễn trước mặt mọi người.
Được biết, anh Nam sinh ra và trưởng thành trong một gia đình không mấy khá giả. Từ năm 11 tuổi, anh đã phải nghỉ học, bước ra ngoài xã hội bươn chải, làm đủ mọi công việc từ nhặt nilon, bán vé số, đi làm công nhân nhà máy bao bì. Vì trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nên anh rất đồng cảm với những đứa trẻ bụi đời, có hoàn cảnh éo le ngoài kia.
13 năm trước, trong một lần đi ngang qua cầu Chà Và (quận 8, TP Hồ Chí Minh), anh Lê Văn Nam ngó thấy dưới chân cầu có vài đứa trẻ đang chơi đùa quanh bãi rác. Hai đứa nhỏ nối đuôi nhau cầm con rồng nhỏ bay lượn theo điệu trống, xung quanh là bạn bè hò reo, cổ vũ. Lúc này, anh Nam chạy đến hỏi thì mới biết, mấy đứa trẻ tập hàng đêm ở đây.
"Chúng có cùng hoàn cảnh nên thường tụ tập chơi chung. Có đứa mồ côi, đứa bị ba mẹ bỏ rơi hoặc có gia đình nhưng không ai quan tâm đến chúng. Các em chơi chung không tránh khỏi nhiều lần cãi nhau, đánh lộn hoặc xấu nhất là bị người xấu dụ dỗ, sa ngã", anh Nam nói.
Kể từ sau lần gặp những đứa trẻ "không nhà" ấy, anh Nam cứ trằn trọc mãi không thôi. Anh chỉ mong mình có thể làm gì đó để giúp đỡ các em. Và anh Nam nảy ra ý tưởng lập nhóm để chúng chơi chung, dùng múa lân làm cầu nối để bọn trẻ trở về cuộc sống bình thường, lương thiện.
Tháng 4/2010, đội lân được thành lập với 10 đứa trẻ đầu tiên dưới chân cầu ngày ấy. Anh Nam đặt tên là Long Nhi Đường, ngụ ý là những con rồng nhỏ đang bay lượn trên bầu trời.
Thời gian đầu, đội lân được ở nhờ trong đình Vĩnh Hội. Sau đó, thấy các em đáng thương nên UBND phường tạo điều kiện cho mượn căn nhà trên đường Lương Ngọc Quyến.
Nói là đội lân nhưng ngày ấy chẳng có ai biết múa chuyên nghiệp. Khi ấy cũng chẳng có tiền, kể cả anh Nam cũng là người làm công việc ba cọc ba đồng, không có điều kiện để đi học múa chuyên nghiệp.
Thời điểm đó, bọn trẻ thỉnh thoảng đến sân tập của các đội lân khác, đứng bên ngoài để học 'lỏm'. Thấy vậy, anh Nam tìm đến một đội lân sư rồng khác để học múa, rồi chỉ dạy cho các em.
Từ 10 đứa trẻ ban đầu, theo thời gian, đội đã có thêm nhiều thành viên. Thậm chí, có nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh vô cùng xót xa. Có em được mẹ đưa đến Long Nhi Đường rồi rời đi mà chẳng quay lại: "Giữa năm 2017, đội lân đang tập thì có một người phụ nữ đến nhờ trông giúp 2 đứa trẻ. Nhưng đến tối muộn vẫn không thấy người đó quay lại, chúng tôi đưa 2 em về và đợi mẹ đến đón nhưng không thấy đâu. Cả đội cũng ngầm hiểu nên giữ lại, chăm sóc các em", báo Dân Trí dẫn lời anh Nam.
Không chỉ thành lập đội lân để bọn trẻ được có chỗ vui chơi, chỗ ăn ở. Anh Nam còn như một người cha. Anh luôn dặn các em phải ngoan ngoãn, bỏ đi lối sống đường phố để trở thành những đứa trẻ tốt, được mọi người yêu quý.
"Thời điểm đầu, các em còn to tiếng lắm. Đi đến đâu người ta cũng nhìn bằng ánh mắt dị nghị, xem Long Nhi Đường là nơi tập hợp của đám trẻ hư nên cứ thấy là xua đuổi, thả chó, tắt đèn luôn. Đầu tiên tôi cấm bọn trẻ chửi tục, nếu ai nói bậy sẽ phải đóng phạt 1.000 đồng, từ đó chúng sợ và ngoan ngoãn hơn".
Sau một thời gian hoạt động, nhóm nhận được nhiều lời mời biểu diễn hơn. Hễ tới dịp Trung thu, lễ Tết năm mới hay lễ khánh thành, khai trương, đội lân đều đi múa kiếm tiền.
Trong cuộc sống thường nhật, anh Nam dạy các em cách sống tự lập, làm mọi thứ bằng sức mình. Anh cho biết, dạy một đứa trẻ đã khó, một người chưa lập gia đình như anh, chăm sóc hàng trăm đứa trẻ thì khó khăn gấp bội. Nhưng thương "các em", anh thậm chí chẳng nghĩ đến việc lập gia đình. Với anh, chỉ cần được ở gần những đứa trẻ này thì dù khó khăn, vất vả cũng chẳng hề hấn gì.
Tính từ năm 2010 đến nay, anh Nam đã cưu mang hơn 200 trẻ em. Những em nhỏ không nhà ngày nào dần trưởng thành, có công việc ổn định. Các em không bao giờ quên "người ba" đặc biệt đã cho mình tình thương, mái nhà ấm áp. Các em thường xuyên trở lại thăm "ba", hỗ trợ "ba" trong việc nuôi nấng, dạy dỗ các em.
Và cứ mỗi dịp lễ Tết, anh Nam đều tổ chức tiệc cho cả nhóm vui chơi, tặng quà lẫn nhau. Cứ như vậy, biết bao thế hệ qua đi, những đứa trẻ được cưu mang và lớn lên trong sự yêu thương đủ đầy.
Xem thêm: Cụ bà "kì lạ" rút hết tiền chữa bệnh mở bếp 0 đồng: Ngộ vậy đó, ngộ mới làm được nghen
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận