Chàng thi sĩ tật nguyền bán thơ làm từ thiện: Một nghị lực, một tấm lòng nhân ái

Làm thơ, bán thơ để làm từ thiện giống như một niềm đam mê không bao giờ có điểm kết thúc của chàng thi sĩ tật nguyền Vũ Nguyên. Và hiện tại, Nguyên vẫn đang mong muốn góp công sức trong "cuộc chiến" với COVID-19.

Đỗ Thu Nga
08:00 20/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tại Việt Nam có không ít những người khuyết tật dám vượt lên số phận để khẳng định bản thân, tìm kiếm tương lai tương sáng. Thậm chí có những người đã tạo ra kỳ tích khiến cả thế giới trầm trồ thán phục.

Nhưng ở một góc cạnh khác, có những con người phải gắn cả đời với tấm chiếu cái giường nhưng vẫn không ngừng gieo hạt giống nhân ái cho đời. Và ví dụ điển hình nhất của ngày hôm nay chính là chàng thi sĩ tật nguyền đam mê làm từ thiện Vũ Nguyên (SN 1990). 

Theo Vietnamnet, Vũ Nguyên vừa xuất bản một tập thơ mới và đang rao bán trên mạng xã hội lấy 5 triệu đồng ủng hộ quỹ vaccine do Chính phủ phát động. Tấm lòng nhân ái và câu chuyện về cuộc đời Nguyên đã từng được Đài truyền hình Việt Nam chia sẻ, biểu dương.

Chàng thi sĩ tật nguyền bất hạnh từ tấm bé

Vũ Đức Nguyên (SN 1990, ở Khu phố Vạn Lợi, Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa) được mọi người gọi là "chàng thi sĩ tật nguyền". Lúc mới lọt lòng, Nguyên hoàn toàn khỏe mạnh, trắng trẻo và nhanh nhẹn. Khi chập chững tập đi thì đột ngột bị sốt cao li bì suốt 3 ngày, 3 đêm và khi tỉnh dậy thì cơ thể không thể nào cử động được. Em bị tật nguyền từ đó. Dù bố mẹ đã rất vất vả chạy chữa khắp nơi nhưng căn bệnh của Nguyên không hề thuyên chuyển. 

Theo lời Nguyên kể, trước đây gia đình sống ở khu rừng Nam cát tiên, Sông Bé. Mà lúc đó ở vùng này còn mù mịt, y tế chưa phát triển, trang bị y tế không đủ để phục vụ cho việc chữa bệnh. Vì vậy, việc chữa trị cho em cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thời đó, bà Huề (mẹ Nguyên) là giáo viên Tiểu học, còn bố là ông Vũ Văn Tâm làm nghề cơ khí. Gia đình vào Nam xây dựng vùng kinh tế mới và lập nghiệp. Ngoài công việc chính ra thì vợ chồng bà Huề chịu khó làm đủ mọi nghề để kiếm thêm tiền, gia đình cũng có phần khá giả.

chang-thi-si-tat-nguyen-vu-nguyen-ban-tho-lam-tu-thien-9
"Chàng thi sĩ tật nguyền" Vũ Nguyên

Nhưng vì chạy chữa thuốc thang cho Nguyên khắp nơi  mà kinh tế gia đình dần khánh kiệt. Hơn nữa, mẹ Nguyên lại phải từ bỏ nghề dạy học để chăm sóc cho đứa con trai bệnh tật và theo con đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, khốn khó càng thêm chồng chất. Để có tiền chữa bệnh cho Nguyên, gia đình đã phải trải qua 4 lần bán nhà to, mua nhà nhỏ, dành dụm tiền thuốc thang và chạy chữa.

Vì gia đình sống ở vùng kinh tế mới, xa xôi hẻo lánh nên rất vất vả trong việc đưa Nguyên đi viện. Hễ ai mách ở đâu có thuốc chữa bệnh là bố mẹ Nguyên lại tất tả đi tìm. Nhưng chữa mãi mà bệnh tình chẳng thuyên giảm. 

Ngay cả khi gặp được bác sĩ người Hà Lan, ông ấy cũng nói bệnh của Nguyên không thể chữa khỏi và khuyên bố mẹ đừng cố chạy chữa nữa. Nhưng  vì thương con, nghĩ “còn nước còn tát”, ông Tâm và bà Huề vẫn quyết định đưa em về quê nội  ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa sinh sống. Ông bà nghĩ về đây sẽ có điều kiện thuận lợi để Nguyên chữa bệnh.

Từ khi về quê, ông Tâm theo nghề cơ khí, bà Huề dành phần lớn thời gian ở nhà chăm con. Mọi tình yêu, vật chất trong gia đình đều đổ dồn vào Nguyên. Nhà cửa không có, khi ra Bắc gia đình Nguyên lại phải ở cảng Hới, Sầm Sơn thuê đất dựng nhà ở tạm. Mãi sau này nhờ anh em họ hàng giúp đỡ mới mua được mảnh đất con con. Đến năm 2011 khi giá đất trong Nam tăng lên, ông Tâm quyết định bán phần đất trong đó và lấy tiền mang ra Bắc dựng nhà. Số tiền còn lại ông để dành để điều trị, thuốc thang cho Nguyên.

Một nghị lực, một tấm lòng nhân ái

Cả cuộc đời gồng mình làm lụng, chăm sóc con cái, niềm vui của bà Huề là chứng kiến người con khuyết tật dần hiểu biết, khôn ngoan. Nguyên học rất nhanh những gì mẹ truyền dạy. Thương con, bà Huề dành dụm tiền mua một chiếc máy tính để con được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới.

Những chữ cái đầu tiên Nguyên viết bằng 1 ngón tay duy nhất còn cử động được, rồi cứ thế từng chữ, từng chữ. Khi đã biết đọc, Nguyên lên mạng tìm kiếm thông tin qua báo chí. Và thật kỳ diệu, Nguyên vô cùng yêu thích văn thơ.

Nguyên làm thơ từ năm 10 tuổi, đến năm 24 tuổi đã xuất bản tập thơ đầu tiên với tựa đề: "Bài thơ cho em". Khi đó, Nguyên tự liên hệ nhờ người biên tập, hỗ trợ xuất bản. Chi phí xuất bản 1.000 cuốn mất hơn 20 triệu đồng, số tiền đó đối với các nhà thơ khác không phải là lớn nhưng với một cậu bé tật nguyền như em là cả một vấn đề.

Chàng thi sĩ tật nguyền đã nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Khi tập thơ in ra, bố mẹ rất bất ngờ. Do  là ấn phẩm đầu tay, nên chủ yếu Nguyên dành để tặng người thân, bạn bè và những người yêu mến thơ em. Số còn lại Nguyên bán, thông qua mạng và chủ yếu độc giả đặt mua là người nước ngoài.

chang-thi-si-tat-nguyen-vu-nguyen-ban-tho-lam-tu-thien-8
Làm thơ, bán thơ để làm từ thiện là một niềm đam mê của "chàng thi sĩ tật nguyền"

Số tiền bán thơ Nguyên dùng vào việc làm từ thiện cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh như mình ở Thanh Hóa. Dù hoàn cảnh vẫn còn rất khó khăn, nhưng Nguyên muốn được chia sẻ cùng những người có hoàn cảnh giống mình để họ phần nào nhận được sự đồng cảm và đối diện với thực tế của cuộc sống.

Cuối năm 2020, trong lần gặp gỡ, em đã ký tặng chúng tôi tập thơ thứ 4 mang tên: "Vở kịch đời". Trong tập thơ này, em bàn cả những chuyện thế sự, chuyện chính trị và ca ngợi những người cống hiến vì đất nước.

Làm thơ, bán thơ để làm từ thiện là một niềm đam mê của "chàng thi sĩ tật nguyền". Thơ của Nguyên được bạn đọc trong nước đón nhận và đặt mua. Nguyên cũng khoe đã gửi tặng tiền cho nhiều mảnh đời bất hạnh như em.

Gần đây nhất, Nguyên gửi cho chúng tôi chương trình "Những vần thơ truyền cảm hứng" do VTV1 thực hiện. Vẫn chiếc máy tính ấy, chiếc giường ấy, vẫn căn nhà nơi xóm biển Sầm Sơn nhưng cái tên Vũ Nguyên đã bay xa, và bạn đọc cũng đã biết đến "chàng thi sĩ" nhiều hơn, để cùng chung tay chia sẻ, mua sách cho Nguyên thực hiện ước mơ làm thiện nguyện của mình.

Xem thêm: Doanh nhân từng vay ngân hàng làm từ thiện chi tiền túi thuê 2 chuyến bay đưa đồng hương về quê tránh dịch

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận