Chân dung người mẹ Việt nuôi sinh viên Lào: Coi như con ruột, dẫn đi làm từ thiện
Bà mẹ Việt không chỉ xem sinh viên Lào như ruột thịt mà còn dẫn họ đi tham quan, làm từ thiện, hướng dẫn phong tục tập quán của người Việt.

Mỗi cuối tuần, căn nhà của bà Nguyễn Thị Hằng ở phường 12, quận 4, TP.HCM lại rộn rã tiếng nói cười. Năm người con của bà Hằng lần lượt tụ tập về thăm mẹ. Khoảng cách về tín ngưỡng, văn hóa đã nhường chỗ cho tình thương gia đình và sự gắn kết.
Nhà có năm người con
“Mẹ ơi, năm nay con ở lại ăn Tết với mẹ nè, nhà mình sắp xếp đi biển nữa mẹ nhé” - vừa lui cui cắt trái cây mời khách, Xaizaphone Zac vừa bàn với mẹ về chuyện ăn Tết tại Việt Nam. Đã là sinh viên năm thứ tư khoa Y Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, suốt ngày đi thực tập tại bệnh viện, khá bận rộn nên Tết này Zac cùng các anh chị em bàn nhau ở lại đón Tết cùng mẹ Hằng.
Zac kể em về nhà mẹ Hằng từ giữa năm 2022, khi đang học năm thứ hai ĐH. “Em thấy mình thật may mắn và hạnh phúc vì được sống trong đại gia đình luôn yêu thương, hỗ trợ nhau. Cùng năm này, mẹ Hằng còn nhận bạn Nando về nhà. Lâu lâu mẹ lại xin học bổng trên phường cho tụi em. Mẹ còn vận động các cô chú ở Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ phường tặng nhu yếu phẩm cho tụi em nữa” - Zac kể.

Đến năm 2023, mẹ Hằng nhận thêm ba sinh viên khác là Sipaseuth Keo, Duangmany Xaiyavong, Lona Phaengthongkham. Hiện các bạn đều là sinh viên năm thứ hai khoa Y Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Bà Hằng tâm sự: “Tôi ở một mình, con gái cũng có nhà riêng nên sẵn sàng đón các con về, chăm lo cho các con đến khi ra trường. Thời gian qua sống chung một nhà, tình cảm mẹ con thực sự khăng khít như người trong gia đình. Mỗi khi rảnh rỗi năm người con lại về nhà ăn cơm với tôi. Bữa cơm nào tôi cũng nấu nhiều để các con mang về ký túc xá cho bạn bè cùng ăn.
Ngoài giờ học ở trường, tôi thường rủ các con tham gia phong trào của địa phương như dọn dẹp đường phố, thi nấu ăn nhân ngày Gia đình Việt Nam. Mặt khác, để giúp các con hiểu thêm những nét văn hóa đặc trưng, phong tục, tập quán của Việt Nam, tôi đưa các con đi tham quan, vui chơi tại bến Nhà Rồng, cầu Ba Son, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Vũng Tàu, Đồng Tháp...”.
Mẹ Ly luôn nhắc nhở mỗi khi “mình sắp đi sai”
“Mẹ giống mẹ con quá, dáng người, giọng nói cũng giống luôn” - Chittaphonh Linda, cô sinh viên năm thứ nhất ngành y Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bật khóc, ôm mẹ nuôi khi gặp bà Phạm Thị Bích Ly (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn viên chức TP) tại lễ nhận con trong chương trình do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức hồi tháng 5-2023. Đây là người con thứ hai mà bà Ly nhận nuôi trong hai năm tham gia chương trình, trước đó bà đã nhận nuôi Phoummy Bin.
Bà Ly nhớ lại: “Khi tham gia chương trình, nhìn vào danh sách các sinh viên đăng ký tham gia, tôi nghĩ nhà mình đã có hai cô con gái (con gái ruột của bà Ly) nên chọn con trai cho có nếp, có tẻ. Và Phoummy Bin đến với gia đình tôi từ tháng 4-2022 như một mối duyên lành”.

Nói về gia đình mới của mình, Bin - cậu sinh viên Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch không khỏi xúc động: “Mẹ Ly thường xuyên nhắn tin thăm hỏi “Con qua ăn cơm được không, dạo này học thế nào, đi thực tập ở bệnh viện, đi học nhiều có mệt không?”. Ba mẹ cũng hay dặn dò em sống như thế nào cho nhiều người yêu thương, nhắc nhở những gì mà mình sắp đi sai”.
Nhưng điều đặc biệt nhất khiến Bin luôn nhớ mãi chính là đã có dịp đón Tết cổ truyền Việt Nam cùng với gia đình mẹ Ly. Bin đã có những trải nghiệm đáng nhớ được ba mẹ dẫn về quê chúc Tết ông bà, cô chú bác hai bên nội ngoại và còn được lì xì như hai em gái.
“Tết năm mới của cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đều có nét giống nhau đó là con cháu về nhà chúc Tết ông bà, cha mẹ, thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Đó là một truyền thống rất đáng quý mà em cảm nhận được. Dù có đi học hay đi làm ở bất kỳ đâu trên thế giới này, em vẫn sẽ nhớ mãi đất nước và con người Việt Nam, nơi chúng em từng được sinh sống và học tập” - Bin chia sẻ.
Ông NGÔ THANH SƠN, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam:
Lan tỏa tính nhân văn, tình đoàn kết hữu nghị
Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng các tổ chức xã hội tổ chức nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Lào, Campuchia.
Triển khai từ năm 2022 đến nay, chương trình đã nhận 150 sinh viên hai nước. Từ chương trình, các sinh viên Lào, Campuchia đã có thêm một gia đình thực sự tại Việt Nam, góp phần gắn kết tình cảm, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần trong thời gian học tập.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Đọc thêm
Quỹ LOAN (LOAN Stiftung) do nữ nhà văn Isabelle Müller thành lập năm 2016 đã và dang mang đến tương lai tươi sáng hơn cho trẻ nhỏ vùng khó khăn.
"Một lời nói vô tư của bạn bè cũng có thể xâu xé tâm hồn các em", Th.s Trần Minh Hải chia sẻ.
Cặp anh em song sinh này là học sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) vừa xuất sắc giành giải Nhất trong kỳ thi học giỏi quốc gia môn Sinh học.
Bài mới

Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.