Chân dung lão nông bắc cầu gỗ giúp nhân dân dễ dàng qua sông Ba mùa cạn
Hơn chục năm qua, cứ vào mùa khô sông Ba ở hạ du Ia Pa (Gia Lai) lại cạn trơ đáy, để giúp người dân không phải đi quãng đường 10km đến cầu bê tông, ông Ksor Yan, xã Ia Kđăm, huyện Ia Pa nghĩ ra cách bắc cầu gỗ qua sông.
Sông cạn lại làm cầu
Mới tháng 3, nhưng nắng đã nẻ ruộng ở dọc thung lũng triền sông Ba. Lòng sông dài nhất, mạnh mẽ nhất ở Tây Nguyên chỉ còn rộng hơn hai chục mét ngang qua đoạn xã Ia Kđăm. Từ khi con đập thủy điện thượng nguồn chắn lại, dòng nước cạn đến nỗi có chỗ chỉ ngang cẳng chân của trẻ.
Lẽ thường người ta chỉ làm cầu qua sông khi nước lớn, nhưng ông Ksor Yan chỉ làm cầu vào mùa cạn. Khi mùa mưa lũ, thủy điện không chặn dòng nên lòng sông sâu rộng, cuồn cuộn chảy, đó cũng là lúc ông tháo dỡ cầu. Hơn chục năm qua, cây cầu của ông đã giúp người dân ba xã Ia Kđăm, Chư Mố và Ia Ma Rơn không phải đi xa 10km để qua chiếc cầu bê tông đã được xây dựng từ lâu.
Ông kể, bình thường, người dân vẫn đi cầu bê tông để qua lại hai bên sông, song quãng đường rất xa. Từ ngày thủy điện tích nước ở phía thượng nguồn, đoạn sông qua xã cạn hẳn, nhưng xe máy, xe đạp cũng không thể qua được. Vậy là ông nghĩ ra việc bắc cầu gỗ, chỉ làm vào mùa cạn. Còn vào mùa nước lớn, người dân lại đi cầu bê tông để đảm bảo an toàn.
Cây cầu do ông Ksor Yan làm có chiều dài hơn 300m, được ghép từ những tấm ván gỗ xẻ, bắc ngang đôi bờ sông Ba. Ông kể: "Cách làm cũng đơn giản, chỉ đóng cọc thật chắc rồi cưa ván đóng lên thôi. Hỏng chỗ nào lại thay ván chỗ đó. Vài ba ngày tôi lại đi kiểm tra một lần để kịp thời sửa chữa. Cầu mới hoàn thành đầu tháng 1/2024 vừa rồi".
Theo quan sát, cây cầu được giằng chặt khá kỹ càng bằng dây thép, đi qua tương đối an toàn vì mùa nước cạn, dưới cầu chỉ là lòng sông trơ đáy.
"Sau khi tôi làm cầu, người dân không ai bảo ai tự góp mỗi người 5.000 đồng mỗi lượt xe máy đi qua. Số tiền này đủ để bù đắp chi phí sửa chữa và làm mới cây cầu. Còn học sinh với người đi bộ, có đưa tiền tôi cũng không nhận. Giờ bà con đi quen rồi, nhưng nếu Nhà nước đầu tư cây cầu ở vị trí này thì tốt quá, mùa mưa lũ người dân vẫn có thể sang sông", ông Yan chia sẻ.
Có cầu, lợi đủ đường
Gặp chúng tôi khi đang qua cầu gỗ, anh Siu Nghé (trú tại thôn Ma Rin 2, xã Ia Ma Rơn) chỉ vào hai bao phân bón sau xe máy, cho biết: "Đất canh tác, trồng trọt của mọi người trong xã đều ở bên Ia Kđăm. Mỗi lần mùa mưa, chúng tôi phải đi đến cầu bê tông cách đây hơn 10km để đến rẫy, khổ lắm. Mỗi lần vận chuyển nông sản cũng tốn nhiều thời gian, công sức. Nhưng mùa khô, có cầu này rất tiện lợi".
Anh Siu Nghé cho hay, biết ông Yan bỏ công sức và tiền bạc ra để bắc cầu rất tốn kém, nên nhiều người dân đồng lòng ủng hộ bằng cách mỗi khi qua cầu thì đưa cho ông Yan số tiền vài nghìn đồng. Dù không nhiều nhưng đó cũng là tấm lòng của người dân.
Tương tự, chị Rmah H'Uynh (trú tại xã Ia Kđăm) chia sẻ: "Hầu hết mọi người ở các xã phía Đông sông Ba đều chọn con đường này di chuyển hằng ngày để qua xã Ia Ma Rơn đi chợ và mua sắm thực phẩm, vì các xã phía Đông sông Ba không có chợ cũng như cửa hàng tạp hóa lớn. Chúng tôi chỉ mong sao chính quyền cho xây chiếc cầu kiên cố qua đoạn này".
Trao đổi với PV, ông Ksor Miên, Phó chủ tịch UBND xã Ia Kđăm cho biết, Nhà nước đã có đầu tư xây dựng cây cầu bê tông vững chắc nối liền xã với trung tâm huyện. Tuy nhiên, để thuận tiện cho công việc và đi lại hằng ngày, bà con vẫn chọn đi bằng cầu tạm. Việc làm cầu tạm này, gia đình ông Ksor Yan đã xin phép chính quyền và tự bỏ kinh phí.
"Địa phương là vùng khó khăn với phần đông là người đồng bào Jrai sinh sống. Cây cầu của ông Yan dù sao cũng chỉ là giải pháp tạm thời giúp bà con qua sông canh tác thuận tiện, đỡ đi phần nào vất vả. Về lâu dài, người dân vẫn mong mỏi có một cây cầu kiên cố để thuận lợi làm ăn, sản xuất, phát triển kinh tế", ông Ksor Miên chia sẻ.
(Theo An toàn giao thông)
Xem thêm: Tự hào người xứ Nghệ: 3 mẹ con góp tiền, tự thiết kế, xây cầu bê tông qua suối
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận