Các vua Trần và những câu chuyện hài hước ít người biết

Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại một số câu chuyện hài hước về các vua Trần với con cái cũng như bầy tôi. Điều này chứng minh, đây đều là các vị anh quân có đức tính giản dị, gần gũi.

Đỗ Thu Nga
11:00 10/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhà Trần là triều đại được lưu danh sử sách với những chiến công hiển hách trong lịch sử Việt Nam. Các sử gia đánh giá, sự xuất hiện của nhà Trần là cần thiết và kịp thời cho sự phục hưng nước Đại Việt bị suy yếu nghiêm trọng cuối thời lý. Nếu không có sự xuất hiện của nhà Trần, nước Đại Việt sẽ khó tồn tại trong cảnh cát cứ (Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng) bên trong và họa Mông - Nguyên bên ngoài như các nước Đại Lý, Nam Tống láng giềng. Nguyên nhân cơ bản nhất cho những thành công của nhà Trần là chính sách đoàn kết nội bộ của những người lãnh đạo. Dù trong hoàng tộc nhà Trần có những người phản bội theo nhà Nguyên nhưng nước Đại Việt không bị mất, nhờ sự ủng hộ của đông đảo dân chúng.

Còn một nguyên nhân nữa phải kể tới trong thành công của nhà Trần là đội ngũ tướng lĩnh xuất sắc, nòng cốt lại chính là các tướng trong hoàng tộc nhà Trần. Dù xuất thân quyền quý nhưng các hoàng tử, thân tộc nhà Trần, ngoài lòng yêu nước - và bảo vệ quyền lợi dòng tộc - số lớn là những người có thực tài cả văn lẫn võ. Thật hiếm dòng họ cai trị nào có nhiều nhân tài nổi bật và nhiều chiến công như nhà Trần, đặc biệt là thế hệ thứ hai: Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là những tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam. Đó là chưa kể tới Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản...

Cac-vua-Tran-va-nhung-cau-chuyen-hai-huoc-it-nguoi-biet-0

Khi nói về sức mạnh của Đại Việt giúp làm lên chiến thắng oanh liệt trước giặc Nguyên-Mông hung bạo, danh tướng Trần Hưng Đạo cho rằng, đoàn kết nội bộ là một nhân tố cực kỳ quan trọng tạo thành sức mạnh đó, ông nói: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức". Việc vua tôi nhà Trần gần gũi thân mật và tấu hài cùng nhau qua các đời vua là một minh chứng rõ nét cho một triều đình đoàn kết và không đặt nặng thái quá vấn đề lễ nghi như những triều đại khác.

Dưới đây là 5 câu chuyện hài hước về các vua nhà Trần ít người biết

1. TRẦN THÁI TÔNG TIỆC RƯỢU VÀ MÚA HÁT CÙNG BÁ QUAN

Tháng 3 năm Tân Hợi (1251), Trần Thái Tông ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi rượu say, vua hứng quá, bảo mọi người đứng cả dậy, dang tay mà múa hát tưng bừng. Ngự sử trung tướng (sau đổi là Trung úy) Trần Chu Phổ cũng dang tay theo mọi người nhưng không hát được câu gì khác, chỉ nghêu ngao: "Sử quan hát thế thôi, sử quan hát thế thôi!"

2. TRẦN THÁNH TÔNG TRANH ÁO

 Chuyện này liên quan đến vị hoàng đế thứ 2 của nhà Trần đó là Trần Thánh Tông, xảy ra vào tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1269). Đại Việt sử ký toàn thư có chép:

Mùa đông, tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang cùng múa hát trước mặt Thượng hoàng (tức Trần Thái Tông). Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Quốc Khang múa điệu múa của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua Thánh Tông thấy vậy cũng bắt chước múa điệu múa của người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói: 'Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn mà chú hai cũng muốn cướp lấy chăng?'. Thượng hoàng cả cười nói: "Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau". Nói xong thượng hoàng đòi áo lại rồi ban cho Trần Thánh Tông.

Cac-vua-Tran-va-nhung-cau-chuyen-hai-huoc-it-nguoi-biet-9

3. SAO CHỔI CHẲNG PHẢI CỦA NHÀ TA

Năm 1264, thế giới xuất hiện một siêu sao chổi quét qua, cả Địa Cầu chấn động và xem nó như điềm tai hoạ của Thượng Đế, khắp mọi nơi trên thế giới đều vì đấy mà xảy ra hàng loạt biến cố lớn. Nhưng nhà Trần thì chẳng quan tâm cho lắm vì bận tiệc rượu.

"Thượng Hoàng ban yến cho các quan ở Diên Hiền, yến chưa xong, bỗng có sao chổi xuất hiện ở phương đông bắc, đuôi dài suốt trời, Thượng Hoàng ra xem bảo: Ta xem sao chổi này rất sáng, đuôi rất dài, không phải là tai họa của nước ta, lệnh cứ dự xong yến. Tháng 10 mùa đông năm ấy, vua Tống bang".

4. TRẦN ANH TÔNG TRỐN XĂM MÌNH

Đại Việt sử ký toàn thư có chép, trong 1 lần thái thượng hoàng Trần Nhân Tông rời núi Yên Tử đến ngự ở cung Trùng Quang, vua Anh Tông đến chầu. Thượng hoàng có nói: "Nhà ta vốn là người hạ lưu (sông nước), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc".

Khi ấy, thợ xăm đã đứng đợi sẵn bên ngoài cửa cung. Vua Anh Tông không xăm, có lẽ vì một số lý do rất thường tình là nó đau. Nhân lúc thượng hoàng tiếp chuyện các quan, vua Anh Tông lén trốn ra ngoài bỏ chạy. Thượng hoàng ngoảnh lại, thì ông vua con đã mất tăm, không biết làm thế nào, đành phải đè hoàng tử thứ là Quốc Chẩn ra xăm vậy. Từ đó tục xăm mình cũng bớt dần.

5. VUA TRẦN ANH TÔNG DẠY CON

Vua Trần Anh Tông nổi tiếng anh minh và cũng nổi tiếng là người có tính cách bình dân, giản dị. Tuy nhiên, đối với con cái, ông lại rất nghiêm khắc. Cũng nhờ vậy mà Trần Minh Tông sau nối ngôi trở thành vị minh quân như cha.

Đại Việt sử ký toàn thư có chép việc Trần Anh Tông dạy Trần Minh Tông cách ăn cơm như sau: "Thượng hoàng có lần ban bữa ăn cho vua. Vua nhai rất kỹ, Thượng hoàng nói: "Đàn ông phải ăn như rồng nuốt, cọp cắn, cần gì phải nhai kỹ?". Khi ban bữa ăn cho các vương hầu, thượng hoàng cũng bảo như thế".

Khi vua Minh Tông ở Đông cung, đang tuổi ấu thơ, có lần nghịch làm chiếc giá đèn bằng tre, Anh Tông đòi xem, vua sợ không dám dâng. Hôm khác, vua vào hầu tẩm điện, Anh Tông đang rửa mặt, thuận miệng hỏi việc hôm nọ vua nghịch cái trò gì mà không đưa cho mình xem rồi tức giận cầm ngay cái chậu rửa mặt ném Minh Tông. Vua nấp vào cánh cửa tránh được, chậu rơi trúng cánh cửa vỡ tan.

Các đời vua Trần từ Trần Thái Tông đến Trần Minh Tông phần lớn là những bậc hiền vương đức độ. Quan lại từ văn đến võ đều là những bậc hiền tài nhìn xa trông rộng nên vào thời kỳ này, Đại Việt phồn thịnh cả về kinh tế, quân sự, chính trị. Vua thường bày yến tiệc mời tất cả các quan với tiêu chí "không say không về", tưởng thưởng những người có công lao, thân thiết với các anh em trong hoàng tộc, tổ chức chơi thể thao, múa hát giải trí.  Điều này tạo nên sự gắn kết bền vững trong nội bộ nhà Trần - tiền đề cho thời kỳ thịnh trị lâu dài của Đại Việt.

Xem thêm: Vì sao sử gia phong kiến không tiếc lời chê trách vua Trần thất tín?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận