Những thông tin quan trọng về Botulinum và ngộ độc Botulinum

Ngộ độc Botulinum hiếm gặp. Nhưng đây là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây liệt cơ, liệt thần kinh, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đỗ Thu Nga
09:45 26/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Botulinum là gì?

Theo Wikipedia, Botulinum là một protein thuộc nhóm neurotoxin do vi khuẩn Clostridium botulinum tạo ra; công thức phân tử là C6760 H10447N1743O2010S32.

Nó là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được phát hiện, với liều gây chết trung bình (LD50) ở người khoảng 1,3-2,1 ng/kg tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp và 10-13 ng/kg khi hít vào. Botulinum có thể gây ngộ độc thịt, một căn bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng của con người và động vật.

Vinmec mô tả vi khuẩn này như sau: Đây là vi khuẩn gram dương kỵ khí, hình que hai đầu tròn, có nhiều lông xung quanh thân, di động. Trong điều kiện khắc nghiệt, vi khuẩn này có thể biến thành dạng nha bào vô cùng chắc chắn, có khả năng tồn tạo cao. 

botulinum-la-gi-va-ngo-doc-botulinum-nguy-hiem-co-nao

Vì thế, vi khuẩn này phân bố rộng rãi trong tự nhiên. Có thể tìm thấy nó trong đất vườn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, hộp thịt để lâu ngày...

Theo Mục 1 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 (Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum do Bộ Y tế ban hành): Botulinum được hiểu là độc tố các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra. Người bị ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum (Ngộ độc Botulinum) thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum.

Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác. Ngộ độc nặng dẫn đến liệt cơ hô hấp, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn đến nhiều biến chứng khác.

Botulinum phát sinh độc tố trong điều kiện nào?

Điều kiện để bào tử phát triển và sinh độc tố là: Môi trường không có oxy, lượng axit thấp, đường, muối thấp, ở một nhiệt độ, lượng nước nhất định. Do đó, ở những thực phẩm đóng hộp, bảo quản hoặc lên men tại nhà không đúng cách có thể tạo điều kiện thích hợp cho các bào tử phát triển và tạo ra độc tố Botulinum. Khi ăn những thực phẩm này có thể dẫn đến ngộ độc.

botulinum-la-gi-va-ngo-doc-botulinum-nguy-hiem-co-nao-9

Ngoài gây ngộ độc thực phẩm, nó còn gây ra một số loại ngộ độc khác như: Ngộ độc ở trẻ sơ sinh (khi bào tử của vi khuẩn xâm nhập, phát triển vào ruột của trẻ và sinh ra độc tố gây bệnh); Ngộ độc vết thương (khi bào tử xâm nhập vào vết thương từ tiêm chích ma túy, tai nạn xe, … và tạo ra độc tố); Ngộ độc do điều trị (khi tiêm quá nhiều độc tố botulinum, ví dụ thẩm mỹ); Ngộ độc ruột ở người trưởng thành (tương tự như ngộ độc ở trẻ sơ sinh).

Khi bị ngộ độc Botulinum, bệnh nhân có triệu chứng gì?

Triệu chứng ngộ độc Botulinum lâm sàng được tổng quát lại tại khoản d tiểu mục 3.1 Mục 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 như sau:

(1) Dấu hiệu sinh tồn: không sốt (nếu không có nguyên nhân khác), huyết áp có thể tụt trong khi mạch/nhịp tim có xu hướng không nhanh.

(2) Tiêu hóa: xuất hiện sớm, buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.

(3) Thần kinh:

- Liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân: từ dây thần kinh sọ (sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng). Sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân.

- Phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất.

- Tỉnh táo.

- Đồng tử có thể giãn hai bên.

- Không có rối loạn cảm giác.

- Mức độ liệt: từ nhẹ (mệt mỏi, mỏi cơ tương tự suy nhược cơ thể, không làm được các động tác gắng sức bình thường) đến liệt nặng (ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp).

Người bệnh có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, kết hợp đồng tử giãn hai bên, đang thở máy dễ nhầm với hôn mê hoặc mất não (thực tế đang tỉnh nếu không thiếu oxy não).

- Thời gian thở máy để chuyển sang cai máy trung bình 2 tháng với độc tố type A và 1 tháng với độc tố type B. Tuy nhiên bệnh nhân có thể cần tới 100 ngày để bắt đầu hồi phục.

- Bệnh cảnh không điển hình (chiếm tới 7%): liệt một bên hoặc liệt kiểu lan lên.

botulinum-la-gi-va-ngo-doc-botulinum-nguy-hiem-co-nao-7

(4) Hô hấp: có thể suy hô hấp, biểu hiện ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, thở yếu, thở nhanh, nông do liệt cơ liên sườn, cơ hoành.

(5) Tiết niệu: có thể bí đái, cầu bàng quang

Tóm gọn lại, tất cả các triệu chứng ngộ độc Botulinum đều do tê liệt cơ gây ra bởi độc tố. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu dẫn đến tê liệt hoàn toàn một số cơ như cơ hô hấp, các cơ ở cánh tay, chân và thân. Trong bệnh ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng thường bắt đầu từ 18 đến 36 giờ sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm. 

Các dấu hiệu nhận biết người bị ngộ độc Botulinum là: khó nuốt, yếu cơ, nhìn đôi, sụp mí mắt, mờ mắt, nói lắp, khó thở, khó cử động mắt. Bên cạnh đó, các dấu hiệu và triệu chứng gây ngộ độc thực phẩm cũng xuất hiện như nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.

botulinum-la-gi-va-ngo-doc-botulinum-nguy-hiem-co-nao-6

Trẻ sơ sinh bị ngộ độc Botulinum sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: bú kém, sụp mí mắt, chậm phản ứng với ánh sáng, khuôn mặt ít biểu cảm hơn bình thường, khóc yếu khác thường, khó thở.

Lưu ý: Những người bị ngộ độc Botulinum có thể không có tất cả các triệu chứng này cùng một lúc. Nếu có các triệu chứng ngộ độc thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.

Ngộ độc Botulinum nguy hiểm cỡ nào?

Như đã nói, Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh. Người bệnh có thể tử vong nếu tiếp xúc với 1,2 - 1,3ng trên mỗi kg thể trọng cơ thể (hay khoảng 0.06mcg đối với người nặng 50kg).

Theo các nghiên cứu, độc tố Botulinum có bản chất là protein với 7 type khác nhau gồm A, B, C, D, E, F, G (trong đó 98.7% các trường hợp ngộ độc là do type A và B gây ra). Các độc tính này có thể bị biến tính khi ở nhiệt độ cao làm mất khả năng gây độc.

Ngộ độc Botulinum được xem là tình trạng cấp cứu vì Botulinum gây ra tê liệt thần kinh ngoại biên, giảm khả năng vận động của cơ bắp (nhất là các cơ hô hấp) khiến người bệnh khó thở, suy hô hấp hay thậm chí là tử vong nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.

Ngộ độc Botulinum có thuốc giải không?

Căn cứ tiểu mục 4.2 Mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện tẩy độc bằng 02 cách sau:

- Gây nôn nếu bệnh nhân mới ăn nguồn thực phẩm nghi ngờ có chất độc.

- Than hoạt: phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, tuy nhiên nên dùng do các độc tố cùng vi khuẩn vẫn tồn tại trong đường tiêu hóa nhiều giờ tới nhiều ngày sau. Liều dùng 1g/kg, kết hợp sorbitol với liều tương đương liều than hoạt.

botulinum-la-gi-va-ngo-doc-botulinum-nguy-hiem-co-nao-5

Trong đó, thuốc giải độc Botulinum được quy định tại khoản 4.2.4 tiểu mục 4.2 Mục 4.2 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 như sau:

Thuốc giải độc

- Giải độc tố botulinum là các mảnh kháng thể/kháng thể trung hòa đặc hiệu độc tố botulinum. Thuốc cần có đủ các thành phần kháng thể/mảnh kháng thể trung hòa các thành phần độc tố tương ứng có thể gây ngộ độc trên người. Về lý thuyết thuốc chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng với các độc tố đã gắn tại thần kinh, do đó không thể ngay lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng lên và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện.

- Thuốc được xếp vào loại thuốc hiếm, thuốc mồ côi, số lượng chế phẩm thuốc giải độc tố botulinum được lưu hành mức độ hạn chế trong chương trình dự trữ thuốc hiếm của các quốc gia. Chế phẩm đã được đề cập nhiều trong các tài liệu hướng dẫn gần đây và ưu tiên sử dụng hiện nay là Botulism Antitoxin Heptavalent (sản xuất từ ngựa, là các mảnh kháng thể F(ab')2 trung hòa các độc tố botulinum type A, B, C, D, E, F, và G).

Làm sao để phòng ngừa ngộ độc Botulinum?

Để phòng chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo:

1. Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt;

2. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

3. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngộ độc Botulinum không chỉ xảy ra khi chúng ta ăn thực phẩm ô nhiễm mà còn xuất hiện trong thẩm mỹ (Botox). 

Theo đó, Botox là một kỹ thuật trong thẩm mỹ giúp căng cơ và xóa nếp nhăn bằng việc tiêm một lượng nhỏ botulinum tinh chế pha loãng với nước muối sinh lý.

Để sử dụng kỹ thuật này, các bác sĩ cần tính toán kỹ liều lượng và dự phòng các biến chứng có thể gặp phải. Nếu tiêm Botox ở những cơ sở không đảm bảo có thể dẫn đến ngộ độc botulinum gây liệt cơ.

Xem thêm: Cảnh giác: Ketamine là chất gì mà có thể "vượt mặt" cả heroin và cần sa?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận