"Bếp sẻ chia" của cô giáo trường luật: Nhóm lửa yêu thương, hỗ trợ người bệnh

"Bếp sẻ chia" của cô Lê Tường Vy, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM là nơi nhóm lửa yêu thương, đều đặn sáng lửa vào thứ tư hàng tuần để có những suất ăn ngon hỗ trợ bệnh nhân.

Đỗ Thu Nga
17:00 18/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chờ ngày cô Vy phát cơm

"Chiều thứ ba, các bạn sinh viên phụ tôi chuẩn bị nguyên liệu, sáng thứ tư nấu và đóng gói, tầm trưa đi đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố (huyện Bình Chánh) để phát. Nấu cho các bệnh nhi nên thực đơn kỹ càng, tránh những loại các bé không thể ăn được. Mỗi lần nấu khoảng 200 suất bao gồm cơm, cháo, trái cây... ngoài ra còn phát sữa, tã cho các con" - cô Vy kể về hoạt động của bếp.

Sau khi nấu xong, cô trò cho đồ ăn vào hộp, đóng gói cẩn thận và di chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố để kịp trao tay những suất ăn nóng hổi đến cho các bé bệnh nhi ở khoa ung bướu và khoa truyền máu huyết học lâm sàng.

Chị Phan Thị Thúy (quê Long An) có con bị ung thư máu, điều trị gần một tháng ở Bệnh viện Nhi đồng thành phố. 

"Ai cũng thích phần cơm của cô Vy nấu hết, ai ăn cũng khen và trông tới ngày cô Vy phát. Bé nhà mình ăn khen ngon, món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Phần cơm này tính ra nếu đi mua bên ngoài bệnh viện thì khoảng 100.000 đồng" - chị Thúy bộc bạch.

Tương tự, chị Lâm Minh Liên (quê Cà Mau, nuôi con gái bốn tháng tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố) chia sẻ: "Những phần ăn của cô Vy đa dạng, sạch sẽ, bồi bổ cho các bé có sức đề kháng. Có cá, thịt, rau củ. Bé ăn thấy ngon và vừa ăn. Các con ở đây rất trông cô Vy đến phát mỗi tuần".

bep-se-chia-cua-co-giao-truong-luat-7

Cô trò cùng nhau đồng hành

Ngoài việc dạy ở trường, cô Vy còn đi thỉnh giảng ở tỉnh và tư vấn pháp luật. Nhờ có sự đồng hành của các em sinh viên, sự nhóm lửa của mọi người nên cô giáo lại càng cố gắng sắp xếp thời gian, cân bằng công việc và thiện nguyện.

"Thời gian đầu cực kỳ khó, những dụng cụ nấu thì chưa hoàn chỉnh. Tôi nhớ nấu cháo bằng bếp gas ba nồi thì cháy khét một, gọi xe ô tô để vận chuyển thì không có người nhận vì sợ đổ thức ăn lên xe. Khi các con hằng tuần đón chờ những suất cháo của chúng tôi, cảm xúc không diễn tả được bằng lời, đó là năng lượng để cô trò cùng vượt qua khó khăn" - cô Vy tâm sự.

Bạn Phan Tiến Dũng (sinh viên Trường đại học Luật TP.HCM) cho hay: "Lần đầu gặp cô Vy trên lớp, cô có chia sẻ là có bếp ăn hỗ trợ các bé bệnh nhi, lúc đó tôi nghĩ mình trẻ thì mình đóng góp sức trẻ để hỗ trợ cô và các bé. Nhìn các bé bệnh nhi rất tội, đặt được nụ cười trên môi các em rất khó. Được đóng góp điều đó cho cô Vy thì tôi thấy vui và ấm lòng".

Bạn Dũng nói thêm ở trên lớp cô Vy có chuyên môn và hiểu sâu về lĩnh vực giảng dạy của mình, đặc biệt là vấn đề hình sự. Không chỉ giảng về lý thuyết, cô Vy còn có nhiều ví dụ thực tế nên bài giảng rất dễ hiểu.

Ước mong của cô Vy là có thể kêu gọi được nhiều bạn sinh viên trong và ngoài trường đến phụ bếp, giúp cô lan tỏa yêu thương với các bé bệnh nhi. Ngoài chăm lo dinh dưỡng cho các con, cô Vy còn kêu gọi kinh phí để lắp tay chân giả cho các bé khó khăn với mong muốn các con có thể tự tin chống chọi với bệnh tật.

Gắn bó sâu sát

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Mai Anh - trưởng khoa huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho biết cô Vy gắn bó với khoa từ năm 2019 đến giờ: "Khoa nhận hỗ trợ của nhiều đoàn từ thiện, riêng về cô Vy thì đi sâu và gắn bó với từng bệnh nhân, đi thăm từng bé, biết em này em kia có hoàn cảnh như thế nào.

Về phần ăn uống rất chăm chút như người thân của mình. Cô Vy gắn bó nhất với khoa, không phải hỗ trợ bao nhiêu tiền mà là chăm sóc cần thiết cho bệnh nhi như chăm lo từng bữa cơm, chăm sóc răng miệng, chở bệnh nhân về nhà... cô đều hỗ trợ nhiệt tình".

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm: Có một bếp ăn 0 đồng của vợ chồng Việt Nam - Mexico ở Sài Gòn ấm lòng như thế

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận