Bão số 7 chuyển hướng đi vào Vịnh Bắc Bộ, giật cấp 11
Theo thông tin dự báo mới nhất, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 7. Bão số 7 chuyển hướng đi vào Vịnh Bắc Bộ trong đêm nay.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng ngày 8/10, tâm bão số 7 nằm trong vùng biển phía Tây Bắc Bộ quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo, bão số 7 trong 24h tới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 9/10, vị trí tâm bão nằm ngay trên khu vực Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Dự báo trong vòng 24h đến 48h tiếp theo bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 4h ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 50km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h đến 48h tiếp theo (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Trong 48h đến 72 giờ tiếp theo, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trong 72h đến 84h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo, do ảnh hưởng của bão số 7, trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh; Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-3,5m, biển động.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.
Bên cạnh đó, ở phía Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Khu vực đất liền, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum còn có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 100mm.
Do ảnh hưởng của bão số 7, từ 9-12/10, ở Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đánh giá, dự báo mưa ở khu vực Trung Trung bộ mưa sẽ giảm dần nhưng từ ngày 9/10 Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa rất to. Trong khi đó, khu vực này có nhiều hồ chứa đã đầy nước, trong đó có cả hồ chứa thủy điện lớn. Do vậy đề nghị các đơn vị đặc biệt lưu tâm, tránh bị động trong những tình huống mà không lường trước được như mưa cục bộ lớn ở lòng hồ sông Đà, Hòa Bình năm 2017.
Ở khu vực phía tây của Bắc Trung bộ, nếu với dự báo có nơi mưa trên 300 mm thì nguy cơ sạt lở đất rất cao, ở các khu vực như Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa), Mường Xén, Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh) nên đề nghị cần hết sức tập trung theo dõi khu vực này.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận