Anh bán nước yêu đời, thích làm thơ động viên người khó khăn
Vừa làm việc vừa "xuất khẩu thành thơ", anh Trần Văn Linh (36 tuổi, quê Quảng Nam) đã truyền năng lượng tích cực đến mọi người.
"Yêu thương cho đi không bao giờ lãng phí/Nụ cười giản dị đâu có mất tiền mua", đó là 2 câu anh Linh sáng tác để bày tỏ lý do mình làm thơ mỗi ngày tặng cộng đồng mạng.
Năng lượng tích cực
Anh Linh từng tốt nghiệp đại học ngành xây dựng. Bảy năm trước, sau khi có con đầu lòng, vợ chồng anh quyết định nghỉ việc công ty, khởi nghiệp bán nước mía và khoai lang lắc ở Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Vì yêu văn thơ nên vừa bán, anh vừa ngẫu hứng làm những bài thơ ngắn đăng lên trang cá nhân.
Bốn tháng trước, anh Linh quyết định quay video đọc thơ với mong muốn truyền năng lượng tích cực đến cộng đồng, không ngờ được nhiều người ủng hộ.
Những bài thơ của anh Linh viết đa dạng chủ đề từ tình yêu gia đình đến những chia sẻ công việc… Sau khi ngẫu hứng, anh nhờ người nhà quay video đọc, chia sẻ lên mạng xã hội. Xen giữa những câu thơ là cảnh làm việc tất bật ở quán nước, lúc lấy hàng ở chợ đầu mối cùng tinh thần tích cực, động viên những ai đang gặp khó khăn.
Có bài thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận trên mạng xã hội như: "Khó khăn đừng có nản lòng/Cứ đi lòng vòng sẽ thấy lối ra/Con đường ngay trước mắt ta/Cố gắng mà bước thăng hoa sẽ về". "Trải qua nhiều thử thách, tôi thấy bất cứ việc nào cũng có vất vả và áp lực riêng. Mọi người cứ cố gắng hết sức tự khắc sẽ tìm được hướng đi cho mình", anh chia sẻ.
Cầm tấm bằng kỹ sư xây dựng, anh Linh từng chịu nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè khi nghỉ việc ra buôn bán. Lúc mới mở quán, đôi vợ chồng trẻ cũng gặp nhiều khó khăn, điêu đứng một thời gian. Nhưng nhờ quyết tâm không từ bỏ nên giờ đây thu nhập từ quán nước cũng đủ để anh trang trải cuộc sống, có thời gian chăm sóc 2 con.
Nỗi lòng
Dù trao yêu thương và năng lượng tích cực đến mọi người, nhưng anh vẫn tâm niệm: "Điều quan trọng nhất để thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp, tích cực là bản thân phải tự nhận ra và hành động để biến suy nghĩ thành hiện thực. Hạnh phúc ai bán mà mua, ai cho mà lấy, ai thừa mà xin/Hạnh phúc nằm ở góc nhìn, mình thấy vừa đủ thì đời sẽ vui", anh Linh ngẫu hứng.
Điều mà anh vẫn tiếc nuối đó là từng lao vào vòng xoáy kiếm tiền bất chấp thời gian, sức khỏe. Thời điểm khởi nghiệp, vợ chồng anh ngoài bán nước mía, còn bán hàng online, hễ thấy chỗ nào có thể kiếm tiền thì "lao vào như thiêu thân", mà ít dành thời gian cho con cái khi gửi cho ông bà. Cảm thấy bản thân cũng tác động ít nhiều đến sức khỏe phát triển của con nên vợ chồng anh quyết định thay đổi, dành nhiều thời gian bên con hơn.
"Tôi cứ nghĩ làm được nhiều tiền sẽ giúp được ba mẹ ở quê, con cái có điều kiện học hành. Nhưng mọi thứ không như tôi nghĩ, sức khỏe của vợ chồng tôi giảm sút, cha mẹ chưa kịp giúp đỡ gì thì con gái đầu lòng mắc bệnh, tốn nhiều chi phí chạy chữa", anh kể.
Chị Phan Thị Phương (35 tuổi), vợ anh Linh, chia sẻ hiện tại dù con gái vẫn chưa thể giao tiếp với ba mẹ nhưng vợ chồng chị không bi quan mà chọn cách nắm tay con cùng vượt qua.
"Trải qua nhiều khó khăn, thấy chồng vẫn luôn nở nụ cười trên môi và còn sáng tác thơ truyền động lực đến cộng đồng nên rất ủng hộ", người vợ cho biết.
Anh Linh không phủ nhận bản thân từng suy sụp và mất động lực làm việc nhưng thay vì buồn bã, anh chấp nhận, gửi gắm suy nghĩ trong thơ, tạo tinh thần lạc quan.
"Khi tôi nghĩ tôi sẽ thay đổi tích cực thì hành động cũng được thực hiện theo suy nghĩ đó. Tôi biết yêu bản thân, biết ơn vợ đã luôn bên cạnh đồng hành và trân trọng cuộc sống vì những điều tốt đẹp đã học được", anh Linh nói. Rồi anh đọc nốt bài thơ vừa ngẫu hứng sáng tác trên đường đi giao nước cho khách: "Một ly Tèo cũng ship dù là xa hay gần/ở trong cái tinh thần/dưới 1 km, sẽ không tính thêm gì…" (Tèo là tên thường gọi của anh Linh - PV).
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Quán bún riêu cua 5K dành cho những người khó khăn giữa lòng Hà Nội
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận