3 điểm nhấn cần quan tâm về nhân vật "người bà hàng chài"

Trong "Chiếc thuyền ngoài xa" - Nguyễn Minh Châu đã xây dựng rất thành công nhân vật "người đàn bà hàng chài". Đó là người phụ nữ lao động lam lũ, bất hạnh, trải đời và sáng đẹp tình yêu thương, đức hi sinh và lòng vị tha cao cả.

Đỗ Thu Nga
15:00 10/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Minh Châu là một hiện tượng văn học vừa độc đáo, vừa lớn lao của nền văn học Việt Nam hiện đại vào cuối thế kỷ 20. Ông bước vào nghề văn hơi muộn nhưng sự nghiệp đổi mới trong văn học đã chọn ông để trao cho ông “Ấn Tiên Phong” lãnh chức Đại Tướng quân của Tập đoàn quân Chữ! Nhà văn Nguyên Ngọc đã rất đúng khi cho rằng Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh và tài năng đã đi được xa nhất” ở chặng đầu đổi mới của văn học nước nhà. Trong cơn trở dạ nhiều đau đớn ấy, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cả bản lĩnh và tài năng của mình cho một khát vọng khẩn thiết và mãnh liệt: văn chương cần phải khác. Nơi đó cái đẹp phải là cái “thật”, con người phải được nhìn nhận ở “bề sâu, bề sau, bề xa” của nó. Hàng loạt tác phẩm được viết dưới ý tưởng đó. Trong đó, “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những sáng tác điển hình của ông được viết sau năm 1980. Truyện ngắn này đã xây dựng nhân vật "người đàn bà hàng chài" rất thành công!

1. SỰ CAM CHỊU NHẪN NHỤC

- Ngoại hình: Dường như biển đã sinh ra chị, một người đàn bà cao lớn với đường nét thô kệch,

khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt, tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng...Chỉ bằng vài nét phác thảo, NMC đã làm hiện lên trước mắt chúng ta hình ảnh đau khổ, tội nghiệp của người phụ nữ hàng chài lam lũ, khó nhọc. Đó cũng là người đàn bà bình thường như bao người phụ nữ dân chài khác. Nhưng điều khác biệt ở đây là người ấy lại bước ra từ con thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ, điều ấy dự báo một nỗi éo le, nghịch cảnh nào đó sắp xảy ra. Quả nhiên, ngay sau đó, ta sẽ gặp cảnh: “lão đàn ông “lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay”, hắn “rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa” và “quật tới tấp vào lưng người đàn bà... vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két... Vừa đánh lão vừa nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”. Thật kinh khủng! Ấy vậy mà...

- Cử chỉ, hành động: người phụ nữ vẫn lặng im, nhẫn nhục chịu đòn. Không né tránh, không kêu la, không chống trả, không chạy trốn, chị đã chấp nhận nó như một phần cuộc sống của mình. Như cuộc đời người đi biển cần phải đương đầu với sóng to gió lớn, muốn tồn tại phải chấp nhận. Sự im lặng của chị khiến chúng ta đau lòng biết mấy. Không biết, chị chịu đòn như thế đã bao năm rồi? Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, cuộc đời chị là chuỗi ngày đắng cay tủi cực chỉ để chịu đòn thôi ư? Thịt da ai cũng là người, chẳng lẽ chị không biết đau? Cảnh tượng quá đỗi lạ lùng khiến Phùng kinh ngạc. Và mỗi người, khi đọc đến những dòng này không khỏi thắc mắc hoặc bức xúc thay cho chị. Chắc chắn phải có lí do nào thật đặc biệt khiến người đàn bà này có thể trở nên lì đòn đến như vậy? Bên bờ biển, bí ẩn về cuộc đời chị mới chỉ bắt đầu hé lộ, để đến hôm sau, hôm sau nữa, tại Tòa án Huyện, nơi công đường, ta còn ngạc nhiên hơn nữa về cuộc đời người phụ nữ vô danh

muốn lấy sự nhẫn nhịn để cứu cả thế giới và coi đó là phép màu của Hạnh phúc, thứ Hạnh phúc hiếm hoi muộn mằn như mạch nước ngầm rỉ thấm vào mảnh đất khô cằn vì nắng hạn...

3-diem-nhan-can-quan-tam-ve-nhan-vat-nguoi-ba-hang-chai-0
Ảnh minh họa

2. LÒNG TỰ TRỌNG, ĐỨC HI SINH VÀ TẤM LÒNG NHÂN HẬU

- Xin đừng vội chê cười chị, người phụ nữ xấu xí có thân phận thấp hèn. Ngày xưa, nàng Kiều cũng thân lươn bao quản lấm đầu để giữ lấy sự trinh bạch, còn chị thì im lặng chịu đòn để giữ lấy nhiều thứ quan trọng hơn, mà trước hết là nhân cách, lòng tự trọng. Chị lĩnh những trận đòn như một lẽ đương nhiên, vì không muốn ai biết chuyện này, vì không muốn những đứa con thơ ngây phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ. Chị im như tượng đá nhận về mình mọi nỗi đau đớn để chồng được hả cơn giận, để gia đình còn có người chèo chống lúc phong ba và cùng nhau nuôi đàn con “nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Khi đã ý thức được việc mình làm, chị không còn thấy đau nữa. Chỉ khi biết hành động vũ phu của chồng bị Phác và người khách lạ chứng kiến, bấy giờ chị mới đau đớn- vừa đau đớn vừa vô cùng nhục nhã, xấu hổ. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà lúc bấy giờ mới trào ra, giọt nước mắt xót xa, ân hận, nước mắt của nỗi nhọc nhằn và sức chịu đựng. Chị không muốn

ai chứng kiến và thương xót mình, kể cả thằng Phác, đứa con trai yêu quí của chị và nhất là một người lạ như nghệ sĩ Phùng. Dù thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm, nhưng người đàn bà ấy không để ý, không bận tâm. Chị chỉ bận tâm khi để người khác phải bận tâm về chị. Ta hãy nhớ lại những cử chỉ của chị lúc thằng Phác “vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng” của cha mình. Tiếng gọi “Phác, con ơi!” cất lên như xé lòng. Người đàn bà khốn khổ ngồi xệp xuống, “ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy” khiến bạn đọc vô cùng xúc động và thương xót. Bà không khóc khi bị chồng hành hạ, nhưng đã khóc khi ôm con vào lòng. Bà đã không thể nào che chắn được cho con khỏi bị tổn thương. Bà thương con, xót chồng, muốn tạ tội với con, muốn nó hiểu được những góc khuất trong cuộc đời và đừng căm thù bố, cũng đừng trở nên độc ác như bố nó. Người mẹ ấy đã phải tuôn rơi những giọt nước mắt tột cùng

đau đớn, bất lực vì không thể bảo vệ, che chở và cũng không thể cho con một cuộc sống bình yên. Trong cuộc mưu sinh này, người đàn bà quá khốn khổ vì phải che chắn cả trăm chiều giông bão và cũng thật đẹp, một vẻ đẹp ánh lên từ muôn vàn nỗi cơ cực đắng cay. Đó là phẩm chất của con người có lòng tự trọng.

- Vậy đấy, người đàn bà ấy không cam chịu một cách vô lí. Và cũng không cam chịu chỉ vì lí trí là để đảm bảo sự sinh tồn cho cả đàn con. Sở dĩ chị có thể chịu đựng dẻo dai và bền bỉ như vậy còn vì một nguyên cớ sâu xa và nhân hậu hơn. Chị hiểu điều gì đã khiến gã con trai “cục tính nhưng hiền lành lắm không bao giờ đánh đập ai” trở thành một kẻ độc dữ, thô bạo. Người đàn ông ấy là trụ cột của một gia đình nghèo, đông con, sống bằng nghề chài lưới giữa biển khơi. Cả gia đình sống chen chúc trên một chiếc thuyền nhỏ trôi dạt trên biển. Những khi biển động thì cả tháng trời “vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. Sự nghèo khó, cơ cực, lam lũ, nhọc nhằn đã hằn in trên chân dung người đàn bà hàng chài với nước da tái ngắt vì mệt mỏi, đói ăn, thiếu ngủ. Nhưng người đàn ông cũng khổ sở không kém! Chị thấu hiểu điều đó và còn hiểu nhiều hơn thế nữa, bằng trái tim nhân ái ấm áp của đàn bà. Dù gì thì cũng nhờ có lão, chị mới có một gia đình. Vốn xấu xí, lỡ

làng, nếu không có lão, làm sao chị có được những phút giây vợ chồng con cái có lúc vui, nhất là khi nhìn thấy chúng được ăn no. Nói về những điều này, gương mặt người đàn bà chợt ửng sáng lên như nở một nụ cười. Hạnh phúc thật muôn màu, có khi chỉ cần nhỏ nhoi đơn giản như vậy thôi. Giữa cuộc sống nhọc nhằn đói khổ tưởng như chỉ biết đến đòn roi, sự bạo tàn, thô tục, ta vẫn thấy ánh lên sắc màu bình yên hạnh phúc. “Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ chứ không sống cho mình như trên mặt đất được”. Có lẽ đó là câu nói gợi nhiều suy nghĩ nhất trong lòng bạn đọc, thể hiện nhiều nhất vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ. Phải rồi, chính vì tình thương yêu vô bờ bến với những đứa con mà chị chấp nhận hi sinh. Thấp thoáng sau hình ảnh chị là bóng dáng cuộc đời bao người vợ, người mẹ, người phụ nữ Việt Nam nhẫn nại cay đắng mà vẫn trong trẻo lắm một tấm lòng

vị tha, nhân hậu.

3. SỰ SÂU SẮC, TRẢI ĐỜI

- Đọc CTNX, người đọc không chỉ ngạc nhiên trước thái độ nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài khi bị chồng hành hạ, nhục mạ một cách phi lí mà còn ngạc nhiên hơn nữa trước thái độ của bà tại tòa án Huyện. Từ chỗ “chắp tay vái lạy lia lịa”, “quí tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó” đến lúc đột nhiên “mất hết cái vẻ ngoài khúm núm, sợ sệt khi mới xuất hiện ở tòa án”, người đàn bà hàng chài như đã trở thành một con người khác. Sau cái vẻ khúm núm, sợ sệt, dáng ngồi rụt rè mớm ở mép ghế là một con người thâm trầm sắc sảo đang ở thế đứng trên hai nhà trí thức mà trút ra những lời lẽ được chiêm nghiệm trong cả cuộc đời đầy lo toan vất vả: “Các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”..., “các chú không phải là người đàn bà chưa bao giờ các chú biết...”. Người đàn bà đã kể câu chuyện cuộc đời mình, qua đó gián tiếp đưa ra các lí do vì sao nhất quyết không bỏ người chồng vũ phu: “ông trời sinh ra người đàn bà đẻ con và nuôi con khôn lớn”. Nhưng cuộc sống chài lưới đầy những bất trắc, họ cần những người đàn ông làm chỗ dựa, nếu bỏ chồng, chị sẽ phải đối mặt với bi kịch khác khủng khiếp hơn: bi kịch của những đứa con phải chịu cảnh đói khát.

Mặt khác, trong đau khổ triền miên, họ vẫn có những lúc“... vợ chồng con cái chúng tôi sống 

hòa thuận vui vẻ... vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Chao ôi! Trước Cách Mạng, những người dân phố Huyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam cố thức để được nhìn thấy chuyến tàu. Nửa thế kỉ sau ta lại gặp hạnh phúc lớn lao của người mẹ chỉ là nhìn thấy đàn con được ăn no!? Và chị sẵn sàng thế chấp cuộc đời mình để đổi lấy nó, đánh đổi mọi thứ để có nó!

4. KHÁI QUÁT

Bằng nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện đặc sắc và sử dụng ngôn ngữ trần thuật linh hoạt, ngôn ngữ đối thoại và những nét phác họa về ngoại hình sinh động, tác giả đã xây dựng thành công chân dung người đàn bà hàng chài với vẻ đẹp độc đáo, khuất lấp. Đằng sau vẻ bề ngoài xấu xí, thô kệch là tâm hồn sáng trong như ngọc; sau cái dáng chịu đòn đến trơ lì, vô cảm là sự kiên cường; sau bộ dạng chịu xúc phạm đến nhẫn nhục là đức hi sinh lớn lao của tình mẫu tử; sau vẻ ù lì ngu muội bởi đói nghèo, thất học là việc hiểu thấu lẽ đời. Khi mà xã hội chưa có những giải pháp thực sự hiệu quả và thời để giúp họ ổn định hơn trong nghề chài lưới đầy bất trắc, chị chỉ còn một cách: chấp nhận!

Xem thêm: Chiếc thuyền ngoài xa: Tất tần tật về nhân vật Phùng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận