Lưu ý những việc nên và không nên làm khi tiêm vaccine COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã đưa ra những khuyến cáo về việc nên và không nên làm khi tiêm vaccine COVID-19.
Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành các chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19. Tại Việt Nam, cách đây khoảng 1 tuần, lô vaccine AZD1222 đầu tiên do AstraZeneca sản xuất đã hạ cánh tới sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ban chỉ đạo Quốc gia cho hay, tới đây người dân sẽ được tiêm vaccine miễn phí, một phần nhỏ vaccine dịch vụ sẽ dành cho người có khả năng chi trả cao hơn.
Dưới đây là những việc nên và không nên làm khi tiêm vaccine COVID-19 dựa trên tài liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ).
Điều nên làm khi tiêm vaccine COVID-19
Tiếp tục duy trì việc đeo khẩu trang
tiến sĩ Kavita Patel, Giám đốc Điều hành Trung tâm Chính sách Y tế, Viện Brookings, Mỹ nhận định, hiện nay các vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca đang được phân phối trên thị trường mới có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nhân diễn biến nặng hoặc tử vong. Hiện chưa có bằng chứng xác thực cho thấy vaccine sẽ làm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Giám đốc Trung tâm Vaccine của Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, thành viên Ban Cố vấn Vaccine của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Paul Offit cho hay, hiện hiệu quả kháng virus theo khảo sát của Pfizer/BioNTech, Moderda hay AstraZeneca công bố vẫn chưa đạt 100%.
Do đó, vẫn sẽ có một bộ phận người dân mắc COViD-19 ngay cả khi đã tiêm vaccine. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên đi du lịch ngay khi mới tiêm vaccine.
Tiến sĩ Patel cho biết, dù đã tiêm chủng thì người dân vẫn phải tuân thủ những quy định chống dịch trước đó. Đặc biệt là phải tiếp tục duy trì việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tụ tập nơi đông người. Ngay tại các khu vực tiêm chủng, việc đảm bảo công tác chống dịch, giãn cách tối thiểu 2m, đo nhiệt độ hay sát khuẩn vẫn là điều cần thiết.
Tiêm đủ lộ trình 2 liều
CDC Mỹ khuyến cáo, sau khi đã tiêm chủng vaccine, người dân cần tuân thủ tiêm đủ 2 liều. Họ cũng chưa biết chắc chắn người đã tiêm phòng vaccine thì còn khả năng lây nhiễm virus hay không.
Theo CDC, người có triệu chứng COVID-19 được cho là truyền virus nhiều hơn người không có triệu chứng lâm sàng. Do đó, CDC cho biết, trong vòng 3 tháng kể từ khi tiêm phòng, những người từng tiếp xúc F0 hoặc nguồn lây virus không cần cách ly nếu không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.
Báo cáo trước về tiền sử dị ứng
Thông thường, trường hợp sốc phản vệ hay dị ứng với vaccine được đánh giá là hiếm gặp. Tuy nhiên, một số người trên thế giới sau khi tiêm vaccine mRNA của Moderna hay Pfizer/BioNTech đã có phản ứng dị ứng từ trung bình đến nặng, trong đó có cả nhân viên y tế.
Vì thế, theo tài liệu hướng dẫn từ WHO cũng như CDC Mỹ, những người từng bị sốc phản vệ, có tiền sử dị ứng nên cân nhắc trước khi tiêm chủng. Nếu xuât hiện bất kỳ vấn đề nào, ta cần liên hệ và thông tin với nhân viên y tế ngay lập tức để đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Dù đã khỏi bệnh vẫn nên tiêm vaccine
Một số nghiên cứu cho thấy, COVID-19 sẽ là kẻ thù lâu dài với các bệnh nhân ngay cả khi họ đã khỏi bệnh. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, sương mù não,... hiện chưa thể lý giải.
Do đó, GS.TS, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia, Đại học Y Baylor (Houston, Mỹ) kiêm nhà vaccine học Peter Hotez đã khuyến cáo, bệnh nhân dù khỏi bệnh vẫn nên tiêm vaccine COVID-19. Theo ông, những "triệu chứng kéo dài của một số người bệnh không phải do virus đang hoạt động mà là những phản ứng viêm kéo dài với SARS-CoV-2".
Điều không nên làm khi tiêm vaccine COVID-19
Không tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày kể từ khi tiêm vaccine COVID-19
CDC khuyến cáo, không nên tiêm các vaccine cúm hoặc các chế phẩm sinh học phòng ngừa nào khác trong vòng 14 ngày kể từ khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là biện pháp để tránh cơ thể có phản ứng không tốt khi 2 loại vaccine cùng lúc nạp vào cơ thể.
Nếu không may xảy ra trường hợp trên, người dân nên hỏi ý kiến bác sĩ, nhân viên y tế để được hỗ trợ và tuân thủ lộ trình tiêm 2 mũi vaccine.
Không tiêm vaccine nếu đang có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19
GS.TS Michael Ison, Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern (Mỹ) cảnh báo rằng nếu một người đang có triệu chứng hoặc có kết quả dương tính hoặc đang nghi mắc COVID-19 không nên tới các địa điểm tiêm chủng. Theo ông, những người này có khả năng sẽ là nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng vì virus rất dễ lan truyền.
Ông Ison khuyến cáo, những người đang nghi mắc COVID-19 phải báo ngay cho các y bác sĩ, nhân viên y tế để thực hiện các chỉ dẫn đã ban hành.
Không điều khiển xe sau khi tiêm vaccine
CDC khuyến cáo, người dân phải đợi tối thiểu 15 phút sau khi tiêm vaccine mới được lái xe. Với những người có tiền sử dị ứng, họ sẽ phải đợi tối thiểu 30 phút. Đối với trẻ em, sau khi tiêm cần được theo dõi thân nhiệt, hơi thở, ăn ngủ, màu da toàn thân cũng như vùng tiêm khoảng 24-48h sau khi tiêm.
Các chuyên gia cho biết, thời gian nghỉ ngắn trên là để theo dõi xem người tiêm vaccine có phản ứng hay tác dụng phụ nghiêm trọng nào không. Người tiêm vaccine không nên tự mình lái xe sau đó để đề phòng những tình huống bất ngờ.
Một số khuyến cáo khác
Sau khi tiêm, một số tác dụng phụ thông thường là đau nhức, sưng tấy chỗ tiêm. Thậm chí, một số người có thể gặp các triệu chứng tương tự khi nhiễm COVID-19 như sốt, mệt mỏi, ớn lạnh,... Tuy nhiên, các tác dụng phụ này sẽ hết sau 2 tuần.
Theo tài liệu của WHO, những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2, người già, người mắc các bệnh lý nền nên tiêm vaccine sớm. Phụ nữ cho con bú nếu thuộc diện ưu tiên thì có thể tiêm vaccine sớm, WHO không khuyến khích họ ngừng cho con bú sau khi tiêm.
Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo không nên tiêm với những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine COVID-19. Ngoài ra, vaccine của AstraZeneca không được khuyến cáo cho người dưới 18 tuổi, hiện WHO vẫn đang chờ những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Biến chủng P.1 có nguồn gốc từ Brazil đã vượt qua bức tường kháng thể của vaccine COVID-19 thế nào?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận