Ước nguyện cao cả của nghệ sĩ Thanh Bùi: Tôi xác định sẽ làm giáo dục suốt đời
Nổi tiếng với vai trò nghệ sĩ âm nhạc, nên khi Thanh Bùi chuyển hướng sang làm giáo dục, nhiều người không khỏi bất ngờ.
Thanh Bùi là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng ở cả trong nước lẫn quốc tế. Anh vừa là ca sĩ, nhạc sĩ, kiêm nhà sản xuất thu âm tài năng. Vì thế, khi Thanh Bùi quyết định chuyển hướng sang làm giáo dục và kinh doanh, nhiều người tỏ ra bất ngờ.
Anh thành lập hệ thống giáo dục Embassy Education (EE) tiếp đó mở cửa Trường tiểu học Việt Nam Tinh Hoa - NLCS HCMC. Vài tháng trước, nhạc sĩ tài hoa này lại a mắt không gian giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em tự kỷ Special Em’s Education Group (SEEG) tại TP HCM.
Chia sẻ về lý do thành lập trung tâm giáo dục cho trẻ tự kỷ, Thanh Bùi tâm sự: "Mọi thứ xuất phát từ câu chuyện của con tôi. Vân (Trương Huệ Vân - vợ Thanh Bùi) sinh đôi, sớm gần 2 tháng. Khi chào đời, hai đứa chỉ nặng 1,8 kg. Đến năm 2 tuổi, chúng vẫn chưa nói được gì. Khi xem một video về trẻ em tự kỷ, Vân phát hiện đôi mắt của đứa trẻ trong phim rất giống đôi mắt của con chúng tôi. “Có thể con mình tự kỷ không?”, Vân nói với tôi.
Tôi và Vân tìm hỏi những chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực này, rất khó để tìm đúng người. Khi gặp hai bác sĩ nọ, họ kết luận con tôi tự kỷ sau 45 phút và muốn cho con uống thuốc. Thời điểm đó, tôi cảm thấy điều này quá sai.
Chúng tôi gặp thêm những chuyên gia khác trong lĩnh vực tự kỷ để hiểu hơn về con. May mắn, chúng tôi được giới thiệu một chuyên gia người Ý – cô Simona Bossoni, người được giới chuyên môn nước ngoài đánh giá cao. Cô ấy về nhà chúng tôi, quan sát hai đứa trẻ trong 3 tháng trời. Kết luận đưa ra là hai đứa không tự kỷ. Nhưng việc phát triển toàn diện của con đang chậm so với lứa tuổi vì sinh non.
Vị chuyên gia bắt đầu một chương trình giáo dục can thiệp sớm cho hai đứa nhỏ. Mỗi tuần, cô Simona dành từ 3 – 5 tiếng phát triển toàn diện cho các con. Đến bây giờ, các mặt phát triển của con đã rất ổn. Có những mặt phát triển của con đang vượt trội so với lứa tuổi.
Khi tôi ngồi lại với Vân, cô ấy nói: 'Nếu anh có đủ sức và đam mê, hãy nghĩ về trường hợp của những đứa trẻ khác'. Bốn năm sau, tôi mới đủ hiểu biết, nhân sự và chiều sâu để mở ra Special Em, hệ thống dành cho trẻ em tự kỷ. Tôi cần rất nhiều thời gian để hiểu biết về lĩnh vực này".
Thanh Bùi chia sẻ thêm, với anh, giáo dục chính là bước ngoặt thay đổi cuộc đời. Anh nhớ lại: "Người từng cho tôi học bổng, trước khi qua đời có dặn: Nếu tôi có cơ hội, hãy trao học bổng cho người khác như cách mà ông ấy đã cho tôi. Đến lúc này, tôi đang làm được điều đó. Càng trưởng thành, tôi càng hiểu câu chuyện của tôi giống như một vòng tròn. Công việc tôi đang làm, hệ thống tôi đang xây y chang hệ thống mà tôi được sống từ khi 5 tuổi. Tôi muốn điều đó xảy ra dành cho các con ở Việt Nam".
Quả thực, tính đến hiện tại, thật khó tin khi biết Thanh Bùi đã làm giáo dục được 10 năm. Hệ thống của anh đã có hơn chục trường mầm non, trường nghệ thuật, tiểu học,... Không chỉ là một nghệ sĩ tài năng, anh còn là một nhà giáo dục tâm huyết và doanh nhân sành sỏi.
Hiện tại, Embassy Education còn có hệ thống trường mầm non ở các phân khúc khác nhau: Little Em's, Em Maison và Wisdomland. Nam nghệ sĩ giải thích: "Trường của chúng tôi không chỉ chăm lo cho các con chuyện ăn ngủ, giao con cho phụ huynh đúng giờ. Hơn hết, chúng tôi cho các con tiếp xúc với thế giới để hiểu con là ai, dạy các con nói được tiếng Việt - tiếng Anh, và chuẩn bị tốt nhất cho con vào tiểu học.Với giáo dục tiểu học, chúng tôi tiếp tục phát triển NLCS HCMC.
Tôi mong 20 năm nữa, học trò của tôi có thể thắng giải Grammy hay đạt giải Nobel.Mong muốn của tôi là tạo ra hệ sinh thái mạnh về giá trị, đào tạo ra các tinh hoa, đưa các em ra thế giới để các em quay trở lại đóng góp cho Việt Nam. Hiện nay, những đứa trẻ học trường quốc tế đang ra nước ngoài làm việc. Những đứa trẻ của chúng ta đang phục vụ cho những nền kinh tế khác. Vậy có phải Việt Nam đang thiệt thòi không?".
Thanh Bùi tâm niệm: "Giáo dục thông qua đôi mắt của con, chứ không phải qua đôi mắt bố mẹ". Đó là lý do anh không muốn mở rộng nhanh chóng, mà phải đi chậm rãi, tìm hiểu từng bước một, sao cho mọi trẻ nhỏ đều có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật.
Anh nói: "Nhiều người hỏi vì sao tôi làm được như vậy? Bản chất là tôi không gặp vấn đề gì. Những thứ tôi đang làm hoàn toàn độc lập. Tôi chỉ tiếp tục làm việc mà tôi phải làm. Nếu những ai không hiểu, tôi có một câu rất hay: 'Những người thấy phiền lòng chẳng có ý nghĩa, và những người có ý nghĩa sẽ không thấy phiền lòng'. Triết lý sống của tôi đơn giản vậy thôi. Mình cứ nói sự thật. Vì chỉ có sự thật mới cứu được mình lúc này. Không phải thứ gì khác".
Theo Nhịp sống thị trường
Xem thêm: 9x Quảng Ninh hai lần từ chối Apple, quyết tâm theo đuổi ngành giáo dục
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận