Từng kiếm 100 triệu/tháng, chàng trai trẻ vẫn chật vật vì không tiết kiệm được 1 xu: Hóa ra là vì lỗi sai nhiều người mắc này
Không ít người trẻ rơi vào trường hợp giống chàng trai này, khi mà kiếm tiền khủng nhưng không thể tiết kiệm được.
“Tại sao mình kiếm cũng ổn nhưng cuối tháng lại không có tiền tiết kiệm?” - Đây chắc hẳn là câu mà người đi làm nào cũng tự hỏi bản thân ít nhất 1 lần. Nguyên nhân đến từ lý do đơn giản: Bạn mua sắm nhiều hơn so với mức bản thân dự tính tiêu xài.
Chẳng hạn mới đây trên MXH, một anh chàng chia sẻ mình thuộc dạng “thu nhập” cũng khá là kiếm được 80 - 100 triệu đồng/tháng. Nhưng 4 tháng đầu năm nay, anh hoàn toàn không để dư được xu nào.
Sau khi kiểm kê lại những khoản chi vừa qua, anh nhận ra bản thân không tiêu ít như mình lầm tưởng.
Với riêng khoản chi lớn, anh đã tiêu hết gần 300 triệu đồng. Bao gồm: 110 triệu đồng mua xe máy; 115 triệu đồng mua tour du lịch Nhật Bản cho hai vợ chồng và con trai; 8 triệu đồng đóng bảo hiểm xe hơi; 14 triệu đồng mua cặp nhẫn mới tặng vợ; 40 triệu đồng đầu tư thua lỗ; 10 triệu đồng mua màn hình để làm việc. Tính sơ sơ, anh tốn gần 300 triệu đồng cho những khoản chi lớn, chưa tính các chi phí khác.
Sau khi nhận ra bản thân đã xài tiền quá tay, anh quyết định sẽ cố gắng giảm chi tiêu lại trong thời gian sắp tới. Anh cũng chia sẻ những phương pháp mà bản thân dự tính dùng để kiểm soát tài chính cá nhân.
Thứ nhất, luôn ghi lại những khoản chi, dù là khoản tiêu nhỏ hay lớn. Thứ hai, chọn một cấp độ tiêu tiền và bắt bản thân tuân theo kế hoạch đó. “Chẳng hạn, nếu bạn làm 100 triệu và muốn mình là dạng tiểu thư sang chảnh, hào nhoáng xài đồ hiệu như Chanel, đi du lịch nước ngoài, chạy xe Vespa, có xe hơi, iPhone 15 thì rất khó để dư nhiều. Nhưng nếu bạn có thể ở level casual bình dân thì việc xài gọn trong 20-30 triệu/tháng là bình thường. Và sẽ dư rất nhiều”, anh chia sẻ thêm.
Có thể thấy, thói quen chi tiêu vô tội vạ mà không có sự kìm hãm kịp thời có thể khiến bạn luôn bị “cháy túi" dù đạt được mức thu nhập dư dả bao nhiêu. Dẫu bạn kiếm được 10 triệu, 20 triệu hay thậm chí đến 100 triệu như anh chàng trên đây, mà không bám sát ngân sách đề ra và ghi chép cụ thể từng khoản tiêu dùng hàng tháng, thì tiền lương của bạn có thể cứ bay đi và tất nhiên không bao giờ trở lại.
Vậy làm sao để tránh sa chân vào cảnh luôn tiêu hết số tiền kiếm được, cuối tháng không còn dư đồng nào?
Theo dõi các khoản chi tiêu
Nếu muốn tiết kiệm được nhiều hơn và làm chủ đồng lương kiếm được, việc đầu tiên bạn cần làm là biết tiền của mình đi đâu. Bạn hãy dùng các công cụ trên mạng, tự ghi chép vào giấy hoặc dùng những ứng dụng để theo dõi các khoản chi. Giống như trường hợp của chàng trai ở trên, anh chỉ biết bản thân đã tiêu hoang phí sau khi kiểm kê lại từng khoản chi đã tiêu xài trong suốt 4 tháng.
Khi thấy tất cả những khoản mua sắm của bản thân, bạn sẽ dễ dàng hiểu được tình trạng tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, thói quen này cũng giúp bạn đưa ra cái nhìn chính xác về các quyết định tiền nong cá nhân là đúng hay sai. Chẳng hạn, bạn có thể đã cảm thấy mình đi mua sắm quá nhiều. Tuy nhiên, chỉ khi nhìn vào số tiền mình tiêu cho việc này mỗi tháng, bạn mới có động lực rõ ràng để từ bỏ thói quen chi tiêu tốn kém.
Cố gắng có một khoản tiết kiệm hàng tháng
Nếu không chắc mình có thể “dừng lại" trước các pha mua sắm bốc đồng, bạn nên đặt mục tiêu cụ thể rằng hàng tháng mình nên để dành bao nhiêu tiền. Đầu tháng sau khi nhận lương, bạn hãy cất riêng số tiền tiết kiệm này vào một nơi đựng tiền riêng, chẳng hạn là tài khoản ngân hàng khác.
Gợi ý là nếu bạn thấy việc này có vẻ quá khó khăn, hãy cài đặt chế độ chuyển tiền tự động từ đầu tháng ở các ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Bằng phương pháp này, tiền sẽ vào tài khoản tiết kiệm trước khi bạn có cơ hội tiêu.
Học cách kiềm chế mua sắm theo cảm xúc
Tại sao mua thêm đồ khiến bạn thấy vui vẻ và mới mẻ trong thời gian đầu? Bởi lẽ hành động shopping có thể kích hoạt sản xuất dopamine giúp ta thấy thoải mái. Khi bị cảm xúc chi phối, bạn sẽ khó mà nói “không" trước các pha mua sắm bốc đồng.
Vậy giải quyết thế nào đây? Bên cạnh tự bắt ép bản thân chỉ mua sắm trong giới hạn chi tiêu nhất định hàng tháng, bạn phải hạn chế phụ thuộc vào việc dùng thẻ tín dụng hoặc giảm hạn mức tiêu dùng của thẻ. Nếu không có tiền trong ví và không thể vay mượn thêm từ ai, tự khắc mong muốn mua đồ mới của bạn sẽ giảm xuống bằng 0.
Theo Nhịp sống thị trường
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận