Mất đi bàn tay phải sau tai nạn nghiệt ngã, nữ sinh dùng tay trái viết nên cuộc đời
Sau 16 năm không may mất đi bàn tay phải sau tai nạn, giờ đây, nữ sinh này đã có thể tự tin bước vào cột mốc khác của cuộc đời.

Nguyễn Ngọc Hồng Nhung vốn sinh ra khỏe mạnh bình thường như bao bạn đồng trang lứa. Tai nạn xảy ra vào lúc 3 tuổi, khi cô bé học theo ba ép nước mía cho khách. Vì bất cẩn, em đã để cánh tay phải bị cuốn vào máy ép, gần như bị nghiền nát.
Bà Võ Thị Lợi, mẹ Nhung khi ấy đang đi bán vé số gần nhà thì nghe tiếng la thất thanh của con gái. Vừa chạy về, bà lại thấy con gái đang lịm đi cạnh vũng máu. Do bị suy tim, người phụ nữ ấy cũng ngã quỵ. Bà kể: "Chỉ kịp nhìn thấy bàn tay phải của con bê bết máu rồi tôi ngất luôn chẳng biết gì. Làm mẹ, đau sao chịu thấu".
Nghiệt ngã bởi chiếc máy ép nước mía ấy vốn là phương tiện để đôi vợ chồng nghèo mưu sinh. Đó là toàn bộ vốn liếng cả nhà chắt chiu, dành dụm suốt thời gian dài và mới mua chưa tròn năm ngày, nhưng nó bỗng chốc hóa "thủ phạm" khiến con gái mình tật nguyền. Những ngày sau đó, vợ chồng họ dồn hết tiền của, lại đi vay mượn, hi vọng có thể cứu bàn tay con gái. Thế nhưng, điều ấy đã không xảy ra, cô gái nhỏ đã không còn dùng bàn tay phải nữa.

Gia đình nữ sinh có 5 người, chen chúc nhau trong một căn hộ chung cư nhỏ. Phần nền rộng nhất của gian phòng dành làm chỗ ngủ chung cho cả gia đình năm người. Anh trai Nhung đã tốt nghiệp cao đẳng, cậu em trai đang học tiểu học. Bà Lợi vẫn mưu sinh với "nghề" bán vé số, còn ông Nguyễn Văn Thành (bố Nhung) làm thợ mộc.
Hồi chuẩn bị vào lớp 1, Nhung phải tập mất một năm cho quen với tay trái. Thế mà khi đến trường, cả lớp được cô hướng dẫn dùng tay phải, chỉ mình Nhung buộc phải cầm bút, cầm phấn và viết chữ bằng tay trái khiến cô bé tủi thân, cứ khóc đòi nghỉ học. Khiếm khuyết ấy cũng khiến em rụt rè hơn trước bạn bè.
Nhưng càng học lên cao, nữ sinh càng thêm cố gắng, và kết quả ngày một khá hơn. Em thích các bài tập có tính toán hơn mỗi lần làm văn vì yêu cầu viết nhiều sẽ khó khăn hơn. Dù cầm viết tay trái nhưng Nhung từng là một trong số các học sinh dự thi vở sạch chữ đẹp của trường. "Năm đó thi hình như cũng có giải cao lắm, em quá vui vì ai cũng bất ngờ bởi thành viên thi vở sạch chữ đẹp chỉ có một tay", cô gái trẻ cười.
Để việc đi học tiện hơn, em tự tập đi xe đạp, dù có những lần ngã đau điếng. Ngày tự làm chủ được chiếc xe đạp, em đạp một mạch từ nhà đến Trường THPT Thälmann (quận 1). Chưa hết, Nhung phóng xe sang luôn nhà người bạn thân cách đó gần 5km chỉ để khoe mình đã có thể tự đạp xe.

Nếu trước đây Nhung rụt rè bao nhiêu thì giờ cô tự tin bấy nhiêu. Những người thân, bạn bè, thầy cô hầu như ai cũng nhận ra sự lạc quan ở Nhung. Bản thân em cũng luôn tự động viên bản thân phải suy nghĩ tích cực, làm điều có ích để những người thân yêu yên lòng.
12 năm học, Nhung chưa từng tốn bất kỳ đồng học thêm nào và là học sinh giỏi 12 năm liên tiếp với bộ sưu tập bằng khen, giấy khen các loại. Với điểm trung bình đạt 8,7, nữ sinh đã đỗ ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP.HCM bằng hình thức xét học bạ.
Nguyễn Ngọc Hồng Nhung bày tỏ: "Mình nghĩ mọi chuyện xảy ra với ai đó đều là số phận, như việc mình buộc phải cắt bỏ bàn tay phải. Sẽ không có phép màu để đưa bàn tay trở lại, mỗi người là một vì sao và mỗi vì sao đều có cách tỏa sáng riêng".
Theo Tuổi trẻ Online
Xem thêm: Chuyện về đôi bàn tay kỳ diệu của người đàn ông khuyết tật
Đọc thêm
Mất đi đôi chân, phải đi bán vé số, nhưng anh thanh niên này vẫn nỗ lực vươn lên, còn chế tạo xe điện cho người đồng cảnh ngộ.
Phụ huynh học sinh có gửi tiền khi cho con đến học nhưng "cô giáo" Lý từ chối nhận vì: "Tôi không bán chữ, nên không nhận tiền...".
Gần 30 năm qua, khuôn viên chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã nuôi dạy hàng ngà em bé bị bỏ rơi, trong số ấy có nhiều em là trẻ khuyết tật.
Tin liên quan
Đây là đoạn văn NLXH khá ấn tượng của bạn Trần Thị Thu Thảo (2016, Chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hạ Long, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) mà các bạn nên tham khảo.
Bố mẹ qua đời vì bệnh tật, chưa đầy 1 năm ngắn ngủi, anh em Khang trở thành trẻ mồ côi, ly biệt mỗi người một nơi.
Những đứa trẻ được phát hiện ở bãi rác, nghĩa trang... đều được ông Lâm ôm về cưu mang, dưỡng dục.