Người đàn ông Sài Gòn hơn 40 năm dốc sức cứu người nhảy cầu: "Còn sự sống là còn hy vọng"

Dù nghề chính là dân chài lưới, ông Nguyễn Văn Chúc (65 tuổi, TP.HCM) vẫn có tới hơn 40 năm tìm kiếm, trục vớt cứu người nhảy cầu trên sông Sài Gòn.

Chi Nguyễn
15:29 20/02/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo chân bố đi cứu người từ nhỏ

Ông Nguyễn Văn Chúc (65 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể, cách đây vài ngày, ông tham gia trục vớt thi thể nam sinh tự tử. Hồi sáng 15/2, một người dân đi ghe trên sông Sài Gòn phát hiện thi thể người trôi trên sông, liền lập tức báo với ông Chúc. Nhận tin báo, ông nổ máy chiếc thuyền rồi chạy tới nơi phát hiện thi thể, dùng dây níu giữ thanh niên xấu số rồi kéo vào bờ. Ngay sau đó, người thân nam sinh viên cũng xuất hiện, và nhanh chóng xác nhận đây là con em của mình. Nghe tiếng gào khóc thảm thiết của người thân, ông Chúc không khỏi xót xa.

nguoi-dan-ong-sai-gon-hon-40-nam-cuu-nguoi-nhay-cau-nguyen-van-chuc
Đoạn sông phát hiện thi thể nam sinh viên xấu số. Ảnh: Vietnamnet

Mặc dù việc tìm kiếm, trục vớt thi thể không phải là nghề chính của ông, nhưng đến nay ông đã có hơn 40 năm kinh nghiệm. Ông kể, bố của ông là dân chài lưới, trong những lần đi đánh cá thỉnh thoảng lại phát hiện và trục vớt thi thể người chết trôi. Biết ông có tâm, mỗi khi có người mất tích, nhảy cầu, bố ông Chúc thường được người nhà nạn nhân nhờ tìm kiếm, vớt thi thể. Từ khi ông Chúc lên 8, bố ông bắt đầu dắt con theo mỗi lần đi cứu người. Hồi nhỏ, ông rất sợ mỗi khi đi với bố, ông thành thật kể rằng mình sợ ma. Lớn hơn một chút, ông không sợ nữa, vì tự hiểu rằng đó là công việc đầy tính nhân văn.

nguoi-dan-ong-sai-gon-hon-40-nam-cuu-nguoi-nhay-cau-nguyen-van-chuc
Năm 20 tuổi, ông Chúc vớt được thi thể đầu tiên, đó cũng là ngày mà ông không bao giờ quên

Năm 20 tuổi, ông Chúc vớt được thi thể đầu tiên, đó cũng là ngày mà ông không bao giờ quên. Hôm ấy, ông đã vượt qua những nỗi sợ vô hình. Ông chạm tay vào thi thể người xấu số bằng niềm cảm thương, lòng mong mỏi đưa họ về nơi an nghỉ. Từ ấy, không ít lần trong lúc đánh lưới, quăng chài,... ông Chúc vô tình vướng phải thi thể. Khi ấy, ông cố gắng trấn tĩnh, tìm cách cố định hoặc đưa thi thể họ vào bờ. 

Dành cả đời để canh, cứu người nhảy cầu

Ông Chúc kể, ngày trước ông kiếm sống bằng nghề thả lưới, đánh chài, đặt đóm... trên sông Sài Gòn. Sau này, ông bỏ nghề chài lưới, tự nhận là "xe ôm" trên sống. Chiếc thuyền gỗ của ông vừa là phương tiện mưu sinh vừa là vật dụng để ông tìm kiếm, trục vớt xác, cứu người nhảy cầu tự tử. 

Vài năm gần đây, thuyền mục nát dần, ông mới tạm thôi, dựng tạm nhà nhỏ giữa hai cây cầu Bình Lợi cũ và Bình Lợi mới để trú tạm. Đặc biệt, căn chòi nhỏ của ông không hề có vách, chỉ có tấm bạt mỏng che chắn. Ông cho biết: "Làm vậy quan sát cho dễ, xem có ai định nhảy cầu tự tử hay không rồi chạy ra cứu cho kịp".

nguoi-dan-ong-sai-gon-hon-40-nam-cuu-nguoi-nhay-cau-nguyen-van-chuc
Chiếc thuyền nhỏ gắn bó với ông Chúc hơn 40 năm qua
nguoi-dan-ong-sai-gon-hon-40-nam-cuu-nguoi-nhay-cau-nguyen-van-chuc
Căn chòi nhỏ của ông không hề có vách, chỉ có tấm bạt mỏng che chắn

Suốt hơn 40 năm qua, ông cứ thế gắn bó với công việc tìm, vớt thi thể không lương. Khi ai đó phát hiện thi thể người trên sông, có người chết đuối, nhảy cầu tự tử... ông Nguyễn Văn Chúc cũng là cái tên đầu tiên được thân nhân nạn nhân, chính quyền địa phương nhờ đi tìm, vớt xác. Ông kể: "Người ta ra cầu cũ tự tử nhiều lắm. Tôi không nhớ nổi đã cứu được bao nhiêu người và vớt bao nhiêu cái xác của những người nhảy từ cây cầu này rồi".

Chỉ cần thoáng thấy ai đến cầu một mình với vẻ mặt buồn bã, hay đến lúc ít người qua lại, hoặc bước hẳn ra thành cầu, ông Chúc lại hết sức cảnh giác. Ông gọi điện báo công an vì sợ người ta sẽ nhảy cầu, lại nổ sẵn máy thuyền để chuẩn bị lao ra cứu người. Giờ đây, ông nhạy bén với các trường hợp nhảy cầu tự vẫn đến nỗi "dù đêm hay ngày, nghe tiếng 'ùm' ngoài sông là lao ra cứu người liền".

nguoi-dan-ong-sai-gon-hon-40-nam-cuu-nguoi-nhay-cau-nguyen-van-chuc
Mỗi lúc cứu được người, tôi đều hỏi nguyên nhân rồi khuyên can họ suy nghĩ lại vì sự sống là vốn quý của con người.

Ông tâm sự: "Người ta nhảy xuống, nếu mình cứu kịp sẽ không chết. Mỗi lúc cứu được người, tôi đều hỏi nguyên nhân rồi khuyên can họ suy nghĩ lại vì sự sống là vốn quý của con người. Còn sự sống là còn hy vọng". Không ít người nghĩ quẩn là do rơi vào tình cảnh éo le, vì quá tuyệt vọng nên không nghĩ được gì, chỉ mong được kết thúc cuộc đời. 

Được biết, cơ duyên từ những lần cứu người như thế đã giúp ông Chúc có thêm người con nuôi. Hồi năm 2015, ông cứu sống một cậu thanh niên quê ở Nghệ An nhảy cầu tự sát. Được cứu sống, sau đó anh này nhận ông làm bố nuôi, sau này cả gia đình còn mời ông ra Nghệ An thăm nhà. Ông kể: "Đến tận bây giờ, cháu vẫn đề nghị tôi bỏ hết cuộc sống cơ cực ở đây, ra Nghệ An sống để cháu tiện chăm lo cho tôi lúc tuổi già".

Theo Vietnamnet

Xem thêm: Chuyện "mệ Tuyết" bán hương ở Huế: Cho khách chụp ảnh miễn phí, tiền kiếm về chỉ để đi từ thiện

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận