Nam sinh 10x dạy học miễn phí cho các em làng trẻ SOS, là người anh trai thân thiện của trẻ mồ côi
Dù bận rộn việc học, nam sinh 10x Nguyễn Công Toàn vẫn đi dạy học miễn phí cho các em làng trẻ SOS.
Người anh trai thân thiện của các em nhỏ làng trẻ SOS
Nguyễn Công Toàn (SN 2000, quê Bến Tre) hiện đang là sinh viên năm 3 ở trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Trong một lần đăng ký làm gia sư miễn phí vào tháng 10/2020, Toàn biết đến các em nhỏ ở làng trẻ SOS Gò Vấp. Ban đầu, 10x chỉ đi dạy vì muốn làm tròn trách nhiệm của một tình nguyện viên, nhưng lâu dần đã thay đổi ý định. Lắng nghe hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ nơi đấy, Toàn vừa muốn được làm thầy, vừa làm anh trai của các em.
Nam sinh 10x chia sẻ: "Mình muốn các bé trải nghiệm nhiều hơn, ăn pizza, ăn bánh kem tiramisu, mọi thứ mà các bé được xem ở tivi. Mình cũng mới là sinh viên, không dư giả, nên mình bắt đầu buôn bán trà sữa cùng người bạn đồng hành. Tiền lợi nhuận, mình mua bánh, mua trái ăn cùng các em".
Toàn tâm sự: "Một đứa trẻ khi sai lầm thì có người lớn dạy bảo, hay quá trình học tập đi xuống có ba mẹ đốc thúc tinh thần. Tụi nhỏ ở đây thì không có". 6 đứa trẻ do Toàn làm gia sư được một người dì ở làng trẻ em SOS Gò Vấp chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhận thấy dì cũng lớn tuổi, dù dốc công cũng không thể lúc nào chăm lo được các em, Toàn đã quyết định dốc sức giúp đỡ.
Khi mới nhận dạy gia sư, tình hình của 6 em chưa được ổn lắm, bởi các em chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học cũng như tương lai. Điều đó đã "níu chân" Toàn gắn bó nơi đây, vừa dạy học vừa định hướng cho các em sau này. 10x cho hay, bản thân cậu có thể đáp ứng đủ cho các em những cái gì các em muốn, nhưng nằm trong giới hạn cho phép.
Khi trò "dạy" lại thầy về tinh thần lạc quan
Giảng dạy tại làng trẻ SOS Gò Vấp hơn 1 năm, Công Toàn đã chứng kiến nhiều chuyện cảm động. Một lần nọ, mẹ của bé Bảo, trẻ nhỏ tuổi nhất ở làng trẻ ghé thăm và trò chuện với em. Sau khi mẹ về, dì nuôi có hỏi: "Bảo có muốn theo mẹ về không?". Lúc này, Bảo đáp lại: "Con không... Ở đây với mấy anh chị vui hơn!".
Dẫu biết lý do khiến đứa trẻ ấy trả lời không là một lý do nghẹn lòng, nhưng Công Toàn và dì nuôi cũng vô cùng cảm động bởi tình yêu thương em dành cho mọi người. Có lẽ, nơi đây chính là ngôi nhà có tiếng cười, có tình yêu thương, được chăm sóc mà Bảo muốn gắn bó, thấy vui, và ấm áp hơn.
Toàn tâm sự: "Lúc đầu tiếp xúc, thấy trẻ nghịch, mình thật sự rất nản. Nhưng nghĩ lại, mình đầy đủ ba mẹ yêu thương nên mới có ngày hôm nay. Nên mình vẫn nuôi chí để dạy các em. Sau đó, mình biết được từng hoàn cảnh của các em qua lời của Dì nuôi. Mình thấy mình nên có một phần trách nhiệm đối với tụi nhỏ. Rồi một đêm khi mình dạy xong, 6 anh em đi dạo trong làng trẻ, từng đứa từng đứa một kể về hoàn cảnh tụi nhỏ vào làng. Mình đã khóc, mình khóc không phải thương cho hoàn cảnh tụi nhỏ, mình khóc là vì tụi nhỏ nghị lực lắm, lạc quan kể từng câu chuyện một cách bình thường".
Một lần nọ, Toàn trò chuyện với các em rồi hỏi, liệu mấy đứa có muốn ba mẹ không. Khi ấy, các em đều trả lời có, khiến Toàn vô cùng xót xa. Thấy nam sinh 10x hỏi như vậy, bé Hương (học lớp 7) liền nói: "Anh đừng bỏ tụi em như mấy người khác nhé". Thấy thế, Toàn như nghẹn lòng, hứa sẽ cố gắng đồng hành cùng các em đến khi trưởng thành.
Sau cùng, nam sinh 10x nhắn nhủ: "Mình chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn tình nguyện như mình, đã thắp một cây nến thì hãy để nó cháy hết chứ đừng thổi tắt nó". Dù những giá trị vật chất mà Công Toàn gửi đến các em ở làng trẻ SOS không nhiều, nhưng về giá trị tinh thần thì khó có thể đong đếm được. Nhờ người thầy, người anh thân thiện, tốt bụng như Toàn, mà các em đã cảm nhận được tình thương, quên đi hoàn cảnh của mình và lạc quan, vui vẻ hơn.
Xem thêm: Anh nông dân hào phóng tặng 10 tấn cá đặc sản cho người dân ở khu cách ly, phong tỏa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận