Kỷ niệm ngày 30/4/1975: Sự kiện lịch sử mãi trường tồn cùng năm tháng
Ngày 30/4/1975 là cột mốc lịch sử quan trọng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng ngày 30-4-1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch.
Mở màn trận đột phá cuối cùng vào sào huyệt địch, trận địa pháo tầm xa đặt ở khu vực Nhơn Trạch (hướng Đông), Củ Chi, Hóc Môn (hướng Tây Bắc) bắn phá dữ dội sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng bị tê liệt, một nửa số máy bay trên sân bay bị trúng đạn. Cùng lúc đó, quân ta bắt đầu ào ạt tiến công.
Hướng tiến công từ Tây Bắc, 5 giờ ngày 30-4, Quân đoàn 3 với lực lượng đột kích thọc sâu chủ yếu là Sư đoàn 10 tăng cường, từ bàn đạp dọc đường số 1 (phía bắc ngã ba Bà Quẹo), được pháo binh chiến dịch và pháo quân đoàn chi viện bắn phá liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Bộ tư lệnh quân dù, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh không quân..., đã đồng loạt hành tiến bằng cơ giới hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Sau khi tiêu diệt quân địch cố thủ ngã tư Bảy Hiền, đội hình thọc sâu Sư đoàn 10 tiếp tục phát triển. Đến trưa 30-4, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) làm chủ Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.
Trên hướng Bắc Sài Gòn do Quân đoàn 1 đảm nhận, suốt đêm 29 rạng sáng ngày 30-4, theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn 312 cho Trung đoàn 209, Trung đoàn 141 (thiếu), các đơn vị binh chủng kỹ thuật tăng cường, được 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương hỗ trợ, thực hiện bao vây, ngăn chặn Sư đoàn bộ binh 5 (thiếu 1 trung đoàn) quân đội Sài Gòn ở cụm cứ điểm Lai Khê. Gần trưa ngày 30-4, địch ở cứ điểm Lai Khê kéo cờ trắng ra hàng.
Cùng thời gian, Bộ tư lệnh Quân đoàn sử dụng Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312 có 10 xe tăng yểm trợ và 2 đại đội bộ đội địa phương phối hợp, tiến công căn cứ Phú Lợi. Sau đó tiếp tục đánh chiếm thị xã và tiểu khu Bình Dương, bảo đảm hành lang cho lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn tiến vào thành phố.
Được Sư đoàn 312 tạo bàn đạp thuận lợi dọc Quốc lộ số 13, đội hình thọc sâu Sư đoàn 320B đập tan hệ thống phòng ngự chi khu quân sự Lái Thiêu, mở toang “cánh cửa cứng” cuối cùng trên hướng Bắc tiến vào nội đô Sài Gòn. Rạng sáng ngày 30-4, Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B) được tăng cường đại đội 3 xe tăng thuộc Lữ đoàn 202 phát triển tiến công cầu Bình Phước và bộ tư lệnh các binh chủng địch theo kế hoạch. Nhưng khi đến giáp cầu Vĩnh Bình, Trung đoàn 27 bị lực lượng địch phòng thủ ở đây chặn đánh quyết liệt. Cuộc chiến đấu giành giật cầu Vĩnh Bình diễn ra vô cùng ác liệt. Đến 8 giờ 30 phút, Trung đoàn 27 làm chủ cầu Vĩnh Bình, sau đó được nhân dân địa phương dẫn đường, đánh chiếm cầu Bình Phước và bộ tư lệnh các binh chủng ở Gò Vấp.
Mũi thọc sâu chủ yếu vào nội đô do Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B) đảm nhiệm đột phá tuyến phòng ngự địch chốt giữ cầu Bình Triệu, thọc sâu theo đường Bạch Đằng, Chi Lăng đánh vào bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.
Tại bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, trong khi Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm cổng số 1 và cắm cờ trên nóc sở chỉ huy đại bản doanh thì Trung đoàn 48 cũng đánh chiếm được cổng số 2, khu điện toán, khu trung tâm truyền tin và cắm cờ chiến thắng lên nóc nhà trung tâm hành quân.
Ở hướng Tây Nam, đêm ngày 29-4, lực lượng đột kích chủ yếu của Đoàn 232 do Sư đoàn 9 đảm nhiệm tiến vào nội thành Sài Gòn theo ba trục chính. 10 giờ 30 phút, ngày 30-4, sau khi tiêu diệt các trung đoàn đối phương cản đường, lực lượng thọc sâu Sư đoàn 9 (chủ yếu là Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2) đã vây chặt biệt khu Thủ đô. Không còn đường thoát, tướng Lâm Văn Phát, tư lệnh biệt khu thủ đô đã dẫn thuộc cấp ra đầu hàng và kêu gọi sĩ quan, binh lính thuộc quyền hạ vũ khí.
Trên hướng tiến công quan trọng Đông - Đông Nam, trưa ngày 29-4, nhận được chỉ thị của Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã mật lệnh cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 “tiến công vào nội đô Sài Gòn” từ 16 giờ ngày 29-4-1975 (sớm hơn 12 giờ so với các hướng khác). Chấp hành mệnh lệnh, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức thực hiện ngay.
14 giờ ngày 29-4, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đánh chiếm các mục tiêu còn lại ở khu vực Nhơn Trạch, bến phà Cát Lái (phía bắc) và thành Tuy Hạ. Rạng sáng ngày 30-4, được pháo binh (chủ yếu là pháo 85mm bắn ngắm trực tiếp) và xe tăng yểm trợ, Sư đoàn vượt sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, sau đó phát triển vào nội thành đánh chiếm bộ tư lệnh hải quân địch, phát động và hỗ trợ cho nhân dân Quận 9 nổi dậy giành quyền làm chủ.
Mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 do Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn trực tiếp chỉ huy. Số đầu xe hỗn hợp của lực lượng thọc sâu lên tới 400 chiếc (trong đó có khoảng 1/3 xe pháo, đạn quân đoàn thu hồi được trong các trận chiến đấu hoặc trên dọc đường tháo chạy địch bỏ lại). 5 giờ sáng ngày 30-4, đội hình thọc sâu hành tiến trên quãng đường xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn dài gần 4km cùng các cánh quân trên bốn hướng chiến dịch đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn.
Dọc đường hành tiến, đội hình thọc sâu Quân đoàn 2 quét sạch các đồn, bốt, tuyến phòng ngự chốt chặn của đối phương.
Cũng trong buổi sáng 30-4, tại khu vực thành phố Biên Hòa, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 cho Sư đoàn 6 (được tăng cường Trung đoàn 3 - Sư đoàn 341), tiến công đánh chiếm sở chỉ huy quân đoàn 3 địch. Cùng lúc, Sư đoàn 341 đánh chiếm khu vực Hốc Bà Thức và phát triển vào Thủ Đức. 10 giờ, Trung đoàn 209 đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 18, khu biệt động quân. Khoảng hơn 11 giờ, Trung đoàn 3 vượt cầu Ghềnh, tiến vào thành phố. Sư đoàn 7 (được tăng cường Trung đoàn 52, Quân khu 5) và các đơn vị binh chủng phối hợp đánh thọc sâu, tổ chức đánh địch ở ngã ba Tam Hiệp. Sau khi tiêu diệt địch ở Tam Hiệp, tổ chức vượt cầu Ghềnh, cầu yếu, xe tăng, thiết giáp không thể qua được, nên đội hình thọc sâu phải chuyển hướng sang cầu xa lộ Đồng Nai theo hướng Quân đoàn 2 tiến vào thành phố.
Đội hình thọc sâu Quân đoàn 2 sau khi đè bẹp một số mục tiêu quan trọng ở quận Thủ Đức, đã tiến sát cầu Sài Gòn. Tại đây ta gặp sự phản kích dữ dội của địch. Nhưng trước sự phối hợp hỏa lực hiệu quả và các mũi tiến công của quân ta, địch phải bỏ vũ khí tháo chạy.
9 giờ, lực lượng đi đầu binh đoàn đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 tiếp tục vượt cầu Sài Gòn, tiến về phía Dinh Độc Lập. Tại phía nam cầu, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ thị cho cán bộ Lữ đoàn xe tăng 203 điều chỉnh Tiểu đoàn 2 thiết giáp dàn đội hình, giữ cự ly, bám Tiểu đoàn 1 xe tăng đi đầu; chỉ thị cho Ban chỉ huy tiền phương Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ phụ trách chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 bám sát đội hình xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 8 tiến vào đánh chiếm Đài phát thanh.
Vượt qua sự chống trả quyết liệt ở cầu Thị Nghè, lực lượng thọc sâu cơ động dọc theo tường rào Thảo Cầm Viên. Tiểu đoàn 1 xe tăng do Đại đội 4 dẫn đầu, tiếp cận cổng chính Dinh Độc Lập. Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc vào cánh cổng bên trái (từ ngoài vào). Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính cửa Dinh Độc Lập.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.
Những ngày này, cả nước rợp bóng cờ hoa, người dân phấn khởi, tự hào kỷ niệm 48 năm sự kiện 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quan trọng, mãi trường tồn theo năm tháng. Sau bao nhiêu năm chiến đấu anh dũng và thương đau, chiến thắng đã thuộc về chính nghĩa với một chân lý "Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do".
Tổng hợp theo QĐND, VTV
Xem thêm: Rạng rỡ hình ảnh Sài Gòn tháng 5/1975: Thống nhất hai miền Nam - Bắc, đất nước trọn niềm vui
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận