Hành trình 10 năm làm cô nuôi cho hơn 100 trẻ tại mầm non vùng biên Hà Tĩnh 

Mặc cho công việc áp lực, đồng lương ít ỏi, hơn 10 năm qua chị Nguyễn Thị Lài (SN 1979) vẫn gắn bó với nghề cô nuôi ở mầm non vùng biên Hà Tĩnh.

Chi Nguyễn
10:36 21/12/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chị Nguyễn Thị Lài (SN 1979, trú xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, đến nay đã hơn 10 năm chị gắn bó với nghề cô nuôi (cấp dưỡng) ở vùng biên Hà Tĩnh. Nơi chị đi làm là điểm trường 1 của Mầm non Sơn Kim 1, do giao thông đi lại khó khăn mà học sinh động nên phải chia làm 2 điểm trường.

Theo quy định hiện tại, hệ mầm non tối đa 50 em sẽ có 1 cấp dưỡng chăm lo việc ăn uống. Thế nhưng, do điểm trường 1 đông, tuyển người khó khăn, nên chị Lài cùng đồng nghiệp khác phải "gánh" việc chăm lo cho 152 trẻ. Nghề cô nuôi nghe thì đơn giản, nhưng trên thực tế lại có vô vàn áp lực, khó khăn. Điều tối thiểu nhất để có thể làm việc này là các cô nuôi phải học lớp nấu ăn lấy chứng chỉ.

hon-10-nam-lam-co-nuoi-cho-tre-tai-mam-non-vung-bien-ha-tinh
Chị Lài gắn bó với công việc cô nuôi ở điểm trường 1 - Trường Mầm non Sơn Kim 1 hơn 10 năm qua

Công việc của chị Lài bắt đầu từ 6h sáng và chỉ kết thúc sau 16h. Chị kể: "6h sáng, chúng tôi bắt tay vào việc. Người đun nước sôi nhúng lại số bát, đĩa đựng thức ăn đã rửa chiều qua, người đi nhận thực phẩm trong ngày về chế biến. Đến giờ ăn lúc 10h15", chúng tôi phụ giúp giáo viên đứng lớp mang thức ăn lên cho trẻ. Sau đó, vào bếp nấu cơm trưa cho giáo viên. Nghỉ ngơi tí chút, chúng tôi lại tiếp tục cho bữa ăn chiều. Rửa bát, dọn dẹp xong, chúng tôi ra về thường là 16h hoặc muộn hơn chút".

Việc chuẩn bị thức ăn cho trẻ luôn được chú trọng trên hết. Về thực phẩm, nhà trường đặt rau, thịt, cá ở các hộ dân trong xã. Người dân địa phương tự sản xuất, nuôi trồng, do đó độ tin cậy về an toàn thực phẩm cao. Thực đơn cho các cháu đều được lên trước 1 tuần, lúc nào cũng đảm bảo dinh dưỡng.

hon-10-nam-lam-co-nuoi-cho-tre-tai-mam-non-vung-bien-ha-tinh
Tôi gắn bó với nghề từ tình yêu với trẻ, coi các cháu như là con cháu trong nhà

Cô nuôi 7x tâm sự thêm: "Để có được bữa ăn ngon, đủ các chất dinh dưỡng không phải là đơn giản, phải đảm bảo an toàn từ những khâu nhỏ nhất. Chẳng hạn, cho trẻ ăn món cá nướng, tôi phải lấy hết từng chiếc xương rồi xẻ nhỏ từng miếng thịt ra như làm chà bông để trẻ dễ ăn. Hay món canh rau phải thái nhỏ, thịt phải xay mịn. Khi chế biến thức ăn không cho quá nhiều gia vị như dầu, mỡ. Để tránh nhàm chán, chúng tôi thường xuyên thay đổi món và vào dịp lễ 8/3, 20/10... tổ chức nấu buffet cho các cháu".

Điều duy nhất khiến chị Lài canh cánh trong lòng là thu nhập khá thấp và bấp bênh so với công việc. Dù có thâm niên làm việc tới 11 năm, mức lương của chị chỉ là 3,5 triệu đồng. Mức lương ít ỏi khiến chị chật vật nuôi 2 người con gái ăn học sau khi chồng mất. 

hon-10-nam-lam-co-nuoi-cho-tre-tai-mam-non-vung-bien-ha-tinh
Để tránh nhàm chán, chúng tôi thường xuyên thay đổi món và vào dịp lễ 8/3, 20/10... tổ chức nấu buffet cho các cháu

Vất vả là thế, chị Lài chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ nghề. Chị tâm sự: "Tôi gắn bó với nghề từ tình yêu với trẻ, coi các cháu như là con cháu trong nhà. Những bữa cơm chúng tôi nấu giúp các bé ăn ngon, khỏe mạnh là 'quả ngọt' mà chúng tôi mong chờ".

Cô Lê Thị Ngọc Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Kim 1 cho biết: "Ở trường chúng tôi, ngoài cô Lài còn có cô Hà là 2 cô nuôi tận tâm, có trách nhiệm với nghề. Cô Lài công tác 11 năm, công việc dẫu gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng với lòng thương trẻ họ đã vượt qua tất cả. Chúng tôi hy vọng, các cấp, ngành sớm có thêm chính sách hỗ trợ để các cô nuôi yên tâm làm việc".

Theo báo Hà Tĩnh

Xem thêm: Lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo của "thầy giáo làng" khuyết tật viết chữ bằng miệng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận