Đỗ Thị Vừng: Đại gia chân đất từ chối hưởng thụ tuổi già, thích làm từ thiện giúp người giúp đời

Dù đã đến độ tuổi U70, "đại gia chân đất" Đỗ Thị Vừng vẫn đang chăm chỉ lao động, rảnh tay là đi làm từ thiện giúp người, giúp đời.

Chi Nguyễn
17:00 19/08/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dù đã 67 tuổi, nhưng bà Đỗ Thị Vừng (trú xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)vẫn miệt mài làm việc. Bà là chủ một vườn cây giống có diện tích hơn 10 mẫu ở địa phương, nhờ ghép mắt cây, gây giống mà kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm. Người dân trong vùng vô cùng nể phục bà, bởi bà Vừng không chỉ có biệt tài "sờ vào cây là có tiền", mà còn là một mạnh thường quân hào phóng.

Bà Vừng kể, năm xưa, cuộc sống của bà vô cùng khó khăn, nợ nần chồng chất. Bà kể: "Trước đây tại địa phương không có nghề truyền thống, tôi phải đi làm thuê làm mướn đủ nghề từ bốc vác cho đến trông giữ trẻ thuê... Mỗi ngày chỉ kiếm được mấy chục nghìn cho con có cái ăn là mừng lắm rồi".

do-thi-vung-dai-gia-chan-dat-thich-lam-tu-thien-giup-nguoi-giup-doi
Bà Vừng không chỉ có biệt tài "sờ vào cây là có tiền", mà còn là một mạnh thường quân hào phóng

Năm 1998, bà đi trồng chuối thuê cho một gia đình ở Gia Lâm (Hà Nội), tình cờ kết nghĩa với một người anh làm trong Viện Nghiên cứu Rau quả và được giới thiệu vào học kỹ thuật làm cây. Khi đã có được kiến thức cần thiết, bà về quê và bắt đầu công việc làm cây giống, là người đầu tiên trong làng làm điều đó.

Từ 3 sào ruộng ông bà để lại, bà mày mò tròng cam đường nhưng không thành công. Nhân một dịp quen chuyên gia người Trung Quốc, bà học được kỹ thuật "ghép mắt" cho cây, rồi ứng dụng vào cây nhãn thế mạnh của vùng. Bà còn lặn lội đi xin giống từ cây nhãn tổ của tỉnh về trồng, nào ngờ cho ra cây năng suất cao, chất lượng tốt, giúp bà thu lời lớn. Sau nhãn, bà lại mày mò ghép thêm các loại cây khác, cứ ghép cây nào là thu lãi cây đó. Cứ thế, với diện tích chỉ vài sào ban đầu, hiện nay, vườn cây giống của bà đã lên tới hơn hơn 20 vạn cây.

Bà Vừng thật thà kể: "Tôi đang có trong tay hơn 10 mẫu đất trồng cây giống, mỗi năm thu được hàng tỷ đồng, nhưng tôi không để 'tiền chết' mà tiếp tục mở rộng đầu tư vào sản xuất. Ví dụ một năm lãi 200 triệu thì mình chỉ cất đi 100 triệu thôi, còn 100 triệu mình phải đầu tư, nếu có thua lỗ thì cũng không sao".

do-thi-vung-dai-gia-chan-dat-thich-lam-tu-thien-giup-nguoi-giup-doi
Tôi làm ăn không hết, chết không mang theo được thì để cho con, cho cháu. Con cháu tôi ăn không hết thì để cho những người nghèo khó hơn

Ở tuổi ngoài 60, có nhiều người đã về hưu hưởng thụ tuổi già, còn bà Vừng vẫn miệt mài "chân lấm tay bùn". Bà cười, nói: "Không làm việc chân tay ngứa ngáy lắm chịu sao được. Tôi làm ăn không hết, chết không mang theo được thì để cho con, cho cháu. Con cháu tôi ăn không hết thì để cho những người nghèo khó hơn".

Bà con khắp vùng Tân Châu vô cùng nể bà, gọi bà là "đại gia cây giống", "đại gia chân đất". Không giữ bí quyết cho riêng mình, bà Đỗ thị Vừng còn hào phóng chia sẻ cho những ai có cùng đam mê. Không ít nhà nông từ các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ,... tìm về gặp bà học hỏi, xin cây giống về trồng. Mỗi hộ lấy cây của bà về trồng đều được "bảo hành" về giống, hướng dẫn chi tiết kỹ thuật, thậm chí giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, hầu hết đều thành công.

Bà nói: "Mình chia sẻ không vì cái gì cả, đã từng được giúp đỡ nên bây giờ giúp lại mọi người thôi. Mỗi khi có đi đến đâu được mời ăn bữa cơm, cảm thấy được quý mến là vui lắm rồi". Với bà, ngày xưa khó khăn vất vả được người ta giúp mới có cơ ngơi như hiện tại, giờ giúp người khác cũng là cách để trả ơn đời.

do-thi-vung-dai-gia-chan-dat-thich-lam-tu-thien-giup-nguoi-giup-doi
Mình chia sẻ không vì cái gì cả, đã từng được giúp đỡ nên bây giờ giúp lại mọi người thôi

Hồi năm 2020, bà Vừng ủng hộ 1 tấn gạo cho người già không nơi nương tựa, 600 kg gạo cho hội viên phụ nữ nghèo ở Tân Châu. Không chỉ vậy, bà còn ẵn sàng bỏ tiền túi để làm đường bê tông cho bà con đi lại thuận tiện hơn. Ngoài ra, bà cũng giúp 30 nhân công trong vườn cây giống có công việc ổn định, thu nhập khá để trang trải cuộc sống. 

Làm giàu từ hai bàn tay trắng nên bà Vừng rất hiểu và đồng cảm với những mảnh đời khó khăn. Vì vậy, dù có gia tài đồ sộ nhưng họ vẫn sống giản dị, không khoa trương và luôn giúp đỡ mọi người.

Theo Trang trại Việt, Thể thao Văn hóa

Xem thêm: Nguyễn Thị Thành: "Đại gia" Sài Gòn dồn tiền tích cóp xây phòng trọ cho người nghèo, suốt bao năm chỉ lấy giá "rẻ bèo"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận