Chuyện cảm động đằng sau ngôi trường mang tên người con gái Nhật ở Quảng Nam

Tại Quảng Nam, có một ngôi trường đặc biệt được đặt tên theo một cô gái Nhật Bản xinh đẹp, đó là trường tiểu học Junko.

Chi Nguyễn
14:51 05/07/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trường tiểu học Junko nằm tại thôn Nhị Dinh 1, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lý do một ngôi trường ở Việt Nam lại có cái tên đặc biệt như vậy, thì ra xuất phát từ một câu chuyện vô cùng cảm động.

Thầy Trần Công Trường, nguyên Hiệu trưởng trường Junko tâm sự, đó là tên của cô nữ sinh tốt bụng Junko Takahashi. Cô vốn là sinh viên khoa quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Meiji Gakuin (Nhật Bản). Năm 1993, khi vừa tròn 23 tuổi, cô cùng bạn bè sang Việt Nam dịp hè tìm hiểu tư liệu để làm luận văn về sự phát triển của các nước Đông Nam Á.

chuyen-ngoi-truong-mang-ten-nguoi-con-gai-nhat-o-quang-nam

Khi đặt chân đến nơi đây, Junko cùng các bạn lập tức bị ấn tượng bởi lòng hiếu khách và tấm chân tình mộc mạc của bà con. Cô đem lòng yêu quý những con người ấy, và vô cùng trăn trở khi chứng kiến số phận khốn khó của trẻ em nơi đây.

Cũng vì thế, cô nữ sinh Nhật Bản có ước mơ sau khi tốt nghiệp, đi làm sẽ dành tiền lương của mình, giúp đỡ các em học sinh Việt Nam có chỗ ăn học đầy đủ, tiện nghi hơn. Và tất cả những gì bắt gặp dọc đường, cô nữ sinh ấy đều ghi vào cuốn sổ nhật ký luôn mang theo bên mình.

Sau chuyến đi thực tế, cô quay trở lại Nhật Bản và bắt đầu lên kế hoạch thực hiện ước mơ của mình. Nhưng trớ trêu thay, 1 tháng sau, Junko bất ngờ qua đời trong một tai nạn giao thông.

chuyen-ngoi-truong-mang-ten-nguoi-con-gai-nhat-o-quang-nam

Ngỡ rằng, mọi dự định cao cả của nữ sinh này sẽ dang dở như vậy. Nào ngờ, trong đám tang con gái, bố mẹ Junko đau đớn đọc những dòng nhật ký của con gái viết, và quyết tâm sẽ biến di nguyện của con thành hiện thực.

Sau đó, ông bà Junko Takahashi gom góp số tiền phúng điếu đám tang, tiền bồi thường bảo hiểm và tiền tiết kiệm của Junko tạo thành nguồn quỹ 100.000 USD (tương đương 1 tỷ đồng), lặn lội sang Việt Nam. Sau cùng, họ chọn xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) để xây dựng một ngôi trường có 8 phòng, 1 nhà thi đấu và 1 công trình vệ sinh.

Thầy Trường tâm sự: "Theo phong tục người Nhật, khi con gái tròn 20 tuổi, họ tổ chức lễ trưởng thành, cha mẹ sẽ cho một ít tài sản. Sau khi Junko chết, ngoài số tiền cha mẹ cho cùng với tiền tiết kiệm, tiền bồi thường bảo hiểm, tiền phúng điếu, ông bà Horotaro TaKahashi đã dành hết vào việc xây dựng Trường Tiểu học Junko và chi phí cho trang thiết bị của trường. 

chuyen-ngoi-truong-mang-ten-nguoi-con-gai-nhat-o-quang-nam
Thầy Trần Công Trường, nguyên Hiệu trưởng trường Junko

Năm 1995, trong ngày trường khánh thành và khai giảng năm học đầu tiên, ông bà Junko Takahashi đã mang theo tấm di ảnh của cô con gái đến, chứng kiến giây phút ấy, nhiều người đã không kiềm được nước mắt vì xúc động...".

Được biết, khi mới xây trường, cha mẹ Junko không hề có ý định yêu cầu đặt tên con gái cho trường. Ban đầu, Junko chỉ là  một phân hiệu của Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám. Đến năm 2003, nơi đây trở thành địa điểm học chính của các học sinh tiểu học của xã Điện Phước. Cũng từ đó, để ghi ơn người con gái Nhật Bản, điểm trường này đã được đổi tên thành Trường tiểu học Junko.

chuyen-ngoi-truong-mang-ten-nguoi-con-gai-nhat-o-quang-nam

Chưa dừng lại ở đó, vì cảm mến lý tưởng sống của Junko nên các thầy cô giáo và sinh viên của nhiều trường Đại học tại Nhật Bản đã thành lập Hiệp hội Junko, nhằm tiếp nối sứ mệnh dang dở của cô nữ sinh có tấm lòng nhân hậu.

Cứ mỗi năm, đến ngày khai giảng, sinh viên Hiệp hội Junko lại lặn lội sang Việt Nam, trao tận tay hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Đặc biệt, vào năm 2000 ,cha mẹ và những người bạn của Junko lại tiếp tục quyên góp, xây thêm 5 phòng học trên tầng lầu, trị giá khoảng 200 triệu đồng vào thời điểm đó, cũng như hỗ trợ rất nhiều dụng cụ học tập, để giúp ngôi trường thêm khang trang hơn. Xa hơn nữa, Hiệp hội Junko còn phối hợp với Trường Đại học Đà Nẵng thành lập chương trình học bổng du học Nhật Bản nhằm tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi thêm về ngôn ngữ và văn hóa Nhật.

chuyen-ngoi-truong-mang-ten-nguoi-con-gai-nhat-o-quang-nam

Để tưởng nhớ tấm lòng của cô nữ sinh Nhật Bản, các thầy cô giáo đã dựng bàn thờ của Junko trong căn phòng truyền thống. Hằng năm nhà trường đều tổ chức lễ tưởng nhớ ngày mất của cô theo phong tục của người dân địa phương. Khi mới vừa bước vào trường, các em học sinh đều phải học tiểu sử về Junko.

Thầy Lê Quốc Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Junko chia sẻ: "Vào ngày 9/12 dương lịch hằng năm, cũng chính là ngày mất của cô Junko, thầy cô trong trường đều tổ chức một buổi lễ tri ân nhỏ, cùng nhau thắp nén nhang để tưởng nhớ về cô nữ sinh Nhật có tấm lòng lương thiện…".

Theo Trí thức trẻ

Xem thêm: Anh Bí thư miệt mài bồi dưỡng kiến thức cho học sinh có học lực trung bình trở thành khá, giỏi

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận