Ngôn Đức Thắng: 8X Cần Thơ nổi tiếng gần xa vì xây nhà, "phát lương" cho người già neo đơn
Suốt hơn 5 năm qua, 8x Cần Thơ Ngôn Đức Thắng vẫn miệt mài với việc thiện nguyện, xây nhà và "phát lương" cho người già neo đơn.
Xây nhà, chăm sóc người già neo đơn
Tính đến nay, anh Ngôn Đức Thắng (SN 1988, trú TP. Cần Thơ) đã có tới 6 năm hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, một trong những công việc khiến cái tên của anh được nhiều người biết tới và nể phục chính là xây nhà chung cho các cụ già neo đơn. Anh Thắng tâm sự: "Ngày xưa mình nghèo lắm, ăn bữa nay lo bữa mai".
Được biết, ngay từ khi còn học đại học, anh Thắng đã thường xuyên tham gia các chuyến công tác xã hội, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Anh kể: "Đến khi đi làm, tôi lại thấy thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đặc biệt là những người lớn tuổi nhưng phải bươn chải kiếm sống rất khổ nên tôi muốn làm một việc gì đó giúp họ".
Anh Thắng cho biết, anh thường làm từ thiện theo "mùa vụ". Có nghĩa là, cứ đến dịp Tết, anh lại gửi gạo, đường, mắm muối và lì xì tới các hộ nghèo gần nơi mình ở. Đến độ tháng 5-6, lúc các trường kết thúc một năm học, 8x Cần Thơ lại gửi quà và phần thưởng cho học sinh nghèo có thành tít tốt. Các dịp khác như Trung thu hay khi có thiên tai bất ngờ, anh đều mua lương thực và quà gửi người nghèo.
Ngôn Đức Thắc cho hay, việc xây dựng Nhà chung, đón các cụ bà neo đơn về chăm sóc cũng là kết quả sau nhiều lần anh đi từ thiện. Một lần nọ, khi đang đi hỗ trợ tiền trọ và tiền ăn cho một người nọ, anh bắt gặp một cụ bà lang thang dù đang sống gần con. Anh liên hệ trung tâm hỗ trợ người già địa phương, nhưng do khó khăn hoàn tất hồ sơ nên cụ bà không thể tới đây ở. Cuối cùng, anh quyết định thuê nhà và cho cụ bà vào đây ở miễn phí.
Sợ cụ bà sống một mình buồn bã, lại thêm xót xa những hoàn cảnh tương tự, anh đã mời người gia neo đơn khác về đây ở. Căn trọ anh thuê cứ thế ngày càng chật chội, anh Thắng nghĩ ra cách xây nhà cho các cụ. Anh chia sẻ ý tưởng với bạn bè, được một người quen đồng ý cho mượn đất xây nhà. Sau đó, anh tới TP.HCM và mời nghệ sĩ về Cần Thơ biểu diễn đêm nhạc gây quỹ, lấy tiền xây nhà.
Kể từ đó, ngôi Nhà chung của chàng trai Cần Thơ được xây dựng, đến nay đang chăm sóc 9 cụ bà. Các cụ được mẹ nuôi của 8x chăm sóc, ngày nấu 3 bữa đủ chất dinh dưỡng, chưa kể còn đường cung cấp sữa, trái cây,... ngon lành. Chưa kể, anh Thắng còn đang gấp rút hoàn thiện Nhà chung 2, để hi vọng có thể giúp đỡ chị em phụ nữ sinh con có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Ngoài ra, anh còn nhận làm cha đỡ đầu, hỗ trợ các bé có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài 9 cụ ở Nhà chung, anh Thắng còn giúp đỡ thêm 15 cụ già neo đơn khác, chu cấp tiền ăn cho họ. Anh tâm sự: "Không phải cụ ông, cụ bà neo đơn nào cũng muốn xa nhà, xa con cháu đến Nhà chung ở. Nhiều cụ rất hoàn cảnh nhưng khi tôi đề nghị về Nhà chung thì các cụ nói muốn ở lại vì 'thờ chồng', 'chăm mộ đứa cháu', 'đốt nhang đèn cho ông bà'...".
Sốt sắng thiện nguyện mùa dịch
Trong suốt mùa dịch vừa qua, anh Thắng vẫn tiếp tục duy trì bếp cơm 0 đồng. Ban đầu, anh mở bếp cơm 0 đồng cho mẹ ở quê Kiên Giang. Khi dịch bùng phát, công việc đình trệ, anh lại tiếp tục mở thêm một bếp cơm thiện nguyện khác ở Cần Thơ.
Nghĩ là làm, anh Thắng lập tức liên hệ và mượn tạm một quán ăn đang đóng cửa vì dịch, tổ chức nấu cơm 0 đồng. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, anh nấu nhiều cơm nên phải nhờ tình nguyện viên chở đi gửi tặng mới hết. Đến khi địa phương ra Chỉ thị 16, người dân không được ra đường, anh Thắng nghĩ ra sáng kiến làm phiếu nhận cơm. Trên phiếu phát cho người khó khăn, anh ghi rõ số lượng cơm và khung giờ phát để mọi người không tập trung quá đông. Cứ thế, suốt nhiều tháng liền, bếp cơm 0 đồng của 8x Cần Thơ là nơi "cứu đói" cho biết bao những mảnh đời khó khăn.
Hiện tại, bếp cơm của anh vẫn đang cung cấp các suất cơm miễn phí cho người khó khăn, vô gia cư, bệnh nhân, bác sĩ bệnh viện Ung Bướu TP. Cần Thơ. Chưa kể, anh còn quyết định mở thêm chợ 0 đồng di động để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con tại khu phong tỏa. 2 chiếc xe tải được trưng dụng và "hô biến" thành chợ 0 đồng di động.
Anh tâm sự: "Lúc đó, người dân cũng biết đến siêu thị 0 đồng nhưng mô hình đó chỉ có ở thành phố chứ chưa có ở vùng nông thôn. Thấy vậy, tôi chất lên xe gạo, mì, rau củ, trứng, sữa, sách, vở, bút.. chở đến nơi bà con cần. Trên xe, tôi để số điện thoại đường dây nóng. Bà con cần cứ gọi, tôi và các tài xế sẽ điều xe, chở nhu yếu phẩm đến tận nơi".
Trong những lần vận chuyển rau củ, anh Thắng lại không khỏi xót xa khi gặp cảnh người bệnh không có xe cấp cứu đi viện. Đó là do hầu hết xe cứu thương trong bệnh viện, tổ chức thiện nguyện đã được điều động để vận chuyển bệnh nhân COVID-19. Vì thế, anh lại tiếp tục vay tiền và mua xe ô tô để làm xe cấp cứu miễn phí. Đến tháng 6 năm nay, anh cùng lúc tổ chức 3 chương trình thiện nguyện hoạt động song song gồm Đội xe cấp cứu 0 đồng; Chợ 0 đồng; Bếp cơm 0 đồng.
Xem thêm: Gánh cơm chay nuôi chị, nuôi cháu của ông chú bị bệnh tim và tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận