Những bài học để đời cho các doanh nhân từ thành công của tỷ phú Jeff Bezos
Trước khi rời ghế CEO Amazon, tỷ phú Jeff Bezos đã để lại cho người kế nhiệm Andy Jassy những bài học để đời, rất hữu ích cho bất kỳ doanh nhân nào.
Đầu năm 2021, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos bất ngờ tuyên bố sẽ rời vị trí CEO của công ty vào quý 3 năm nay, trở thành Chủ tịch của công ty. Vị tỷ phú 57 tuổi này đã quyết định rời bỏ vai trò Giám đốc điều hành, tạm khép lại hành trình 27 năm làm CEO.
Đưa Amazon từ con số 0 lên vài nghìn tỷ USD, công lao của Jeff Bezos là không thể chối cãi. Trong suốt chặng đường dài, ông đã để lại cho các doanh nhân trẻ và hậu thế nhiều bài học quan trọng về kinh doanh, đổi mới. Dưới đây là những bài học để đời cho về kinh doanh từ thành công của tỷ phú Jeff Bezos:
Tối thiểu hối tiếc
Trong suốt gần 30 năm điều hành công ty, Jeff Bezos đã nhiều lần đưa ra các quyết định quan trọng, trong đó có thứ thành công và cũng có thứ thất bại. Khi ông lần đầu tiên đưa ra ý tưởng bắt đầu một cửa hàng sách trực tuyến, Bezos đã thực hiện một bài tập tinh thần mà ông gọi là "mô hình giảm thiểu tối đa sự hối tiếc".
Bezos giải thích: "Tôi muốn giảm thiểu tối đa số lần hối tiếc mà tôi có. Tôi biết rằng khi tôi 80 tuổi, tôi sẽ không hối hận vì đã thử những điều mà tôi đã làm. Tôi sẽ không hối hận khi cố gắng tham gia vào những thứ được gọi là internet mà tôi nghĩ nó sẽ là một vấn đề thực sự lớn."
Tìm cơ hội phù hợp
Bezos quyết định mình sẽ xây dựng một công ty kinh doanh internet trước tiên thay vì kinh doanh sách. Bezos không đặc biệt thích sách, nhưng theo ông, đó là cách tốt nhất để tận dụng sự phát triển vượt bậc của Internet.
Năm 1994, khi Amazon bắt đầu ra mắt cửa hàng sách online, danh mục sách in sẵn có trên thực tế là vô hạn, với khoảng 3 triệu đầu sách. Với ông, đây là một cơ hội tuyệt vời, vô cùng phù hợp với mô hình trực tuyến.
Lấy khách hàng làm trọng tâm
Trong một cuộc phỏng vấn ở CLB kinh tế của Washington (Econimic Club of Washington), Jeff Bezos đã chia sẻ: "Gia vị bí mật của Amazon thì có rất nhiều – nhưng điều số một đã khiến chúng tôi thành công cho đến nay, là sự tập trung đến ám ảnh vào khách hàng. Đó không phải chỉ là dịch vụ tốt mà thiên nhiều hơn về việc tạo ra một doanh nghiệp mà mọi người không thể sống thiếu nó."
Làm giá trị vượt quá chi phí
Khi mới ra mắt hệ thống bán hàng trực tuyến, việc đặt mua bất cứ thứ gì online là một trải nghiệm khó khăn với cả người mua và người bán. Khi đó, chỉ có khoảng 1/3 số hộ gia đình có máy tính, chưa kể chúng chạy rất chậm và không phải cái nào cũng có thể truy cập Internet.
Vì thế, để có thể thuyết phục ai đó mua hàng trực tuyến, tốt hơn hết bạn nên đưa ra một thứ gì đó tuyệt vời mà khách hàng không thể có được nó ở bất kỳ đâu. Hãy tự đặt câu hỏi là: "Website của bạn có làm cho cuộc sống của khách hàng trở nên dễ dàng hơn hay tốt hơn theo một cách cụ thể nào đó hay không?". Trải nghiệm phải có đủ giá trị vượt qua mọi chi phí, khiến người dùng sẵn sàng bỏ qua trở ngại ban đầu để có thể tiến hành mua hàng.
Theo đuổi khách hàng
Bezos nhận định, ta nên tập trung theo đuổi khách hàng chứ không phải là đối thủ cạnh tranh. Ông từng nói với nhân viên của mình rằng, đừng sợ các đối thủ cạnh tranh bởi họ không phải là người gửi tiền cho ta.
CEO Amazon cho hay: "Thay vào đó hãy tập trung vào khách hàng, hãy sợ khách hàng nếu được, bởi vì đó là những người có tiền và họ sẵn sàng chi trả cho chúng ta. Nói một cách khác, hãy tập trung sự lo lắng của bạn vào nơi nó thực sự quan trọng."
Đầu tư dài hạn
Năm 1997, Amazon mới chỉ là một công ty mới, phục vụ khoảng 1,5 triệu khách hàng. Jeff ý thức được rằng, thu nhập hàng quý không quan trọng lúc này, mà những thứ dài hạn mới là thước đo thành công. Trong một bức thư gửi cổ đông Amazon, vị tỷ phú này đã viết: "Chúng tôi tin rằng thước đo cơ bản cho sự thành công của chúng tôi sẽ là giá trị cổ đông mà chúng tôi tạo ra trong dài hạn. Giá trị này sẽ là kết quả trực tiếp của khả năng mở rộng và củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường hiện tại của chúng tôi."
Có thể nói, dịch vụ có trả phí Prime chính là ví dụ tuyệt vời cho phát ngôn của Bezos. Prime ra mắt vào năm 2005, người mua sẽ trả 79 USD/năm và được giao hàng miễn phí trong 2 ngày. Trong một thời gian dài, Amazon đã tái đầu tư mọi thứ vào hoạt động kinh doanh, ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận. Sau cùng, Prime đã chứng tỏ nó là bước đi đúng đắn của Bezos.
Mô hình "bánh đà"
Mở cửa hàng sách trực tuyến chỉ là điểm khởi đầu, để thu hút nhiều khách hàng hơn, Bezos đã lên kế hoạch lâu dài hơn. Ông muốn Amazon có nhiều sản phẩm hơn để khách hàng lựa chọn, đi kèm đó là giá rẻ và dịch vụ tuyệt vời hơn.
Việc tăng số lượng khách hàng sẽ thu hút người bán từ bên thứ 3 (trung gian) đến với nền tảng nhiều hơn, từ đó làm gia tăng lựa chọn sản phẩm. Điều này tiếp tục khiến Amazon thu hút được nhiều khách hàng hơn, và cứ tiếp tục như vậy.
Amazon càng bán được nhiều sản phẩm thì hệ thống càng trở nên hiệu quả. Kéo theo đó là doanh số bán hàng cao hơn, và các nhà cung cấp sẽ đưa ra mức giá tốt hơn. Đây chính là mô hình "bánh đà" được Amazon áp dụng, giống như Walmart đã từng sử dụng nó trước kia.
Tuyển những người thực sự đam mê
Đam mê là động lực thúc đẩy con người làm việc, khiến họ luôn nỗ lực vươn lên chứ không phải chỉ dậm chân tại chỗ. Làm sao để ta có thể tuyển dụng những người tuyệt vời, giữ chân họ và không để họ rời đi? Bezos chia sẻ: "Hãy trao cho họ, trước hết, là một sứ mệnh lớn lao – một cái gì đó có mục đích thực sự và đầy ý nghĩa."
Bảo vệ văn hóa doanh nghiệp
Một trong những lý do khiến Amazon vẫn thành công như bây giờ, đó là họ luôn bảo vệ văn hóa doanh nghiệp. Dù là một công ty khổng lồ, doanh thu vài ngàn tỷ USD, nhưng ở những khía cạnh chủ chốt, Amazon vẫn vận hành như một start-up.
Bezos từng chia sẻ: "Chúng tôi không bao giờ tuyên bố rằng cách tiếp cận của chúng tôi là đúng – đó là cách của chúng tôi – và trong hai thập kỷ qua, chúng tôi đã thu hút được một nhóm lớn những người có cùng chí hướng. Đồng thời, Amazon vẫn tiếp tục thu hút những người tài năng, những người có thể xây dựng các sản phẩm và dịch vụ có ảnh hưởng to lớn đến thế giới."
Bezos cho rằng, văn hóa doanh nghiệp được tạo ra theo thời gian, bởi con người và các sự kiện - những câu chuyện thành công và thất bại trong quá khứ. Những điều đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thuyết của doanh nghiệp.
Hiểu các quyết định đang đưa ra
Bezos nhận định: "Amazon chia nhỏ các quyết định cần đưa ra thành hai loại. Có những quyết định không thể thay đổi và những quyết định mang lại hậu quả cao; chúng tôi gọi chúng là những cánh cửa một chiều, hay những quyết định Loại 2."
Với quyết định loại 1, ông cho rằng đây là những quyết định có ít hậu quả hơn. Nếu không may chọn sai, ta vẫn có thể quay trở lại. Còn quyết định loại 2, ta nên suy xét kĩ càng, bởi nó sẽ không thể thu hồi được một khi đã đưa ra. Hãy học cách phân biệt hai loại quyết định, và đưa ra quyết định một cách chính xác.
Lắng nghe lời chỉ trích, nhưng đừng quá nhiều
Amazon từng nhiều lần mắc sai lầm, và không ít lần họ vấp phải chỉ trích. Chẳng hạn, khi bị lên án về tỷ lệ trả lương cho các nhân viên kho, Amazon sau đó đã nhanh chóng đặt ra một mức lương mới phù hợp hơn. Bezos nhận định: "Hãy nhìn vào gương và quyết định xem những người chỉ trích bạn có đúng hay không. Nếu họ đúng, hãy thay đổi."
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận