Đang có công việc lương cao, 9x Thái Nguyên quyết "đổi gió" về quê trồng chè nối nghiệp gia đình
Vốn có mức lương cao ở thành phố, 9x Thái Nguyên gặp nhiều biến cố khiến cô đổi ý, bỏ phố về quê trồng chè nối nghiệp gia đình.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình tại quê hương (xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), chị Hoàng Thị Thúy Vân sinh năm 1994 cho biết tuổi thơ của chị ăm ắp kỷ niệm với cây chè, nhưng buồn nhiều hơn vui. Có lần sao chè, vì vội không cuộn tóc, tóc chị bị cuốn chặt vào máy đảo, may mắn hàng xóm chạy đến kịp rút điện, nếu không đầu trụi cả mảng.
Trước những khó khăn, nguy hiểm của nghề làm chè, Thúy Vân tự thề với bản thân, sẽ học giỏi để đổi đời và về chặt hết chè đi. Nỗ lực học tập của cô gái vùng chè được đền đáp. Cô tốt nghiệp đại học ngành sinh học và hào hứng với cuộc sống thành phố. Làm chuyên viên kinh doanh, Vân được nhận biệt danh "thưởng nóng", khi luôn được nhận thưởng nóng nhờ vượt chỉ tiêu công việc. Cô gái trở thành niềm tự hào của bố mẹ nông dân.
Sau 3 năm sống ở Thủ đô với công việc và mức thu nhập nhiều người mong ước, nhưng guồng quay công việc và sự ồn ào của đô thị không phù hợp với cô gái 9x. Cùng với đó, những lần bị ngộ độc thực phẩm khiến Vân trăn trở liệu đây có phải nơi mình nên bám trụ. Sau khi khỏi trận ngộ độc thứ ba, cô xin về quê nghỉ phép. Trở về quê hương, thăm những đồi chè, Vân quyết định quay lại với nghiệp làm chè của gia đình.
Tháng 3/2019, Vân dọn hành lý rời thành phố, nhưng hành trình về quê khởi nghiệp của cô gái trẻ cũng đầy chông gai khi bố mẹ Thúy Vân không khuyên được con nên nổi giận. Thậm chí cả năm đầu, ông bà không nói với con câu nào. Từng gom góp từng cân chè dành dụm nuôi con ăn học, những mong các con được ra ngoài để có cuộc sống đỡ vất vả, bố mẹ Vân rất buồn khi con mình bỏ phố về quê để trồng chè.
Không được canh tác trên đồi chè nhà mình, Vân thuê lại 8 sào chè của người dân trong vùng để thực hiện kế hoạch khởi nghiệp của mình. Cây chè khi đó đang được “ăn” phân hóa học và phun thuốc trừ sâu. Dù chè vẫn cho thu hái nhưng giá bán thấp nên chủ vườn không mặn mà.
Khi bắt đầu, Vân không làm theo hướng thông thường để nhanh chóng thu lợi nhuận mà chọn cách làm khó, khó cho mình và khó cho cả cây chè. Cô để cỏ mọc tự do, rậm quá thì cắt rải xuống ấp gốc chè làm cho đất ẩm, tạo hệ sinh thái tự nhiên cho giun dế, sâu bọ về ở; cũng là thời gian cho đất và cây “xả” hơi hóa học bước vào cuộc sống khác.
Cô cũng trồng xen canh các loại cây để tạo nguồn lực phân bón tại chỗ, ủ đậu tương, hoa quả chín bổ sung dinh dưỡng cho vườn trong thời gian đầu chuyển đổi.
Lứa đầu không phun thuốc hóa học, cả đồi chè mầm vừa nhú đã bị sâu ăn trọc, rệp bám kín, đến lứa chè thứ ba sau 5 tháng lại có hiện tượng cháy lá. Cũng trong khoảng thời gian đầu khởi nghiệp, cứ khi về nhà cô lại phải thay đồ cho tươm tất mới dám gặp bố mẹ vì không muốn họ nhìn thấy bộ dạng lem luốc của mình.
Với cách canh tác khác những người xung quanh như thế, Vân từng bị coi như một nhân vật “kỳ dị”. Cô kể, khi bắt đầu nghiệp làm chè khác lạ của mình, cứ mỗi lần ra đường,những người xung quanh đều nhìn cô với ánh mắt và thái độ cười cợt, như thể muốn nói “để xem con bé này sẽ làm được gì”. Thậm chí nhiều người thấy cô để cỏ mọc tốt hơn chè mà không nhổ, không phun thuốc trừ sâu thì bảo "bị điên".
Gạt đi những nghi ngại và những lời chế giễu, cô tích cực tham gia các khóa đào tạo về khởi nghiệp, các lớp học chuyên môn về trồng chè, đọc sách và nghiên cứu trên Internet để tìm giải pháp cho mình.
Giữa năm 2020, phương pháp gây cỏ của Vân bắt đầu phát huy tác dụng. Búp chè trong vườn của cô vẫn tươi tốt, cứng cáp dẫu phải hứng chịu nắng hè gay gắt, trong khi búp chè của những vườn khác bị héo rũ. Những người dân xung quanh dần thay đổi cách nhìn và tìm đến cô để học hỏi phương pháp trồng.
Để giữ được trọn vẹn hương vị tự nhiên truyền thống, quy trình sao sấy của cô đều được làm thủ công, sử dụng 100% bằng củi lửa. Không những thế, Vân còn quyết bảo tồn những cây chè cổ, bảo tồn giống chè trung du để lưu giữ hương vị truyền thống.
Để đưa sản phẩm của mình đến những người có chung đam mê, Thúy Vân thường xuyên chia sẻ về quá trình trồng chè, làm trà trên mạng xã hội. Ngày càng có nhiều khách hàng biết đến.
Trên con đường của mình, Vân cho biết có nhiều anh chị em, bạn bè cùng chí hướng đã giúp đỡ cô rất nhiều. Lúc này, khi thấy được quyết tâm cũng như hiệu quả việc Vân làm, bố mẹ đã cho một mảnh đất để cô sửa sang thành nhà xưởng cũng như tạo điều kiện lắp đặt thêm trang thiết bị.
Có khách hàng, có người đồng hành, Vân có thêm động lực. Cô thiết kế lại bao bì sản phẩm, đi gom rơm phơi khô gói trà để vận chuyển đi xa đỡ dập nát, thân thiện với môi trường. Tất cả với một triết lý là cố gắng giữ được nét cổ xưa truyền thống và sự an lành cho tất cả.
Tháng 6/2021, sản phẩm của cô được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO. Nhiều khách ở phố tìm đến vườn của Vân để trải nghiệm. Xưởng trà của cô gái 9X cũng là một trong tám đơn vị nhận quỹ học bổng 2021 của Wise (Sáng kiến hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh). Đặc biệt, áp dụng mô hình nông nghiệp trải nghiệm, Vân cùng các thành viên trong xưởng đã có dịp tiếp đón nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về phương pháp canh tác tại vườn chè.
Với gần 3 ha chè, hiện mỗi tháng Vân xuất ra thị trường hơn 2 tạ trà búp khô. Sản phẩm đã có mặt trên kệ của một số siêu thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và đã được gửi sang Pháp, Mỹ để chào hàng. Có giá bán từ 600 ngàn đồng cho một kg trà búp khô, trà của cô gái trẻ 9x hiện rất được lòng khách sành trà ở khắp nơi trên cả nước.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm khác của cô như Hồng trà, bột trà matcha, trà thảo mộc cũng bắt đầu có mặt trên thị trường. Giá trị kinh tế đem lại cho người sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác cũng cao hơn cách làm thông thường.
Không chỉ canh tác vườn riêng của mình, Vân đang tích cực mở rộng diện tích vườn chè sạch bằng việc liên kết sản xuất với những người dân địa phương. Dù tự mở đường đi theo lối riêng nhưng Vân tự tin vào hành trình của mình, bởi các thành viên trong nhóm đoàn kết, chung chí hướng, tâm huyết và “trong máu đã có chè”. Vân bày tỏ: "Tôi không mong gì hơn ngoài việc có thể mang đến những sản phẩm lành - sạch cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như góp phần giúp bà con tại địa phương có cái nhìn khác về cách làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ".
Theo Vietnamdaily
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận