Sói già Phố Wal "hàng thật giá thật" Jordan Belfort tiết lộ 3 bí quyết giúp ông làm lại cuộc đời
Từ một cựu nhân viên môi giới "vào tù ra tội" vì gian lận chứng khoán, Sói già Phố Wall Jordan Belfort đã làm lại cuộc đời và một lần nữa thành công rực rỡ.
Sói già phố Wall lũng đoạn thị trường tài chính
Jordan Belfort không phải là mọt cái tên xa lạ, mà chính là "Sói già phố Wall" đã một tay làm lũng đoạn giới tài chính Mỹ những năm 1990. Năm 2013, bộ phim The Wolf of Wall Street - Sói già phố Wall của đạo diễn Martin Scorsese được công chiếu, đã hé lộ những bí mật điên rồ và khốc liệt của ngành tài chính. Những thước phim ấy không phải là sản phẩm sáng tạo, mà chính là câu chuyện về cuộc đời của Jordan Belfort.
Jordan Belfort là người sáng lập công ty Startton Oakmont, ban đầu vận hành chỉ với 13 nhân viên. Thế nhưng, kịch bản bán hàng hoàn hảo do ông nghĩ ra đã giúp công ty này phát triển nhanh chóng. Belfort đã vận dụng nhiều mánh khóe "lừa đảo", luồn lách qua các kẽ hở luật pháp để sinh lời. Đặc biệt, trong đó phải kể đến phương thức "pump and dump" (bơm và bãi cổ phiếu), khiến những cổ phiếu penny (còn có thể hiểu là cổ phiếu trà đá) dần được bán với giá ngất ngưởng.
Cũng từ đó, biệt danh "Sói già phố Wall" ra đời", và quả thực kịch bản của Jordan Belfort đã thành công rực rỡ. Đã có lúc Jordan kiếm về 1 triệu USD/tuần, thậm chí có lúc lên tới 12,5 triệu USD chỉ sau 3 phút giao dịch. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty Startton Oakmont có quy mô lên tới 1.000 nhân viên môi giới chứng khoán, liên tục giám sát các khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Cú ngã ngựa khiến "sói già" vào tù ra tội
Vào năm 1992, "Sói già phố Wall" bắt đầu ngã ngựa khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phát hiện ra cách hoạt động "mờ ám" của Stratton Oakmont. SEC cáo buộc công ty này kinh doanh chứng khoán mờ ám, lừa dối các nhà đầu tư và thao túng giá cổ phiếu.
Chưa dừng lại ở đó, Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán quốc gia (NASD) tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động pháp lý với công ty của Belfort. Năm 1996, Stratton Oakmont chính thức đóng cửa. 3 năm sau, Belfort cùng cộng sự Danny Porush đã bị truy tố về tội gian lận chứng khoán và rửa tiền.
Belfort nhận tội và bị kết án 4 năm tù, sau đó đã hợp tác với chính quyền nhằm rút ngắn thời gian đi tù. Sau cùng, ông phải đi tù 22 tháng, nộp bồi thường số tiền 110 triệu USD. Belfort chia sẻ: "Tôi mất hết tiền, mất tự do, và đôi khi tôi tưởng như mất luôn hai đứa con của mình... Cuộc đời tôi dường như đã chạm tới đáy".
3 bí quyết giúp Belfort làm lại cuộc đời
Sau khi ra tù, Jordan Belfort tự khẳng định mình đã thay đổi. Ông xuất bản 2 cuốn tự truyện The Wolf of Wall Street (Sói già Phố Wall) và Catching the Wolf of Wall Street (Tóm gọn Sói già Phố Wall). Hiện nay, ông là một trong những diễn giả danh giá, là CEO của một công ty cung cấp các buổi tập huấn, diễn thuyết về doanh nghiệp, nhân sự,...
Ông cho biết: "Tôi là một con sói nay đã trở thành một người nhân từ hơn". Trong một cuộc phỏng vấn, Belfort đã chia sẻ bí quyết giúp ông làm lại cuộc đời. Ông đã có động lực và tích cực thay đổi nhờ 3 điều sau:
Có tầm nhìn cụ thể
Jordan Belfort chia sẻ: "Bạn buộc phải có tầm nhìn cho tương lai của mình – một tầm nhìn có thể truyền cảm hứng cho bản thân. Vì thế, khi nghĩ về tầm nhìn này, nó sẽ thôi thúc bạn rời khỏi giường mỗi sáng để tạo nên cuộc sống thực sự tốt hơn rất nhiều so với hiện tại".
Tầm nhìn của Belfort xoay quanh hai đứa con của mình. Khi còn ở trong tù, ông đã tự hứa với bản thân mỗi ngày rằng mình sẽ làm mọi thứ để sửa sai. Ông sẽ tìm mọi cách để chứng tỏ với con mình rằng ông không phải là người thất bại.
Quả thực, sau khi ra tù, Belfort đã tìm cách thay đổi bản thân. Ông dành nhiều thời gian tư vấn và truyền cảm hứng cho người khác. Theo Bloomberg, Belfort nhận được khoảng 30.000 USD cho mỗi bài phát biểu, chưa kể tiền bản quyền từ hai cuốn sách và bộ phim đình đám.
Chiến lược cụ thể
Theo Belfort, muốn thành công thì ta cần có một chiến lược cụ thể, trong khi rất nhiều người thường bỏ qua bước này. Ông nói: "Bạn cần có một chiến lược hoặc một kế hoạch cho phép bạn đạt được tầm nhìn đề ra".
Năm 1978, Belfort cùng bạn bè du lịch ở một bãi biển tại New York trong thời tiết mùa hè nóng nực. Ông nhận ra rằng mình cảm thấy mệt mỏi khi nghe những người bạn cứ than thở về việc phải đi bộ nửa dặm mới tới quầy bán đồ ăn. Vì vậy, sáng hôm sau, ông đi dạo quanh và tìm thấy một cửa hàng bán kem. Belfort liền chi tiền mua một thùng chứa đầy kem - chỉ tốn khoảng 22 USD và chất lên chiếc xe cũ kĩ của mình.
Ông lái xe đến bãi biển, sau đó dừng xe và bắt đầu rao bán số kem mát lạnh mình có. Belfort nhớ lại: "Chỉ trong vòng 1 giờ, tôi đã bán hết số kem của mình với 125 USD, và kiếm được 100 USD chỉ trong 1 giờ đồng hồ. Lúc đó, lương tối thiểu chỉ là 1.2 USD/giờ. Tôi gần như kiếm được nhiều tiền hơn ba mẹ".
Ngày hôm sau, ông trở lại bãi biển với 4 thùng kem mát lạnh, và thu về 500 USD. Thấy công việc kiếm ổn, Belfort đã mách nước cho những người bạn của mình, và họ đã cùng ông bán kem.
Tiêu chuẩn cá nhân
Có 5 người bạn cùng bán kem với Jordan, nhưng ông nhận ra rằng chỉ có 1 người có thể kiếm hơn 100 USD/ngày. Thì ra, 4/5 người đã ngừng bán sau khi hết sạch kem ở một thùng, chỉ có duy nhất một người đứng bán tới 4 thùng kem. Belfort cho hay: "Giờ đến yếu tố cuối cùng: Đó là tiêu chuẩn của bạn".
Chắc hẳn chúng ta đều có một ý tưởng độc đáo, một tầm nhìn táo bạo nào đó. Thế nhưng, ta lại có một tiêu chuẩn quá thấp và rất dễ hài lòng. Theo "Sói già phố Wall", đây là tầm nhìn "rượu champagne" (sâm-panh) nhưng tiêu chuẩn lại chỉ là "bia hơi". Cũng có người thì lại làm việc chăm chỉ, nhưng không có tầm nhìn sáng tạo. Belfort cho biết: "Bạn phải có sự phù hợp giữa tiêu chuẩn và tầm nhìn đề ra".
(Theo CNBC, Arabian Business, Investopedia,...)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận