Chàng trai khiến triệu người rơi lệ với bài phát biểu về bố mẹ không biết chữ
Trong lễ tốt nghiệp, Ngô Văn Tân (2003, Thanh Hóa) đã khiến mọi người dưới khán đài không kìm được nước mắt với bài phát biểu tri ân bố mẹ, những người không biết chữ đã nuôi lớn ước mơ giảng đường của cậu.
Tân là sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Vào ngày 10/5, em được làm đại diện cho các sinh viên lên phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp. Khi biết bố mẹ được mời làm phụ huynh danh dự, Tân đã quyết định thay đổi nội dung bài phát biểu vào phút chót.
Đứng trên sân khấu, trước thầy cô và bạn bè, Tân kể về tuổi thơ của mình ở làng quê ven biển Thanh Hóa. Bố Tân là công nhân, từng đi biển dài ngày, nay đang làm việc ở Hà Nam. Còn mẹ Tân bán hoa quả ở chợ. Cả hai người đều không đọc thông viết thạo.

"Em sinh ra ở một làng quê ven biển tỉnh Thanh Hóa. Bố mẹ em không có điều kiện được đi học nhưng em nghĩ, nếu bố mẹ được đi học thì cũng sẽ là sinh viên xuất sắc vì họ đã đào tạo nên một sinh viên xuất sắc... Bố mẹ em luôn tin học tập là con đường duy nhất để em thay đổi cuộc đời. Những đồng tiền của bố mẹ không chỉ nuôi lớn em mà còn nuôi lớn khát vọng vươn lên. Em nhận tấm bằng xuất sắc hôm nay không chỉ nhờ nỗ lực cá nhân mà còn bởi sự hy sinh âm thầm, bền bỉ của bố mẹ, những người chưa từng đặt chân vào giảng đường nhưng lại là những người thầy vĩ đại nhất cuộc đời em", Tân nói.
Bài phát biểu ngẫu hứng của Tân đã khiến cả hội trường xúc động và đoạn video quay lại cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Tân là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em. Tuổi thơ cậu gắn liền với những ngày thức khuya, dậy sớm của mẹ. Trong lúc đàn con thơ say giấc, mẹ lại lục đục dậy từ 2 giờ sáng, chạy xe 20km lên thành phố để lấy hàng. Không biết chữ, mỗi lần có người ghi nợ bà lại về nhờ các con viết giúp.

Từ nhỏ, Tân đã nổi bật với khả năng tính toán và ham học. Cậu liên tục đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Lên cấp hai, Tân thi đỗ vào trường chuyên cách nhà 15km. Trường xa, ngày nào Tân cũng dậy từ 5 giờ sáng để đi xe điện ra quốc lộ rồi bắt xe buýt đến trường.
Có lần mưa lớn, cô Nguyễn Thị Hồng (giáo viên cấp 1 của Tân) gặp cậu học trò cũ mặc chiếc áo mưa rách, chạy xe điện từ trường về nhà. "Hình ảnh đó khắc sâu trong tâm trí tôi. Thương học trò nhưng tôi tin đó cũng là động lực để em nỗ lực vươn lên", cô Hồng nói. Cô cho biết 30 năm công tác, gặp nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, nhưng lần đầu gặp người quyết tâm khẳng định bản thân từ bé như Tân.
Lên cấp 3, Tân thi đỗ vào trường chuyên Lam Sơn, giành học bổng, đạt giải Khuyến khích rồi giải Nhì Toán quốc gia. "Bố mẹ luôn cố gắng cho em ăn học nên em không có lý do để lười biếng cả", Tân nói.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Tân liên tục giành học bổng nhưng vẫn tranh thủ thời gian đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

Đầu tháng 5, bố mẹ Tân bất ngờ khi biết con trai tốt nghiệp sớm một kỳ với hạng xuất sắc với số điểm trung bình 3.69/4.0. Và càng hạnh phúc hơn khi họ được mời đến tham dự lễ tốt nghiệp của con trai.
Bên cạnh nỗ lực khẳng định bản thân, Tân cũng ra sức khuyến khích mẹ học chữ. Mỗi lần về nhà, cậu đều mang sách tiếng Việt lớp 1 giục mẹ học để "ai nợ còn ghi". Bà Phạm Thị Thanh (mẹ Tân) đã thuộc hết chữ cái nhưng đến khi ghép vần lại bối rối. Thấy vậy, Tân lại động viên mẹ: "Mẹ cứ nghĩ như tập đi xe đạp. Lúc đầu khó, nhưng quen rồi sẽ thấy dễ". Đến nay, bà Thanh có thể viết tên mình và vài cái tên khác.
Tháng 9/2024, Tân bắt đầu làm việc tại một công ty công nghệ thông tin ở Hà Nội. Mục tiêu trước mắt của chàng trai trẻ là giúp bố mẹ thoát nghèo. Nhưng đó không phải là tất cả, Tân vẫn còn mơ ước xa hơn. "Tôi muốn xin học bổng du học, đến những nước phát triển như Mỹ để học hỏi, sau này quay về đóng góp cho đất nước", Tân nói.
Tân cho biết chưa từng tự ti vì bố mẹ không biết chữ. Ngược lại, cậu xem đó là động lực để nỗ lực mỗi ngày và luôn tự hào vì có hai tấm gương nghị lực luôn cạnh mình.
Xem thêm: Học sinh Việt Nam xuất sắc giành huy chương vàng tại "kỳ thi Hóa học khó nhất hành tinh”
Tin liên quan
TikToker Tina Thảo Thi nổi lên như một hiện tượng “siêu cấp đáng yêu” khi tạo dựng được “vũ trụ” content sạch. Không chạy theo những trend nóng, Tina chọn cho mình một lối đi riêng, từ những video truyền động lực với câu khẩu hiệu “Peek A Boo” cho đến series “góp điều nhỏ bé” đều ghi điểm tuyệt đối với sự gần gũi, ấm áp. Bằng sự tử tế bình dị, sự sáng tạo và năng lượng tích cực, Tina không chỉ “chữa lành” những mảnh đời khó khăn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng.
Trong thế giới mạng xã hội đầy ồn ào và cạnh tranh, TikToker Quan không gờ lại âm thầm xây dựng hành trình riêng, không kèn không trống, nhưng đủ lay động triệu con tim. Anh không cố "làm nội dung" mà chỉ ghi lại hành trình tận tay trao quà, lắng nghe và sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn. Sự giản dị, không dàn dựng ấy khiến người xem cảm nhận rõ một điều: đây là từ thiện thật, tử tế thật!
Tại chương trình “Bữa cơm yêu thương”, NSƯT Đức Lưu chia sẻ: “Tôi nghĩ làm từ thiện không phụ thuộc vào giàu nghèo mà chỉ cần một trái tim biết yêu thương con người”.
Bài mới

Đến với TikTok, người ta dễ bị thu hút bởi những video ồn ào, xu hướng “giật gân”, trào lưu nhất thời. Nhưng giữa những ồn ã, xô bồ ấy lại có một chàng trai trẻ âm thầm dùng ẩm thực và lòng tử tế để kết nối những trái tim yêu thương - TikToker Vĩnh Thích Ăn Ngon. Anh không chỉ review đồ ăn mà còn lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bên lề cuộc sống. Và hành trình ấy, bất ngờ thay, lại truyền cảm hứng sâu sắc đến hàng triệu người.

Giữa muôn vàn nội dung giải trí trên TikTok có một người phụ nữ chậm rãi, an nhiên kể về cuộc sống đời thường ở quê, về buôn làng, về những mảnh đời và về vùng đất cô đi qua. Không giật tít, không kịch tính, những video của TikToker An Đen vẫn khiến hàng triệu người xúc động, bởi chúng được kể bằng một trái tim rất thật.