Chân dung lão nông miền Tây sản xuất giỏi, vận động được 30 tỷ xây cầu
Lão nông "Hai Lúa" chất phác, giàu lòng thương người vừa được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Một ngày giữa tháng 8, trời vừa tờ mờ sáng, ông Nguyễn Văn Bé Hai (67 tuổi, ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) chạy xe máy khoảng 15km đến xã An Khánh để khởi công xây dựng cầu Mương Dâu, dài 22m, ngang 2,7m, tổng kinh phí 600 triệu đồng. Trong đó, chính quyền địa phương hỗ trợ 300 triệu, phần còn lại do ông Bé Hai bỏ tiền túi và vận động mọi người đóng góp.
Ông Bé Hai được mọi người gọi là "Hai Lúa" vì sự chất phác, thật thà, có lòng thương người. Ông là người tự bỏ tiền túi và vận động được hàng tỷ đồng để xây dựng cầu, làm bếp ăn từ thiện, phát gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Nông dân sản xuất giỏi
Ông Hai sinh ra trong gia đình làm nông ở huyện Châu Thành. Lớn lên cưới vợ lập gia đình riêng, ông Hai được cha mẹ cho 10 công ruộng (10.000m2).
Với niềm đam mê với nông nghiệp và khát khao làm giàu trên cánh đồng quê nhà, vợ chồng ông Hai chăm chỉ làm lúa, nhà ông dần khá giả. “Hồi đó làm lúa cực khổ lắm, toàn cấy, gặt lúa bằng tay chứ đâu như bây giờ làm gì cũng có máy móc. Lúc đó, bán lúa được nhiêu là vợ chồng tôi tích cóp lại, hễ thấy ai bán đất là đến mua liền. Mua để dành cho con cháu”, ông Hai cười và đến nay lão nông này đã sở hữu 9ha đất.
Nhiều năm làm ruộng, ông Hai am hiểu từng chu kỳ phát triển của cây lúa. Đặc biệt, ông luôn ấp ủ sẽ mày mò tìm ra giống lúa mới để trồng và bán cho mọi người.

“Hồi đó, tôi khao khát sẽ tạo ra một cánh đồng mà mọi người đồng loạt sạ cùng một giống lúa để ít sâu bệnh, thu hoạch cùng lúc, bán được giá. Tôi trình bày ý tưởng làm lúa giống với ngành nông nghiệp tỉnh và bất ngờ là họ đồng ý giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật. Sau đó, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sang tiếp tục trao đổi, hướng dẫn thêm về kỹ thuật làm lúa giống”, ông nhớ lại.
Năm 1990, ông Hai bắt đầu sản xuất lúa giống. Giống đầu tiên ông làm là IR 50404.
“Giống lúa IR 50404 làm trúng lắm, nhưng bán thì giá thấp. Nên sau đó tôi chuyển sang sản xuất giống IR 64 – lúa này trồng trúng, giá cao, nhưng là giống lúa dài ngày (100 ngày). Thời điểm đó sản xuất lúa giống lợi nhuận cao lắm, gấp đôi lúa thương phẩm”, ông Hai nói và cho biết, cũng nhờ sản xuất lúa giống mà vợ chồng ông nuôi con ăn học thành tài, có tiền tích cóp.
Hiện trong 9ha đất, ông dành 6ha để trồng lúa, phần còn lại để trồng mít. Mỗi năm trừ hết chi phí thu về khoảng 600 triệu đồng. Ông cũng phổ biến nhiều kinh nghiệm hay của gia đình mình để bà con vươn lên thoát nghèo. Ông vừa được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Vận động 30 tỷ đồng xây hơn 265 cây cầu
Nhờ cơ nghiệp vững chãi, ông Hai “mạnh tay” làm từ thiện. Năm 2000, trận lũ lịch sử đã tàn phá nhiều nhà cửa, đường xá ở Đồng Tháp. “Nước lũ cuốn trôi gần như mọi thứ. Không có cầu, giao thương cách trở khiến cho cuộc sống khó khăn lắm” ông Hai nhớ lại.
Thấy người dân cơ cực, đi lại khó khăn, ông Hai quyết tâm nghĩ cách giúp bà con. Ban đầu thấy chính quyền địa phương sửa chữa cây cầu nào ông Hai cũng tự giác đến phụ giúp. Ông còn vận động mọi người xung quanh chung tay với chính quyền sửa chữa cầu. “Lúc đó, chỉ là vác cây gỗ, tre sửa lại những cây cầu khỉ. Tiếp đến là làm, chữa những cây cầu ván. Bán lúa được 50 triệu đồng thì tôi trích ra 10 triệu để mua cây gỗ xây, sửa cầu cho mọi người đi. Cầu ván làm được ít năm là hư hỏng”, ông Hai nói.

Không nản lòng, ông Hai quyết định phải làm cầu bê tông kiên cố. Ông bắt đầu tính toán kinh phí xây cầu, rồi đi vận động mọi người đóng góp. Có kinh phí ông tập hợp mọi người xung quanh lại xây cầu. “Ban đầu chỉ xây dựng cầu bê tông nhỏ, tải trọng 1 tấn, đủ để xe máy qua sông”, ông nói.
Thấy cầu nhỏ, các phương tiện di chuyển khó khăn, năm 2013, ông Hai chạy xe máy thẳng lên Sở GTVT Đồng Tháp gặp giám đốc trình bày “tôi là nông dân, đang xây cầu miễn phí cho người dân, nhưng không biết kỹ thuật làm thế nào để xây cầu thật kiên cố, an toàn, ô tô có thể chạy ngang được”.
‘Nghe tôi trình bày xong, ông giám đốc sở nói sẽ cho cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế cầu. Từ đó đến nay, cầu tôi xây đều có tải trọng 2 - 5 tấn”, ông Hai nói và cho biết, kinh phí mỗi cây cầu từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
“Cầu Ông Kiết vừa mới xây xong, dài 40m, ngang 4m, tải trọng 5 tấn, có tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng. Trong đó, có tiền đóng góp của mọi người do tôi vận động”, ông Hai cười nói. Trước khi bắt tay xây cầu, ông Hai thường “ngồi lại” với chính quyền địa phương để thống nhất phương án, kinh phí xây cầu. “Chính quyền địa phương đóng góp 50% kinh phí; số còn lại tôi sẽ đi vận động mọi người. Vận động không được thì tôi bỏ tiền túi. Mà cây cầu nào tôi cũng bỏ tiền túi mình vào”, ông Hai nói.
Ông Hai không đi xây cầu từ thiện một mình, mà người đàn ông này thành lập “Đội xây cầu ông Hai Lúa" với 15 thành viên, trong đó có 4 người là kỹ sư. Đội xây cầu từ thiện này lúc nào cũng hối hả, người vác xi măng, cát, đá, người trộn bê tông… không một ai than mệt dù đang làm giữa trời nắng như đổ lửa của những ngày hè.
Nhấp một ngụm nước, ông Bé Hai kể, lúc đầu đi vận động tiền xây cầu rất khó khăn. “Khi đem ý định vận động xây cầu miễn phí, có người bảo tôi điên. Họ nói tôi nông dân, biết xây dựng cầu đâu mà đi vận động tiền xây cầu. Nghe vậy, tôi chỉ cười rồi mời họ đến xem những cây cầu trước đó tôi làm. Xem xong họ cười rồi đồng ý ủng hộ”, ông nói.

Ông Bé Hai tâm sự thêm: “Tôi tìm đến từng người mình quen rồi nói chuyện với họ về việc khó khăn của người dân khi không có cầu. Từ đó mọi người, nhất là người thân trong gia đình tôi đang sống ở Úc đã đóng góp, hỗ trợ để xây cầu. Rồi những người đó lại giới thiệu các nhà hảo tâm khác đóng góp. Con gái tôi kinh doanh bất động sản ở TP.HCM cũng thường xuyên đóng góp để tôi xây cầu. Từ đầu năm đến nay nó đã ủng hộ hơn 1 tỷ đồng rồi”, ông Hai nói.
Ông Bé Hai không nhớ gia đình đã bỏ ra bao nhiêu tiền để làm từ thiện. "Mình làm vì nghĩ nhiều người cần, không để kể công với ai", ông cười nói.
Đến nay ông Hai đã vận động và đóng góp được khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng được 267 cây cầu ở nhiều tỉnh như: Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu… Trong đó, gia đình ông đã đóng góp hàng tỷ đồng.
Ông còn cùng các mạnh thường quân tổ chức đưa hơn 10.000 bệnh nhân nghèo bị bệnh đục thủy tinh thể lên TP.HCM mổ mắt miễn phí. Ông vận động và tự đóng góp hàng tỷ đồng vào 5 bếp ăn từ thiện ở 5 bệnh viện tại Đồng Tháp, Tiền Giang, trong nhiều năm qua. Mỗi dịp Tết, ông hỗ trợ quà cho người nghèo tại địa phương.
Tiếng lành đồn xa, bây giờ, người dân khắp các tỉnh ở miền Tây gọi điện đặt hàng ông Hai đến xây cầu miễn phí. "Nơi nào khó khăn, tôi đi vận động kinh phí về xây cầu cho mọi người đi lại dễ dàng”, ông tâm sự.
Hơn 20 năm làm việc thiện, ông Hai nói: “Tôi vui nhất là không chỉ xây nhịp cầu ngoài đời thực, mà còn kết nối những tấm lòng mạnh thường quân lại với nhau thành “nhịp cầu thiện nguyện” để giúp đời”.
Tấm lòng, công sức của ông Bé Hai đã được biểu dương, ghi nhận từ cấp địa phương tới Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai từng vinh dự được Thủ tướng tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Bộ GTVT trao tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển giao thông vận tải tại địa phương; tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam.
Ông Hai cũng nhiều lần được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong đóng góp xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, nhà tình thương trên địa bàn tỉnh…
Xem thêm: Lão nông An Giang chi tiền tỷ xây cầu, giúp dân nghèo và hiến đất xây trường
Đọc thêm
Nhiều năm nay, vợ chồng ông Mai Văn Phấn (Năm Phấn) ăn ngủ với cây thuốc nam, giúp nhiều người bệnh ở miền Tây được chữa bệnh miễn phí.
"Cuộc sống này giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ. Ngày nào làm được việc gì thiện, việc gì lành, dù nhỏ là tui thấy khỏe trong người", ông Hai Mum tâm sự.
Không chỉ cho đất để người ta xây nhà, ông Quảng còn hiến đất làm nhà văn hóa, làm đường giao thông. Ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn cần mẫn làm đồng...
Bài mới

Trong suốt cuộc đời cống hiến vì dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ coi sinh nhật của mình là một dịp đặc biệt. Thế nhưng, với đồng bào và đồng chí, ngày 19/5 hằng năm luôn là thời khắc thiêng liêng – không chỉ để bày tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại, mà còn là dịp để mỗi người tự soi chiếu bản thân qua tấm gương đạo đức sáng ngời, lối sống giản dị và trái tim bao dung, trọn vẹn vì nước, vì dân của Bác.

Jenny Huỳnh là một trong những Gen Z sở hữu chuỗi thành tích “khủng”, không chỉ là nhà sáng tạo nội dung nổi bật nhất tại Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ mà cô nàng còn được vinh danh trong danh sách "30 Under 30 Asia" của Forbes – một cột mốc khẳng định tài năng, bản lĩnh và sức ảnh hưởng của Jenny trên phạm vi châu lục.

TikToker Tina Thảo Thi nổi lên như một hiện tượng “siêu cấp đáng yêu” khi tạo dựng được “vũ trụ” content sạch. Không chạy theo những trend nóng, Tina chọn cho mình một lối đi riêng, từ những video truyền động lực với câu khẩu hiệu “Peek A Boo” cho đến series “góp điều nhỏ bé” đều ghi điểm tuyệt đối với sự gần gũi, ấm áp. Bằng sự tử tế bình dị, sự sáng tạo và năng lượng tích cực, Tina không chỉ “chữa lành” những mảnh đời khó khăn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng.

Trong thế giới mạng xã hội đầy ồn ào và cạnh tranh, TikToker Quan không gờ lại âm thầm xây dựng hành trình riêng, không kèn không trống, nhưng đủ lay động triệu con tim. Anh không cố "làm nội dung" mà chỉ ghi lại hành trình tận tay trao quà, lắng nghe và sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn. Sự giản dị, không dàn dựng ấy khiến người xem cảm nhận rõ một điều: đây là từ thiện thật, tử tế thật!

Đến với TikTok, người ta dễ bị thu hút bởi những video ồn ào, xu hướng “giật gân”, trào lưu nhất thời. Nhưng giữa những ồn ã, xô bồ ấy lại có một chàng trai trẻ âm thầm dùng ẩm thực và lòng tử tế để kết nối những trái tim yêu thương - TikToker Vĩnh Thích Ăn Ngon. Anh không chỉ review đồ ăn mà còn lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bên lề cuộc sống. Và hành trình ấy, bất ngờ thay, lại truyền cảm hứng sâu sắc đến hàng triệu người.

Giữa muôn vàn nội dung giải trí trên TikTok có một người phụ nữ chậm rãi, an nhiên kể về cuộc sống đời thường ở quê, về buôn làng, về những mảnh đời và về vùng đất cô đi qua. Không giật tít, không kịch tính, những video của TikToker An Đen vẫn khiến hàng triệu người xúc động, bởi chúng được kể bằng một trái tim rất thật.