Chân dung cụ bà gần một thập kỷ ăn cơm trắng, chừa thịt cá làm điều cảm động
Gần 10 năm nay, bà Mai chỉ dám ăn cơm trắng chan canh và để dành thịt cá cho đàn mèo hoang ở Thảo Cầm Viên.

Xưng bà, gọi mèo hoang là cháu
10h30, bà Hồng Tuyết Mai (71 tuổi, quận 1, TP.HCM) cất tiếng gọi: “Đen ơi, Mi ơi ra ăn cơm cho nội còn đi bán nè. Ngoan đi mấy đứa. Meo meo…!”. Vừa gọi, bà vừa cầm theo túi thức ăn, bình nước lọc rồi len lỏi giữa những hàng xe máy trong bãi giữ xe của Thảo Cầm Viên (quận 1, TP.HCM).
Tiếng gọi khiến khách đến tham quan sở thú lầm tưởng bà đang gọi những đứa cháu nhỏ của mình. Khi thấy bà đổ thức ăn, nước lọc vào các chén nhựa rồi đặt xuống đất, mọi người mới ngỡ ngàng.
Hóa ra bà Mai đưa cơm, nước đến cho đàn mèo hoang sống lang thang trong khuôn viên bãi xe của sở thú ăn. Bà đã làm công việc không công này gần 10 năm nay.

Bà kể: “Cách đây gần chục năm, trong lúc đang ngồi ăn cơm, tôi thấy một con mèo hoang cứ đứng từ xa nhìn mình. Vẻ mặt, ánh mắt nó lúc đó thấy thương lắm.
Tôi biết nó đói. Nó đứng nhìn tôi như thể chờ đợi xem tôi có rơi vãi gì không để đến nhặt nhạnh, kiếm ăn. Thế là tôi chia nửa phần cơm đang ăn cho nó. Từ đó, cứ đến giờ ăn cơm, tôi lại chia cho nó một phần”.
Sau lần ấy, bà Mai quyết định tình nguyện chăm sóc tất cả những con mèo hoang mình bắt gặp trong khuôn viên bãi giữ xe của sở thú. Mỗi ngày, bà bỏ tiền mua gạo, cá, thịt về nấu rồi mang từ nhà đến sở thú, nơi bà ngồi bán đồ chơi trẻ em cho mèo ăn.
Khoảng 10h30, bà bắt đầu chia thức ăn, nước lọc vào từng chén nhựa nhỏ. Sau đó, bà đặt các chén thức ăn này ở những vị trí đàn mèo thường xuyên xuất hiện. 16h, bà lại đến kiểm tra và thay thức ăn, nước uống mới.
Lâu dần, đàn mèo trở nên dạn dĩ, thân thiện với bà. Sau này, chỉ cần bà xuất hiện, gọi to, chúng liền chạy ra từ những bụi cây, đợi được cho ăn. Lúc này, bà có thể vuốt ve, chơi đùa với chúng như thú cưng.

Khi đàn mèo trở nên thân thiện, bà đặt tên cho từng con theo màu sắc, dáng đi của chúng. Từ đó, những cái tên Mi, Mướp, Đen, Nâu, Xám… ra đời. Đến giờ cho ăn, bà chỉ cần gọi tên là đàn mèo lại xuất hiện, quấn quýt dưới chân.
Mỗi ngày, đàn mèo hoang ăn khoảng 700g hạt cùng cơm trộn cá. Những con mèo đang mang thai, nuôi con, bà Mai ưu ái cho chúng ăn thêm một cây xúc xích.
Hiện nay, khu vực đàn mèo thường xuyên xuất hiện đang có công trình xây dựng, tu bổ. Sự xuất hiện của thợ xây cùng những tiếng động lớn khiến chúng sợ hãi, không còn dạn dĩ như trước.
Mỗi lần cho ăn, bà phải đi lòng vòng trong bãi xe gọi tên rồi đặt các chén thức ăn ở nơi chúng cảm thấy an toàn. Sau đó, bà rời đi hoặc đứng gần đó quan sát. Đối với những con mèo dạn dĩ, bà ngồi gần vuốt ve và nói chuyện với chúng.
Chỉ ăn cơm trắng, dành thịt cá cho mèo
Bà Mai nói chuyện với đàn mèo hệt như đang trò chuyện với những đứa cháu nhỏ của mình. Bà xưng nội, gọi chúng là con. Bà hết khuyên chúng đừng đi lang thang quá xa dễ bị đánh bẫy lại mắng yêu "không chịu ăn uống cẩn thận để bị bệnh, gầy ốm, sữa đâu mà nuôi con".
Không chỉ cho ăn, bà Mai còn kiểm tra tình trạng sức khỏe của từng con mèo. Khi phát hiện mèo có bệnh, bà tự tay ôm chúng đến thú y theo dõi, trị bệnh. Sau gần 10 năm chăm sóc, đến nay bà có thể tự mua thuốc, điều trị một số bệnh thường gặp cho đàn mèo.

Kinh phí chăm sóc đàn mèo hoang bà đều trông chờ vào số tiền bán đồ chơi trẻ em trước cổng Thảo Cầm Viên. Những hôm bán đắt hàng, bà có thêm tiền mua hạt, cá tươi về chế biến thức ăn cho đàn mèo.
Những hôm vắng khách, thiếu tiền mua riêng thịt cá, hạt, bà lại chia phần thức ăn của mình cho chúng. Mỗi lần như thế, bà chỉ ăn cơm trắng chan nước canh. Thịt, cá bà chừa lại cho đàn mèo.
Thói quen này vẫn được bà giữ cho đến bây giờ. Hiện nay, bà được người hảo tâm cho cơm từ thiện. Mỗi lần được tặng cơm, bà cũng chỉ ăn cơm chan canh và nhường phần thịt sườn, cá kho cho mèo hoang.
Bà tâm sự: “Mèo không ăn cơm chan canh như chó nên những lúc khó khăn, được người ta cho cơm từ thiện, tôi đều dành thịt, cá cho chúng.
Nhiều lúc cũng thấy vất vả lắm nhưng phải cố thôi vì tôi thương chúng lắm, không bỏ được. Tôi nguyện với lòng mình rằng chừng nào còn đủ sức khỏe, còn đi bán được là đàn mèo còn có cái ăn”.
Ngoài đàn mèo, gần 15 năm qua, bà Mai còn chăm lo cho đàn chim trời sinh sống xung quanh sở thú. Mỗi ngày, bà thức dậy thật sớm để đi chợ mua thóc, dế, sâu làm thức ăn cho đàn chim.

Tình yêu những chú chim nhỏ của bà Mai bắt đầu từ lần con trai xin bà mua lồng nuôi đôi chim cảnh nhiều năm trước. Lúc đó, mỗi khi con thay thức ăn cho chim trong lồng, bà lại thấy còn sót lại một số thóc, cám.
Không muốn bỏ phí số thức ăn thừa này, bà lấy ra, rải xuống vỉa hè cho bầy chim sẻ hoang xuống ăn. Được cho ăn, đàn chim sẻ đến ngày một nhiều. Sau đó, ngoài chim sẻ còn có chim sáo, bồ câu đến đợi bà rải thóc, gạo, vụn bánh mì...cho ăn.
Từ đó, bà tự nguyện ngày ngày đi xin vụn bánh mì, bỏ tiền mua gạo, thóc, sâu, dế… để cho đàn chim ăn mỗi sáng. Một lần, trong lúc cho chim ăn, bà phát hiện mấy chú sóc đứng trên nhánh cây ven đường nhìn xuống.
Chúng đợi bà không chú ý liền trèo xuống nhặt nhạnh thức ăn thừa. Thấy vậy, bà lại mua bắp luộc, chuối, xoài rồi treo lên một số gốc cây để cho đàn sóc hoang đến ăn. Công việc ấy được bà duy trì đã gần 15 năm qua.
“Tôi gắn bó với chúng lâu rồi nên mến tay mến chân lắm, không lo cho chúng không chịu được. Mỗi ngày được chăm sóc đàn mèo, bầy chim, tôi vui lắm, cảm thấy mình khỏe ra”, bà chia sẻ.
(Theo VietNamNet)
Xem thêm: Cô gái vùng cao làm YouTuber để "chia sẻ tấm lòng - kết nối yêu thương"
Đọc thêm
Không chỉ có những chuyến chở bệnh nhân nghèo đi mổ mắt, ông Lê Phúc Hậu và các tình nguyện viên còn lo việc ăn uống và chăm sóc chu đáo cho các bệnh nhân.
Tính đến nay, bà Trần Thị Mười (Việt kiều Mỹ) đã có "thâm niên" hơn chục năm tự bỏ tiền túi đi đến nhiều xã khó khăn của đất nước để giúp người nghèo...
Chẳng quản ngại khó khăn, thầy giáo Nguyễn Văn Nhân miệt mài cõng từng viên gạch, bao xi măng dựng trường học mới cho học sinh trên đỉnh Ngọc Linh.
Bài mới

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Al), hiện đang là Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research. Năm 16 tuổi ông từng giành huy chương Olympic Toán quốc tế, lấy bằng tiến sĩ tại Úc năm 25 tuổi, giữ vị trí chuyên gia máy học tại Adobe Research và nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.