Ấm lòng suất ăn giờ ra chơi dành cho học sinh khó khăn tại Hậu Giang
Với mong muốn giúp đỡ học sinh khó khăn, trường THCS Vị Đông (ấp 6, xã Vị Đông, H.Vị Thủy, Hậu Giang) đã thực hiện mô hình “Phần ăn giờ ra chơi, tiếp bước em đến trường”.
Buổi sáng, sau tiết học thứ 3, hàng chục em học sinh tại trường THCS Vị Đông lại đến điểm ăn uống cạnh phòng làm việc của thầy cô trong ban giám hiệu. Trên hàng lang có đặt sẵn một chiếc bàn dài cho học sinh ngồi ăn và một chiếc bàn nhỏ để sẵn mì gói, bình thủy, bát đũa. Không ai bảo ai, các em vui vẻ chủ động xé mì bỏ vào tô, lấp đầy cái bụng rỗng trong giờ ra chơi.
Đứng cạnh đó, thầy Nguyễn Vũ Anh – Phó hiệu trưởng nhà trường, cầm bình thủy rót nước nóng vào từng tô mình. Các em vừa ăn, vừa trò chuyện với nhau rôm rả. Ăn xong, mỗi em lại tự giác rửa tô cho sạch sẽ rồi để lại chỗ cũ.
Thầy Anh cho biết, trường THCS Vị Đông có 17 lớp với tổng số 627 học sinh, trong đó có hơn 100 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trước đây, thỉnh thoảng trường lại có học sinh đuối sức vì đói, không tập trung học được. Phần vì cha mẹ đi làm ăn xa từ sáng sớm, ở nhà các em ăn uống thất thường nên đói, phần vì có nhiều em hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua phần ăn sáng ở quán.
“Mô hình “Phần ăn giờ ra chơi, tiếp bước em đến trường” ra mắt vào tháng 4/2024, được rất nhiều phụ huynh ủng hộ. Từ đó đến nay trường không còn ghi nhận học sinh nào đuối sức vì đói giữa giờ nữa”, thầy Vũ Anh phấn khởi chia sẻ.
Thấy mô hình ý nghĩa, Ban giám hiệu trường THCS Vị Đông lại càng thêm trân quý tấm lòng của người nghĩ ra ý tưởng này. Đó là một cựu học sinh, ra trường cách đây khoảng 20 năm. Theo lời thầy Vũ Anh kể, ngày còn đi học người này cũng là học sinh khó khăn, nhiều lúc phải ôm bụng đói đến trường. Bây giờ cuộc sống khấm khá hơn nên muốn san sẻ với những học sinh khó khăn. Nhờ sự tài trợ của vị cựu học sinh này mà bếp ăn nghĩa tình giờ ra chơi tại trường đã được duy trì được hơn 10 tháng nay.
Mô hình “Phần ăn giờ ra chơi, tiếp bước em đến trường” phục vụ chủ yếu là mì gói, thi thoảng sẽ đổi sang phở, hủ tiếu, cháo để học sinh không bị ngán. "Mì có lúc dạng ly hoặc gói, nhưng luôn có nhiều loại cho các em học sinh lựa chọn theo sở thích. Thầy cô phụ trách phần rót nước nóng để giữ an toàn cho các em. Trước tết, trung bình mỗi tháng học sinh tại trường ăn khoảng 20 thùng mì, qua tết thì ít hơn một chút. Trường dạy 2 buổi, nhưng bếp ăn đông nhất là buổi sáng. Có em ăn vào giờ ra chơi, có em ăn lúc tan trường", thầy Nguyễn Vũ Anh thông tin.
Học sinh Phan Hàn Phúc (lớp 8A2) cho biết, em mồ côi mẹ từ nhỏ, hiện đang sống cùng bà ngoại. Bà em làm ruộng, đất ít nên chỉ đủ ăn qua ngày. "Cậu em làm phụ hồ nuôi ngoại. Mỗi ngày đi học ngoại cho em 20.000 ngàn. Nếu ăn ở trường, em khỏi phải mua thức ăn bên ngoài. Tiền dư, em gửi lại ngoại, vì ngoại lớn tuổi rồi, dạo này lại hay bệnh nữa", Phúc nói.
Xem thêm: Thầy giáo 30 năm ròng rã lội bộ băng rừng gieo chữ ở bản xa
Tin liên quan
Dù phải uống đến 10 loại thuốc mỗi ngày nhưng bà Nga lúc nào cũng lạc quan. Cứ khỏe một chút là bà lại nấu cơm phát cho người vô gia cư. Hơn 30 năm qua, bà luôn sống như vậy.
Dù bị nói là làm "chuyện bao đồng", ông Lưu Thành Tuấn (47 tuổi, Cần Thơ) vẫn miệt mài vận chuyển hơn 50 tấn rau củ suốt 2 tháng qua.
Dù đã đến độ tuổi U70, "đại gia chân đất" Đỗ Thị Vừng vẫn đang chăm chỉ lao động, rảnh tay là đi làm từ thiện giúp người, giúp đời.
Bài mới

Lao vào đám cháy cứu cháu bé 2 tuổi, chị Lê Thị Phương Thảo (SN 1982) bị bỏng 78%, gương mặt biến dạng. Dù đau đớn là vậy, nhưng người phụ nữ ấy vẫn gồng gánh, cưu mang cháu bé, xem như con ruột suốt 18 năm qua.