Nỗi niềm của những người thầy miệt mài “cõng chữ” lên non
Thương học trò, những người thầy cắm bản chỉ biết tận tâm, hết lòng giáo dục các em. “Mình cố gắng hết sức để dạy cho các em biết đọc, biết viết, để sau này có cơ hội thay đổi cuộc sống” - thầy Đông nghẹn ngào nói.

Cách Hà Nội hơn 600 cây số, Điểm trường Nậm Vì nằm tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, heo hút giữa núi rừng, mây mờ giăng kín quanh năm. Ở đây có những nỗi niềm trăn trở của những người thầy “cõng chữ” lên non.
Gần 1 năm trước, khi Điểm trường Nậm Vì thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2 đang còn những vách tường thủng, nền nhà đất, thầy trò ở đây đã ngày ngày miệt mài tìm kiếm con chữ giữa muôn trùng khó khăn. Năm 2024, niềm vui đã đến với thầy và trò Điểm trường bản Nậm Vì khi có mái trường mới kiên cố hơn nhờ sự quan tâm của báo NTNN/Dân Việt cùng Quỹ Thiện Tâm. Niềm hạnh phúc hiện hữu rõ trên khuôn mặt của những thầy trò, từng bước chạy, từng tiếng ê a tập đọc cũng thêm phần rộn rã hơn.

Gần 3 năm gắn bó với ngôi trường nơi non cao này, hơn ai hết thầy giáo Vàng A Đông - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2 càng hiểu sâu sắc những thiệt thòi, thiếu thốn, khó khăn của học trò nơi đây. Một nửa trong tổng số 33 em ở điểm trường Nậm Vì không có cặp sách mang đi học. Vì điều kiện gia đình còn khó khăn, những năm học trước bố mẹ thường chuẩn bị những túi vải đeo vai để các em đựng sách vở đến trường. Và cứ thế, các em cùng nhau đến lớp học chữ với đôi chân trần, tấm áo mỏng manh và tập sách cầm trên tay.

Thầy Đông kể, vào mùa mưa, đường trơn trượt, nhiều em học sinh ở xa, đi lại khó khăn nên không đi học được. Không chỉ vậy, sau các đợt nghỉ lễ dài hay đến mùa gặt thấy các học trò nhỏ không đến lớp các thầy cũng rất sốt ruột. Để giữ con chữ cho học trò, thầy Đông cùng các đồng nghiệp phải lặn lội đến tận nhà, vận động phụ huynh rồi chở học sinh đến trường.
“Năm ngoái, có một trường hợp rất đặc biệt là đến mùa gặt, một em học sinh phải ở nhà trông em cho chú thím đi gặt. Thấy học trò vắng mặt, tôi lo lắng đến nhà hỏi thăm mới biết chuyện, tôi tận tình khuyên chú thím cho cháu đi học sớm nhưng mãi không được. Sốt ruột, sợ học sinh không theo được chương trình học, tôi đành phải báo cáo lại với Ban giám hiệu, tiếp tục cùng các thầy cô ở điểm trường trung tâm đến động viên gia đình. Mãi 1 tuần sau, cô bé mới trở lại lớp, lúc đó tôi thấy nhẹ nhõm hẳn” - thầy Đông bộc bạch.
Với thầy Đông và những giáo viên cắm bản khác, việc đến từng nhà vận động học sinh đến trường là công việc vô cùng quan thuộc. Mỗi sáng đến giờ vào lớp là thầy Đông lại ngồi đếm sĩ số học sinh. Thấy trò nào chưa đến là thầy lại vội vàng đến tận nhà, tìm rồi chở học sinh đi học. Tất bật dạy học đến 10h sáng, “người cha” này lại tranh thủ nấu cơm trưa, cho học sinh ăn uống rồi ngủ trưa cùng thầy.

Đồng hành cùng với thầy Đông tại Điểm trường Nậm Vì là thầy Thẩm Dương Pôn (giáo viên tăng cường), người đã có hơn 20 năm gắn bó với học sinh tại khắp điểm trường. Trước mỗi giờ lên lớp, thầy Pôn còn tranh thủ học thêm tiếng Mông để có thể hiểu, tiện cho quá trình giao tiếp và sẻ chia với các học trò ở điểm trường Nậm Vì.
“Thời gian đầu, khi các em vào lớp 1, hầu như không có trò nào hiểu tiếng Việt nên việc rèn luyện và dạy các em khá vất vả. Phải mất học kỳ đầu tiên, các em mới làm quen và hiểu được tiếng Việt, tuy nhiên, vốn từ phổ thông vẫn rất hạn hẹp”, thầy Pôn tâm sự.

Những lúc như vậy, những người “cha” vẫn luôn kiên nhẫn lắng nghe và tận tình giải thích để “các con” có thể hiểu bài, tiếp thu kiến thức tốt hơn. Ngoài giờ học, thầy cô tại trường còn thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như: Kéo co, bịt mắt bắt dê, mèo vờn chuột…, vừa tạo không khí vui tươi, vừa giúp học sinh rèn luyện thêm các kỹ năng cần thiết.
Thương học trò, những người thầy cắm bản chỉ biết tận tâm, hết lòng giáo dục các em. “Mình cố gắng hết sức để dạy cho các em biết đọc, biết viết, để sau này có cơ hội thay đổi cuộc sống” - thầy Đông nghẹn ngào nói.
Dẫu khó khăn là vậy, những người thầy nơi non cao này vẫn ngày đêm miệt mài, bền bỉ thắp sáng hy vọng cho những đứa trẻ nơi bản nghèo xa xôi.
Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, thầy giáo Bình Dương xây lớp, dạy học miễn phí cho trẻ em vùng cao
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận