Vượt lên chính mình, người đàn ông khuyết tật mở trang trại cưu mang người khó khăn
Anh Nguyễn Bá Tâm (1976, Quảng Ninh) vượt lên nỗi đau mất chân phải do tai nạn giao thông, mở trang trại phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Năm 2007, trong lúc đang làm việc tại Công ty Than Mạo Khê (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam), anh Nguyễn Bá Tâm (trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) không may bị xe goòng nghiền mất 2/3 chân phải. Tai nạn ập đến không chỉ cướp đi một phần thân thể, sức khỏe mà còn phá vỡ hạnh phúc gia đình anh. Sau tai nạn ít lâu, vợ chồng anh ly hôn, người vợ ra đi để lại đứa con 5 tuổi. Từ đó 2 cha con phải nương tựa vào nhau để sống.
Nỗi đau thể xác chưa nguôi, nỗi đau tinh thần lại ập đến. 2 năm sau ngày tai nạn, 2 người anh trai của anh Tâm lần lượt qua đời do bạo bệnh, để lại bố mẹ già hay đau ốm cho anh chăm sóc. Khi đó, sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn, cuộc sống của anh rơi vào bế tắc.
“Nhìn bố mẹ già ốm yếu và đứa con nhỏ thiếu thốn đủ điều tôi tự nhủ bản thân không thể chùn bước, khi sức khỏe dần ổn định, tôi bắt đầu tìm hướng đi mới để vực dậy kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu các mô hình kinh tế trong và ngoài thị xã, tôi quyết định chọn mô hình chăn nuôi tổng hợp và kinh doanh. Bởi nó không chỉ phù hợp với sức khoẻ của tôi mà yêu cầu vốn cũng không quá cao. Tôi có thể vừa làm vừa học hỏi và điều chỉnh”, anh Tâm chia sẻ.
Năm 2008, anh Tâm khởi nghiệp từ việc nuôi 100 đôi chim bồ câu, 100 con thỏ và gần 100 con gà, ngỗng. Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm, công việc của anh gặp không ít khó khăn. Nhưng không vì thế mà nản chí, ngược lại, anh càng quyết tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Dần dần mô hình chăn nuôi của anh cũng đi vào ổn định, có lợi nhuận. Năm đầu tiên, mô hình cho thu nhập hơn 50 triệu đồng.
Từ thành công bước đầu, công thêm việc kiên trì học hỏi nhiều nơi, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, anh Tâm tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại . Quy mô tăng lên 500 đôi chim bồ câu, hơn 2.000 con gà, ngỗng, 200 con thỏ, 100 con lợn, cá các loại và trồng nhiều cây ăn quả.
Nhận thấy hiệu quả cao từ mô hình chăn nuôi gia cầm. Năm 2012, anh quyết định phát triển mô hình chăn nuôi thành Trang trại gia cầm - thủy cầm Quyết Tâm tại khu Vĩnh Lập, Mạo Khê, thị xã Đông Triều. Trang trại của anh tập trung nuôi chim bồ câu, gà, dê, lợn, vịt trời, chim trĩ và một số loại cá…
Để phát triển trang trại anh Tâm đi khắp nơi để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đi trước, sau đó vận dụng sáng tạo vào mô hình của mình. Năm 2017, anh đã sáng tạo ra sản phẩm máng ăn thông minh cho gia cầm. Sản phẩm đoạt Giải Khuyến khích trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI.
Hiện trang trại của anh đã mở rộng hơn với quy mô 3,5ha, với hơn 12.000 loại gia súc, gia cầm, thủy cầm, 1.300 loại cây ăn quả. Mỗi tháng, anh cung cấp ra thị trường hơn 1.000 con chim bồ câu, các loại gà, vịt. Sản phẩm của anh được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Đến nay, mô hình trang trại của anh ngày càng phát triển hơn, tạo việc làm cho trên 15 công nhân lao động, trong đó 7 lao động là người khuyết tật. Người lao động thường xuyên được tập huấn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất để nâng cao tay nghề.
Ngoài phát triển kinh tế, anh Tâm cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương, giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn…
Với sự nỗ lực vượt khó, năm 2020, anh Nguyễn Bá Tâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen là nông dân tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập lao động giai đoạn 2013-2015”.
Chia sẻ tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI năm 2024 vừa được tổ chức tại Hà Nội, anh Tâm xúc động nói: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi được lựa chọn là đại diện cho người khuyết tật tỉnh Quảng Ninh tham dự hội nghị này.
Từ câu chuyện vượt khó của mình, tôi muốn chia sẻ với các bạn cùng cảnh ngộ rằng, cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn trở ngại, điều quan trọng là chúng ta biết đối diện và vượt lên khó khăn, tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Mọi công sức rồi sẽ được đền đáp xứng đáng.
Người lành lặn làm kinh tế đã khó, người khuyết tật làm kinh tế còn khó gấp trăm vạn lần nhưng đừng thấy khó mà nản. Bởi tự chủ về kinh tế sẽ giúp chúng ta có cuộc sống độc lập, hạnh phúc hơn và không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”.
Theo Lao động
Xem thêm: Nghị lực phi thường của chàng trai mất tay sau tai nạn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận