Chàng trai Cần Thơ mở tiệm thủ công mỹ nghệ giúp đỡ những bạn trẻ bị nhiễm HIV
Hơn 1 năm qua, chàng trai trẻ 27 tuổi – Lê Hiếu Bình (TP.Cần Thơ) đã mở tiệm làm đồ thủ công mỹ nghệ, gây quỹ giúp đỡ cho những bạn trẻ bị nhiễm HIV.

Tiệm thủ công mỹ nghệ của anh Bình là căn nhà nhỏ 2 tầng, tại đây tổ chức rất nhiều hoạt đồng cho khách trải nghiệm như làm nến thơm, móc khóa, gốm, hoa đất sét, tranh vỏ sò, vòng tay, vòng cổ,… Nếu có nhân viên làm thêm thì tiệm sẽ mở cửa từ 9 đến 21 giờ, còn không thì phải sau 17 giờ, sau khi tan làm anh Bình mới chạy sang quán xuyến. Tuy vất vả nhưng chàng trai miền Tây này rất vui vì được giúp đỡ cộng đồng.
Trước đây, Bình có cơ hội được tham gia rất nhiều cuộc thi, lớp tập huấn liên quan đến kiểm tra, xét nghiệm HIV nên hiểu được phần nào tâm tư của những người trong cuộc. Đỉnh điểm là có một người chị họ của Bình từng rất tiêu cực khi phát hiện bị nhiễm HIV từ chồng. Không chấp nhận được cú sốc này, chị đã có ý định tự tử.

Theo Bình, phần lớn người bị HIV còn ngại hòa nhập cộng đồng, việc chia sẻ, tâm sự hay nhờ ai đó giúp đỡ lại càng khó khăn với họ. “Việc tuân thủ uống thuốc kháng virus hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp sức khỏe và tinh thần của người nhiễm HIV tốt hơn. Để làm được việc này đòi hỏi bản thân người bệnh phải có sự quyết tâm, kiên trì và cả kinh phí nữa. Thế nên tôi muốn giúp đỡ họ, đặc biệt là những bạn trẻ. Nhưng nếu chỉ dựa vào tiền làm kế toán thôi thì rất khó, nên tháng 7/2023 tôi đã mở cửa tiệm này, lấy lợi nhuận từ đây để hỗ trợ các bạn bị nhiễm HIV và các hoạt động thiện nguyện khác”, chàng trai 27 tuổi bộc bạch.
Ban đầu, Bình nhận các bạn bị nhiễm HIV K=K (không còn khả năng lây nhiễm qua đường tình dục) làm việc theo ca tại cửa hàng. Mục tiêu là để các bạn có thu nhập, chủ động hơn trong điều trị. Tuy nhiên, việc mời chào này chưa thể làm các bạn mạnh dạn mở lòng. Chỉ có một bạn nữ tới làm việc được hơn 1 năm rồi nghỉ. Thấy vậy, Bình chuyển sang hình thức giúp đỡ kín đáo hơn, là hỗ trợ tiền mặt, kinh phí mua thuốc mỗi khi các bạn cần.
Hiện, Bình thường xuyên hỗ trợ cho gần 10 bạn bị nhiễm HIV. "Những bạn trẻ này rất cố gắng và tự trọng. Tuy nhiên, có lúc khó khăn các bạn không thể đi điều trị định kỳ được. Tôi sẽ mua thuốc cho các bạn, hoặc là gửi tiền nếu các bạn không đủ kinh phí trang trải trong tháng đó, cao nhất là 500.000 đồng. Tôi luôn giữ mối liên hệ với các bạn, thường trao đổi, trò chuyện qua điện thoại. Có những bạn được tôi giới thiệu đi làm ở quán nước, tiệm ăn của người quen", Bình nói.
Xem thêm: Giải chạy thiện nguyện “Nối đôi bờ vui” xây cầu cho vùng Tây Nam Bộ
Đọc thêm
Bệnh viện Thống Nhất vừa phối hợp với các bệnh viện khác thực hiện việc lấy, vận chuyển tạng của nam bệnh nhân 18 tuổi chết não và ghép thành công cho 7 người.
Hơn 2 năm qua, anh Phạm Văn Phèo (38 tuổi, ngụ ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đã thực hiện rất nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn.
Mặc dù thuộc diện tạm hoãn nhập ngũ nhưng chàng trai sinh năm 2006 – Trần Phúc Trung ở Nghệ An vẫn viết đơn xin tham gia nghĩa vụ quân sự.
Tin liên quan
Tháng 12 này, giải chạy thiện nguyện trực tuyến "Nối Đôi Bờ Vui" chính thức được khởi động với sứ mệnh đầy nhân văn: Xây cầu cho vùng Tây Nam Bộ, thay thế các cây cầu tạm bợ, nguy hiểm.
Từ ngày còn công tác trong Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cho đến khi về hưu, bà Phan Huyền Trân vẫn miệt mài với công việc thiện nguyện, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh.
Ngày 24/11 vừa qua, tại công viên Sông Hậu, TP.Cần Thơ mùa 2 Giải thể thao thiện nguyện “Bước chân hòa nhập 2024” đã diễn ra rất thành công với sự tham gia của gần 2000 vận động viên.