Ngắm nhìn Nghĩa An Hội Quán: Kiến trúc văn hóa Triều Châu nổi bật bậc nhất giữa khu phố người Hoa Sài Gòn

Nghĩa An Hội Quán là một công trình đặc trưng của người Hoa gốc Triều Châu, như một cách để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, tưởng nhớ về cội nguồn.

Thùy Nguyễn
15:00 07/12/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sài Gòn được xem là Hòn ngọc Viễn Đông bởi đây là mảnh đất có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa cả trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Hoa nói chung, người Triều Châu nói riêng. Cùng với chuyến hành trình di cư tới Việt Nam, người Triều Châu đã mang theo rất nhiều hành trang từ nền văn hóa quê cha đất tổ. Tài Sài Gòn, tin thần tín ngưỡng của họ được thể hiện rõ nhất ở Nghĩa An Hội Quán. 

nghia-an-hoi-quan-kien-truc-van-hoa-trieu-chau-noi-bat-giua-sai-gon-2

Nghĩa An Hội Quán còn được gọi là chùa Ông, miếu Quan Đế, tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, Quận 5. Đây là một trong những kiến trúc tôn giáo văn hóa của người Tiều, là ngôi chùa thờ vị thần Quan Công - một nhân vật thời Tam Quốc của người Hoa. Miếu thờ thần Quan Công chính là biểu hiện cho lòng trung nghĩa, là biểu trưng đặc biệt cho những người con xa xứ luôn hướng về quê hương. 

Người Hoa sinh sống ở Việt Nam vô số nhưng không thể bỏ qua mảnh đất Đề Ngạn (Chợ Lớn ngày xưa). Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc, tiêu biểu là đền thờ, chùa miếu, được người Hoa coi như một cách để bảo tồn những nét đẹp văn hóa, truyền thống của mình trên đất khách. 

nghia-an-hoi-quan-kien-truc-van-hoa-trieu-chau-noi-bat-giua-sai-gon-3

Cái tên Nghĩa An Hội Quán là cái tên được người Hoa gốc Triều Châu đặt. Khi còn ở Trung Quốc, họ sống tập trung chủ yếu ở Nghĩa An (Quảng Đông), sau khi di cư trở thành một cộng đồng trên đất Sài Gòn, dựng miếu thờ Nghĩa An Hội Quán để làm nơi tụ họp, thờ cúng, tưởng nhớ và thể hiện văn hóa tâm linh. 

nghia-an-hoi-quan-kien-truc-van-hoa-trieu-chau-noi-bat-giua-sai-gon-4

Theo học giả Vương Hồng Sển, miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán được xây dựng từ những năm trước thế kỷ 19 nhưng phải đến giai đoạn 1819 – 1820 mới hoàn thành và kiên cố như ngày nay. Đây là mô hình kiến trúc đặc trưng của người Hoa, có kiến trúc hình chữ khẩu (囗) hay chữ quốc (国) với những giàn nhà khép kín được xây dựng vuông góc. Màu đỏ là màu chủ đạo, thể hiện rõ giá trị nghệ thuật về thư pháp, chạm đá, chạm gỗ, ghép mảnh sành sứ…

Mái của Nghĩa An Hội Quán được chia làm 3 cấp, phần chính giữa cao, 2 bên thấp hơn đôi chút. Phía trước là khoảng sân rộng gần 2000m2, phần còn lại được chia là tiền điện, sân thiên tỉnh, chính điện và những văn phòng hội quán được xây dựng dọc hai bên điện thờ. Cửa miếu là năm cặp lân lớn nhỏ được đúc bằng đá đặt đối xứng nhau. Trước biển chữ Nghĩa An Hội Quán phía trên có treo bức nghi môn làm năm 1903 có chạm nổi cảnh sắc “Lục Quốc phong tướng”.

nghia-an-hoi-quan-kien-truc-van-hoa-trieu-chau-noi-bat-giua-sai-gon-5

Bước chân vào tiền điện theo hướng sân ngoài sẽ thấy ngay phần chính giữa được bày một hương án, bên trên là chiếc lư hương bằng đồng làm vào năm Đạo Quang thứ 5. Bên trái là một chiếc bênh cao thờ Phúc Đức chính thần (thần Bổn hay thần Thổ Địa), có thêm một bức tượng Mã Đầu tướng quân (hình tượng người giữ ngựa Xích Thố cho đức Quan Công) đứng bên cạnh là ngựa Xích Thố. Ở đây còn có một quả chuông 39cm, đường kính 46cm, 2 bên đúc 2 đầu lân với đường nét tinh xảo.  

nghia-an-hoi-quan-kien-truc-van-hoa-trieu-chau-noi-bat-giua-sai-gon-6
nghia-an-hoi-quan-kien-truc-van-hoa-trieu-chau-noi-bat-giua-sai-gon-7

Sân Thiên tỉnh (hay giếng Trời) ở khoảng giữa chùa được đặt nhiều cây cảnh. Dọc hành lang dài là những bia đá ghi niên đại trùng tu chùa cùng danh sách tên tuổi những người công đức, đóng góp trùng tu chùa miếu. Bên trong chính điện có những bức tượng thờ cùng cột gỗ cao treo đầy câu đối, bao lam, hoành phi, khám thờ chạm trổ tinh tế. Giữa chính điện là gian thờ vị thần Quan Thánh đế quân (Quan Vũ). Đứng hầu hai bên trước bệ thờ là tượng Quan Bình và Châu Xương cao gần 2m.

Hai bên tả hữu có gian thờ Thiên Hậu nguyên quân (tức Thiên Hậu Thánh mẫu) và Tài Bạch tinh quân (Thần Tài). Ở sát hai bên góc tường đặt thêm 2 bộ chuông đối xứng, chuông bên trái được đúc bằng gang ở Phật trấn. Phía chuông còn lại được đúc bằng hợp kim với hàng chữ nổi được chạm khắc tinh xảo “Gia Định tỉnh, Minh Hương xã, Tân Trường Châu, Nghĩa An hội quán…”

nghia-an-hoi-quan-kien-truc-van-hoa-trieu-chau-noi-bat-giua-sai-gon-8

Hàng năm, người dân cùng nhau tổ chức những buổi lễ cúng bái thần Quan Đế vào ngày 24 tháng 6 (âm lịch) và rằm tháng giêng. Nghĩa An Hội Quán được nhiều lần trùng tu vào các năm 1866, 1901, 1969, 1984, 2010 đã bảo tồn một cách toàn vẹn nhất những nét văn hóa cổ xưa của người Hoa ở Sài Gòn. Đây không chỉ là nơi chiêm bái của người Tiều tại Sài Gòn mà còn là công trình có giá trị kiến trúc và nghệ thuật ở nửa cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.

Xem thêm: Bồi hồi ngắm lại loạt hình ảnh sống động tại Lăng Cha Cả, Sài Gòn trước năm 1975

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận