Những điều ít người biết về Phật Dược Sư

Bổn nguyện của Phật Dược Sư là trị tất cả trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sinh, cứu độ chúng sinh ra khỏi sinh tử khổ đau. Dưới đây là những điều ít người biết về Phật Dược Sư, quý Phật tử có thể tham khảo.

Loan Nguyễn
06:00 15/07/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phật Dược Sư là ai?

Theo quan niệm của Phật giáo, tất cả chư Phật, Bồ Tát ứng thân thị hiện ra đời vì lòng thương cứu độ chúng sinh chìm đắm trong biển khổ sinh tử. Vì chúng sinh vô lượng vô biên nên chư Phật cũng thị hiện vô số, tùy theo nghiệp lực, căn tánh của chúng sinh mà các ngài kiến tạo quốc độ và lập đại nguyện để giáo hóa, đưa chúng sinh thoát khỏi phiền não khổ đau, có đời sống an lạc tự tại. Đức Phật Dược Sư là 1 trong vô số chư Phật có quốc độ và hạnh nguyện riêng của mình.

Đức Phật Dược Sư, Phạn ngữ Bhaisajyaguru Buddha, Hán dịch là Dược Sư Như Lai, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Đại Y Vương Phật, Y Vương Thiện Thệ, Thập Nhị Nguyện Vương…

Theo kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức, nhờ trong khi tu hành Bồ tát đạo phát 12 đại nguyện giải trừ hết thảy bệnh khổ cho chúng sinh, khiến họ đầy đủ căn lành và hướng về giải thoát nên khi thành Phật, ngài là Giáo chủ thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.

Theo sách Dược Sư kinh sám do Hòa thượng Trí Quang dịch, Đức Dược Sư là vị Phật hiểu biết và thông suốt tất cả y dược của thế gian và xuất thế gian, Ngài có thể chữa trị hết tất cả những thứ bệnh khổ của chúng sanh, những điên đảo vọng tưởng do tham, sân, si phiền não gây ra.

Niệm danh hiệu ngài, Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh và niệm đến nhất tâm, người niệm sẽ được phước báo vô lượng, tiêu trừ tất cả bệnh khổ, thân tâm an lạc; sẽ được Phật Dược Sư, chư Đại Bồ tát và 12 vị Dược Xoa đại tướng hộ trì.

phat-duoc-su-la-ai-va-loi-ich-cua-viec-niem-phat-duoc-su-1

12 đại nguyện của Phật Dược Sư

Đức Phật Dược Sư có 12 đại nguyện cứu độ chúng sinh như sau:

1. Nguyện khi Ta thành đạo Bồ-đề, thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, hào quang sáng khắp vô lượng thế giới, khiến các chúng sinh cũng được như Ta.

2. Nguyện khi Ta thành Phật, trong ngoài sáng chói hơn ánh sáng mặt trời, tự tại làm Phật, khiến các chúng sinh ở chỗ tối tăm đều nhờ ơn khai thị.

3. Nguyện khi Ta thành Phật, đầy đủ vô lượng phương tiện trí tuệ, làm cho chúng sinh đầy đủ các món thọ dụng nơi thân tâm.

4. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu các chúng sinh tu theo tà đạo đều xoay về chánh đạo, hàng Nhị thừa thì đều hướng về Nhất thừa.

5. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu có chúng sinh theo giáp pháp của Ta mà tu hành, thì đều được hoàn hảo, dù có phạm giới mà nghe đến tên Ta thì cũng trở thành thanh tịnh giới khỏi phải sa vào ác đạo.

6. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu chúng sinh nào có thân thể hèn yếu hay xấu sa, đui điếc hay câm ngọng, một phen nghe tên Ta, niệm tên Ta thì được khỏi bệnh, lại được tốt đẹp khôn ngoan

7. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu có chúng sinh không bà con thân thuộc, nghèo thiếu ốm đau, không ai giúp đỡ, mà nghe được tên Ta thì thân tâm yên lành quyến thuộc giúp đỡ cho, đến chứng đạo Bồ-đề.

8. Nguyện khi Ta thành Phật, các nữ nhân thường bị khinh dể thấp kém, nếu nghe được tên Ta thì bỏ thân nữ nhân, thành tướng trượng phu cho đến chứng quả.

phat-duoc-su-la-ai-va-loi-ich-cua-viec-niem-phat-duoc-su-2

9. Nguyện khi Ta thành Phật, thì các chúng sinh thoát vòng ma đạo ác kiến, về nơi chánh đạo, tu Bồ-tát hạnh mau chứng đạo Bồ-đề.

10. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu chúng sinh bị pháp vua trừng trị, trói buộc đánh đập, giam vào ngục tối, cắt xẻ v.v. mà nghe tên Ta thì đều thoát khỏi.

11. Nguyện khi Ta thành Phật, những chúng sinh bị đói khát, cầu ăn mà tạo nghiệp dữ, nếu nghe tên Ta, chuyên niệm thọ trì, thì Ta trước hết cấp cho món ăn được no đủ, sau nói pháp khiến họ tu hành được hoàn toàn an vui.

12. Nguyện khi Ta thành Phật, những chúng sinh nghèo không có áo mặc, muỗi mòng chích đốt, nóng lạnh, ngày đêm khổ sở, nếu nghe tên Ta chuyên niệm thọ trì, thì Ta theo tâm mong cầu ấy khiến được đầy đủ y phục hoa hương.

7 tôn tượng của Phật Dược Sư

Phật Dược Sư là một đấng giác ngộ có lòng bi mẫn vô biên đối với hết thảy chúng sinh. Ngài hộ trì chúng sinh tránh khỏi những đớn đau về tâm hồn và thể xác, khỏi những hiểm nguy và chướng ngại, và giúp họ trừ diệt ba độc tố - tham trước, sân hận và si mê - cội nguồn của mọi bệnh tật và nguy hại. Ngài là đấng Y vương Toàn giác.

Theo các Kinh điển Phật Giáo thì Đức Dược Sư Như Lai có 7 tôn tượng. Có thuyết cho là mỗi vị có mỗi đại nguyện và ứng thân riêng từng vị. Có thuyết cho là các ngài từ nhất thể là Đức Dược Sư Như Lai mà phân thân ứng hiện (ứng thân), danh hiệu của các Ngài là: Thiện Danh Xưng Cát Tường Như Lai; Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai; Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai; Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai; Pháp Hải Lôi Âm Như Lai; Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như lai; Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

phat-duoc-su-la-ai-va-loi-ich-cua-viec-niem-phat-duoc-su-3

Cách trì tụng Phật Dược Sư

Tại Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Việt Nam, Phật Dược Sư được thờ cúng rộng rãi.

Tranh tượng của Phật Dược Sư hay được vẽ với tay trái cầm thuốc chữa bệnh và tay phải giữ Ấn thí nguyện. Phật Dược Sư thường được thờ chung với Phật Thích Ca Mâu Ni và A Di Đà, trong đó Phật Dược Sư đứng bên trái còn Phật A Di Đà đứng bên phải Phật Thích Ca Mâu Ni. 

Trong kinh Dược Sư, hiện nay chỉ còn bản chữ Hán và chữ Tây Tạng, người ta đọc thấy 12 lời nguyện của ngài nhằm cứu độ chúng sinh, với sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát và 12 vị Hộ Pháp và Thiên vương.

Về công phu trì niệm hồng danh Đức Phật Dược Sư, mặc dù ngài có nhiều danh hiệu nhưng trì niệm hồng danh thường là Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Phật hay Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

Về ý nghĩa thánh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Phật: 

+ Dược Sư: nghĩa đen là thầy thuốc chữa bệnh. 

+ Lưu ly: một loại ngọc màu xanh trong suốt. 

+ Quang: nghĩa là ánh sáng. 

+ Lưu ly quang: ánh sáng ngọc lưu ly.  

Theo sách Dược Sư kinh sám do Hòa thượng Trí Quang dịch, phần Niệm Phật ghi rõ niệm Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Phật. Các hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, phải đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh và niệm đến nhất tâm. Cũng vậy, khi tu tập pháp môn Dược Sư, hành giả niệm danh hiệu Phật Dược Sư cũng phải đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh. Có thể niệm thầm, niệm ra tiếng, lần tràng hạt... và niệm cho đến nhất tâm giống như các phương thức niệm Phật A Di Đà.

Cách thỉnh tượng Phật Dược Sư

Tôn tượng Phật Dược Sư không phải là việc ngẫu hứng thích là mua, thỉnh được. Việc mua, thỉnh tượng Phật Dược Sư phải xuất phát từ sự thành tâm của gia chủ muốn thỉnh tượng Phật Dược Sư về nhà để thờ. Thờ Phật Dược Sư với tâm hướng luôn luôn mong mỏi lĩnh hội được ngọn đèn trí tuệ của ngài. Để biết điều đúng sai, một lòng hướng thiện giúp ích cho đời. Chứ không phải để cầu ban phước trừ họa.

phat-duoc-su-la-ai-va-loi-ich-cua-viec-niem-phat-duoc-su-4

Phật tử có thể mua, thỉnh tượng Phật Dược Sư bằng gỗ, bằng gốm sứ, bằng đồng… đều được. Trước khi thỉnh tượng Phật Dược Sư về nhà nên gửi vào chùa làm lễ khai quang điểm nhãn, sau đó rước tôn tượng Phật Dược Sư và làm lễ an vị. Trong những ngày thực hiện việc thỉnh tôn tượng Phật Dược Sư, gia chủ nên ăn chay thanh tịnh, trì tụng thập chú, kinh Phật sau đó thỉnh rước tượng Phật Dược Sư về tôn thờ tại gia.

Thờ Phật Dược Sư thì bàn thờ phải trang nghiêm, hàng ngày cần quét dọn, rút bớt chân hương, nếu hoa quả khô héo thì nên thay mới để cúng dường. Vào những ngày sóc vọng (ba mươi, mùng một - mười bốn, mười lăm âm lịch hàng tháng) thì nên sắm sinh nhang đèn, hoa trái trang nghiêm dâng cúng. 

Không nhất thiết phải lau tượng mỗi ngày. Chỉ khi nào nhận thấy tượng Phật Dược Sư bị khói bụi bám vào thì mới “tắm” tượng. Dùng một chiếc khăn sạch mới tinh lau tôn tượng Ngài theo hướng từ trên xuống cho đến khi sạch sẽ. 

Không nên xức các loại nước hoa thơm cho tượng Phật Dược Sư. Vì đó là những sản phẩm với hương vị đặc thù tạo ra sự dính mắc, trói buộc và mê đắm cho thế gian, nói chung là “mùi thơm bất tịnh”. 

Thờ Đức Phật Dược Sư phải thành tâm. Gia chủ phải giữ gìn Ngũ giới, đặc biệt là không sát sinh tại tư gia. Giữ gìn thân - khẩu - ý trong sạch, tham thiền, niệm Phật, lạy sám hối, làm lành lánh dữ

Lợi ích khi niệm Phật Dược Sư

Dược Sư Lưu Ly Quang Phật là vị Phật có danh hiệu thầy thuốc chữa bệnh, ánh sáng như ngọc lưu ly. Phật Dược Sư hiểu biết và thông suốt tất cả y dược của thế gian và xuất thế gian, ngài có thể chữa trị hết tất cả những thứ bệnh khổ của chúng sinh, những điên đảo vọng tưởng do tham, sân, si phiền não gây ra. 

Ánh sáng của Phật Dược Sư thật không nghĩ bàn “Trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi”. Ánh sáng ấy chiếu đến đâu đều phá hết tăm tối vô minh của chúng sinh, đem lợi lạc và diệt tất cả những bệnh khổ thân tâm của chúng sinh, khiến cho họ xa lìa mê vọng mà hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Về công năng của việc trì niệm danh hiệu Phật Dược Sư, có thể nói là không thể nghĩ bàn. Theo kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức, đại dụng của danh hiệu Phật Dược Sư, điển hình có năm vấn đề sau:

Diệt sự tham lam mà phát tâm bố thí: Nhờ trì niệm danh hiệu Đức Dược Sư mà mở rộng tấm lòng, không còn tham lam, ích kỷ chỉ lo tích cóp cho riêng mình đồng thời luôn chia sẻ, ca ngợi và thực hành bố thí.

Diệt sự phạm tội mà được sự giữ giới: Đối với những tội lỗi, lầm lỡ đã gây tạo, nhờ niệm danh hiệu Ngài mà được chuyển hóa đồng thời phát nguyện sống đạo đức, lương thiện theo Chính pháp.

Diệt sự ganh ghét mà được sự giải thoát: Do nghiệp lực ganh ghét, đố kỵ người khác nên chịu quả báo hèn hạ, thống khổ. Niệm Phật Dược Sư sẽ khiến cho hành giả phát tâm tu học, diệt trừ khổ não, thành tựu giải thoát.

Diệt sự hại nhau mà được sự thương nhau: Những ý niệm oán kết, thù hận dẫn đến hành động tiêu diệt lẫn nhau, nhờ niệm danh hiệu Đức Dược Sư mà được hóa giải. Không những không còn làm hại nhau mà còn hiểu biết, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau.

Được sinh Cực lạc hay các sự chuyển sinh khác: Đối với những hành giả phát tâm niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sinh Cực lạc thì niệm Phật Dược Sư là một sự trợ duyên rất quan trọng. Chư Phật, các Đại Bồ tát trong pháp hội Dược Sư luôn trợ hóa cùng Phật A Di Đà, tiếp dẫn chúng sinh về Cực lạc. Ngoài ra, nhờ công đức tu tập Thánh hiệu Phật Dược Sư mà hành giả được đầy đủ phước báo, sinh về các thế giới an lành.

Ngoài ra, nhờ năng lực bổn nguyện của Phật Dược Sư, những chúng sinh thọ trì danh hiệu Ngài được tiêu trừ tất cả bệnh khổ và thành tựu mọi sở nguyện, sở cầu.

phat-duoc-su-la-ai-va-loi-ich-cua-viec-niem-phat-duoc-su-5

Những câu chuyện niệm Phật Dược Sư được cảm ứng

Câu chuyện 1

Trong cuốn sách "Những câu chuyện cảm ứng niệm Phật Dược Sư" có ghi chép lại: Vào đời Đường, ở miền Biên Châu, có cô con gái nghèo, sống trong cảnh lẽ loi côi cút. Gia tài trong nhà duy vỏn vẹn có 1 đồng tiền. Cô tự nghĩ: “Đồng tiền này không thể làm tư lương cho một đời sống. Thôi, ta hãy đem cúng dường Phật để gieo phước đức về sau”. 

Cô gái đem 1 đồng tiền đến chùa chí thành đãnh lễ, cúng dường trước tượng Phật Dược Sư.

Ở huyện gần đó, có người nhà giàu goá vợ sớm, tìm nơi chắp nối đã lâu mà không có chỗ nào vừa ý. Bảy hôm sau khi cô gái cúng dường Phật, anh này cũng đến chùa cầu nguyện Phật Dược Sư chỉ điểm cho được gặp người vợ hiền.

Đêm về anh nằm mộng được mách bảo phải cưới cô gái nghèo kia làm vợ. Kết cuộc, cô gái nghèo cúng dường Phật được anh nhà giàu ưng ý chọn làm vợ. Và  vợ chồng nọ cùng sống trong hạnh phúc, giàu sang.

Câu chuyện 2

Đời Đường, ông Trương Tạ Phu đau nặng, gia đình thỉnh chư Tăng tụng Kinh Dược Sư suốt 7 ngày đêm. Ngay đêm hoàn kinh, Trương nằm mộng thấy chúng Tăng đem kinh đắp trên mình. Khi thức dậy, bệnh lui giảm rồi lành hẳn.

Ông đem điều này thuật lại cho người nhà biết, và tin rằng mình được mạnh khỏe là do nhờ năng lực tụng kinh Dược Sư (theo Tam bảo ký).

Câu chuyện 3

Đời Đường, Trương Lý Thông lúc 27 tuổi, gặp thầy tướng bảo: “Thọ số ông rất ngắn, sợ e không đến 31 tuổi!”.

Lý Thông nghe nói lo buồn, tìm đến vị danh tăng là ngài Mật Công hỏi han.

Ngài Mật Công bảo: “Việc ấy không đáng ngại. Nếu ông thành kính thọ trì hoặc viết chép Kinh Dược Sư, thì có thể được tăng thọ”.

Lý Thông thưa: “Tôi việc quan bận buộc quá nhiều, sợ e khó thường thọ trì, xin tạm biên chép kinh trước”. Liền thỉnh quyển kinh về thành kính tự biên chép. Mới chép được 1 quyển thì công việc lại đến dồn dập, chưa kịp tiếp tục thêm. Tình cờ vị thầy tướng cũ lại gặp Thông, lấy làm lạ bảo: “Thật là điều hy hữu! Ông có làm công đức chi mà tướng diện lại thay đổi, sống được thêm 30 năm nữa”.

Trương Lý Thông thuật lại việc chép kinh. Nhiều người nghe chuyện phát tâm hướng về Phật pháp (theo Tam bảo ký).

Xem thêm: Ý nghĩa của Kinh Dược Sư và cách tụng Kinh Dược Sư chuẩn nhất

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận