Ý nghĩa của Kinh Dược Sư và cách tụng Kinh Dược Sư chuẩn nhất
Thực hành theo lời Đức Phật dạy trong Kinh Dược Sư chính là phương pháp giúp chúng ta tiêu bớt ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp. Kinh Dược Sư là gì, cách tụng Kinh Dược Sư chuẩn nhất, cùng tìm hiểu trong bài viết.
Kinh Dược Sư là gì?
Kinh Dược Sư có tên gọi đầy đủ là Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh. Về nguồn gốc, Kinh Dược Sư được dịch từ bản chữ Hán của ngài Huyền Trang. Tại Trung Quốc còn có thêm bốn bản dịch khác là:
- Bản dịch đời Đông Tấn (năm 317-322) của ngài Miên thi-lợi Mật-đa-la;
- Bản dịch đời Lưu Tấn (năm 457) của ngài Huệ Giản;
- Bản dịch đời Tùy (năm 615) của ngài Đạt-ma-cấp-đa;
- Bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh (năm 707).
Tuy nhiên, bản của ngài Huyền Trang được sử dụng phổ biến nhất trong các chùa Bắc tông tại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng nền văn hóa và văn tự của nước này, nhờ tính chất văn chương và dễ đọc tụng.
Bản dịch tiếng Việt vẫn giữ nguyên cấu trúc của bản dịch chữ Hán, nhằm tạo vần điệu cho từng lời Kinh, giúp cho người đọc tụng dễ nhớ và trì tụng.
Trong bản dịch tiếng Việt, nhiều câu văn, cụm từ, câu và đoạn được hoán đổi cho nhau để mạch lạc hơn; những câu văn trùng lặp trong bản chữ Hán cũng đã được tỉnh lược.
Về kết cấu, Kinh Dược Sư gồm 17 phần, mỗi phần mang một tiêu đề liên hệ đến các phương diện khác nhau của pháp trị liệu khổ đau vật chất và khổ đau tinh thần. Trường hợp, phần nào mà nội dung của nó đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, thì tiêu đề của nó mang tính cách bao quát.
Việc phân chia như vậy giúp cho bố cục của bài Kinh được phân định rõ ràng, mặt khác, tạo sự chú tâm của hành giả khi trì tụng, với những ý tưởng gợi ý cụ thể và bao quát.
Ý nghĩa của Kinh Dược Sư
Theo lời Đức Phật, cách đây hơn mười căn dà sa có một cõi nước tên là Tịnh Lưu Ly, nơi đó Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là giáo chủ. “Căn dà sa” nghĩa là hằng hà sa (cát sông Hằng), ngụ ý nói rằng cõi Phật này xa vô tận.
Tên gọi vị Phật là: Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nghĩa là vị Phật này lấy hiệu là thầy thuốc để thể hiện lòng thương xót bằng từ tâm của vị Phật đến chúng sinh còn đau khổ, luôn lấy pháp dược để cứu mọi khổ đau của chúng sanh đang gánh chịu trong sự luân hồi. Như câu mà người ta thường nói:
“ Tâm từ trải khắp muôn phương
Tâm bi trải khắp mười phương chan hòa.
Tình người nở một đóa hoa
Từ bi vô ngã chan hòa tình thương”.
Để đạt đến quả vị Như Lai, các vị Phật phải hành Bồ Tát đạo, đặt lợi ích chúng sinh làm sự nghiệp, dùng tâm từ bi đứng đầu. Cho nên, vị nào hành Bồ Tát đạo luôn phải phải phát nguyện, chẳng hạn như: Đức Phật A Di Đà phát 48 lời nguyện, Quan Thế Âm Bồ Tát phát 12 đại nguyện, Đức Địa Tạng phát thệ nguyện: Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề.
Đức Phật Dược Sư đã phát 12 lời nguyện và đã dùng rất nhiều phương tiện để độ chúng sanh. Trong những lời nguyện đó luôn nghĩ đến lợi ích cho chúng sanh thoát khổ, được ấm no, tốt đẹp thân tướng.
Trong Kinh Dược Sư, ý nghĩa “Cầu chi được lấy” phản ánh tha lực độ sinh của chư Phật và Bồ Tát đối với chúng sinh chỉ mang ý nghĩa biểu trưng và thứ yếu. Trong khi đó, các ý tưởng sâu xa nằm trong từng lời Kinh mới chính là tư tưởng chủ đạo của Kinh Dược Sư, phản ánh tinh thần tự thân cho các chúng sinh đang khổ đau, do nhân quả của hành vi bản thân gây ra trong chuỗi kiếp sống.
Giới thiệu nguyện lực độ sinh của Phật Dược Sư là để làm trỗi dậy bản tính Phật tiềm ẩn trong từng con người, theo đó, mỗi đức tính cao cả, mỗi sự chuyển hoá tâm là một vị thuốc (Dược) cho sự sống của bản thân, và nhờ tinh thần tự cứu độ này, mỗi người là một vị thầy (Sư) cho chính mình.
Đọc tụng và hành trì Kinh Dược Sư là nhằm phát triển các đức tính cao đẹp trong mỗi người để trị liệu tâm bệnh của bản thân và chúng sinh vạn loài.
Tu hạnh Dược Sư để được đức Phật Lưu Ly Quang Vương ban cho chúng ta “thuốc” phúc - lộc - thọ, và để chúng ta “sống với dược chất tâm linh,” nhằm chữa lành các chứng bệnh vô minh, phiền não, nghiệp chướng cá nhân từ nhiều đời.
Chúng ta tụng đọc Kinh Dược Sư sẽ được nghe Phật dạy cách phải sống thế nào, phải tu tập tâm thế nào, chúng ta làm tất cả các thiện hạnh, rồi chuyển hóa tâm, phát khởi thiện tâm. Đó là cái chúng ta được chuyển hóa nghiệp.
Do chuyển hóa nghiệp, vâng theo lời Phật dạy như thế mà chúng ta được tiêu trừ bệnh tật, thọ mạng được kéo dài. Chứ không phải chúng ta chỉ đến rồi khấn Phật xin cho con được khỏe mạnh, được sống dai. Không Đức Phật nào phù hộ thế được, mà phải là sự tu tập chân thật. Đó là điều mà đạo Phật khác với các đạo khác, các tôn giáo khác: phải tu tập chân thật, không phải chỉ là cầu xin.
Cách tụng Kinh Dược Sư 2021 chuẩn nhất
Nguyện hương
(Cắm hương trước hoặc cầm hương đọc xong thì cắm hương)
Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)
Văn khấn bạch lễ
(Quỳ, chắp tay bạch)
1. Bạch lễ không phát tâm công đức mà tùy hỉ theo đại chúng:
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Nam mô Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát, Nam mô Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát. Con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con; chư vị Hộ Pháp, Thiện Thần, Thần Linh ủng hộ cho chúng con. Đệ tử con tên là:… Pháp danh:… Hiện đang ở tại:… Hôm nay là ngày… tháng… năm…. con xin tác lễ tu tập theo đàn lễ Dược Sư của chùa Ba Vàng và tùy hỉ công đức của tất cả mọi người để hồi hướng cầu bình an cho gia đình.
(Tùy theo hiện tượng mỗi năm, mỗi đợt dịch bệnh, hạn hán, lũ, cháy,… ở … (địa danh) mà thay đổi. Hiện tại khấn như sau:)
Chúng con cầu thỉnh sự gia trì của Tam Bảo, thỉnh chư Thiên chư Thần tạo các cơn mưa hoặc tạo các duyên để dập tắt được sự việc cháy rừng ở huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu và các duyên cháy rừng khác trên lãnh thổ đất nước Việt Nam.
Giờ này cũng xin nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh và độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng thỉnh mời tất cả chư vị vong linh gia tiên, vong linh trên đất ở, vong linh có hữu duyên, vong linh oan gia trái chủ trên bệnh tật ác nạn… hoan hỉ về tại đàn tràng, nghe kinh thính Pháp (Nếu cúng cơm thì đọc: và thọ lễ vật thực hiến cúng của chúng con).
Chúng con xin nhất tâm cung thỉnh chư Thiên, chư Thần cùng các vong linh mà chúng con đã mời, cùng với chúng con cùng tu tập.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông) (1 lễ)
2. Bạch lễ có phát tâm công đức:
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Nam mô Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát, Nam mô Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát. Con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con; chư vị Hộ Pháp, Thiện Thần, Thần Linh ủng hộ cho chúng con. Đệ tử con tên là:… Pháp danh:… Hiện đang ở tại:… Hôm nay là ngày… tháng… năm… con xin tác lễ tu tập theo đàn lễ Dược Sư của chùa Ba Vàng cùng làm các công đức để hồi hướng cầu bình an cho gia đình. Con xin tác phúc cúng dường Tam Bảo tứ sự hộ trì chư Tăng là:...; Ấn tống kinh sách là...; Phóng sinh là...; Từ thiện xã hội là... (Nếu tham gia công đức một lần, các buổi tu sau đọc là: Con đã tác phúc các công đức...)
(Tùy theo hiện tượng mỗi năm, mỗi đợt dịch bệnh, hạn hán, lũ, cháy,… ở … (địa danh) mà thay đổi. Hiện tại khấn như sau:)
Chúng con cầu thỉnh sự gia trì của Tam Bảo, thỉnh chư Thiên chư Thần tạo các cơn mưa hoặc tạo các duyên để dập tắt được sự việc cháy rừng ở huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu và các duyên cháy rừng khác trên lãnh thổ đất nước Việt Nam.
Giờ này cũng xin nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh và độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng thỉnh mời tất cả chư vị vong linh gia tiên, vong linh trên đất ở, vong linh có hữu duyên, vong linh oan gia trái chủ trên bệnh tật ác nạn… hoan hỉ về tại đàn tràng, nghe kinh thính Pháp (Nếu cúng cơm thì đọc: và thọ lễ vật thực hiến cúng của chúng con).
Chúng con xin nhất tâm cung thỉnh chư Thiên, chư Thần cùng các vong linh mà chúng con đã mời, cùng với chúng con cùng tu tập.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông) (1 lễ)
Tán Phật
(Tùy duyên lễ quỳ hoặc đứng; chắp tay đọc; pháp khí: khánh)
Đấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loài
Quy y trọn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận. (1 chuông)
Quán tưởng
(Tùy duyên lễ quỳ hoặc đứng; chắp tay đọc; pháp khí: khánh)
Phật chúng sinh tính thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật Bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. (1 chuông)
Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 chuông) (1 lễ)
Xưng dương Như Lai hiệu
(Quỳ hoặc đứng; chắp tay đọc)
Nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. (1 chuông)
Nhất thiết cung kính nhất tâm kính lễ
(Tùy duyên lễ quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh, chuông)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương ở cõi Quang Thắng phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương ở cõi Diệu Bảo phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu ở cõi Viên Mãn Hương Tích phương Đông, cùng chư Phật khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường ở cõi Vô Ưu phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Pháp Hải Lôi Âm ở cõi Pháp Tràng phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hý Thần Thông ở cõi Thiện Trụ Bảo Hải phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Dược Sư Lưu Ly Quang ở cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Kinh Bản Nguyện Công Đức của Phật Dược Sư và chú Quán Đỉnh cùng Tôn Pháp ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Bồ tát Nhật Quang Biến Chiếu ở cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, cùng chư Bồ tát ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Bồ tát Nguyệt Quang Biến Chiếu ở cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, cùng chư Bồ tát ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Thánh chúng trong Hải hội Thanh tịnh ở cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, cùng Thánh chúng ở khắp Pháp giới. (1 chuông) (1 lễ)
Sám hối
(Quỳ khai chuông mõ sám hối; pháp khí: mõ, chuông)
Đệ tử chúng con một lòng thành
Xin giãi bày tội lỗi xưa nay
Xét con tạo ác đã dày
Vì ngu, tham, giận mà gây thói tà.
Thân, miệng, ý sinh ra mọi tội
Suy cho cùng đều bởi sáu căn.
Mắt ưa sắc, lưỡi tham ăn
Tai say mê tiếng, mũi thuần mến hương.
Thân thích xúc, lòng vương mọi pháp
Hợp cùng nhau tạo ác vô cùng
Xấu xa chất chứa đầy lòng
Hại người, hại vật thật không thiếu gì.
Lòng tham, giận, ngu si điên đảo
Miệng điêu ngoa trở tráo trăm chiều
Bỗng dưng thường đặt nên điều
Ăn không nói có dệt thêu hại người.
Hết nguyền rủa lại lời độc ác,
Chẳng khác gì Càn Thát, Ma Vương,
Thân còn trộm cắp đủ đường
Tham tàn giết hại chẳng thương muôn loài.
Thói nguyệt hoa đêm ngày say đắm
Làm bao điều rối loạn nhân luân
Nay con hổ thẹn muôn phần
Vì mê nên đã trầm luân bao đời.
Thân chẳng khác bèo trôi sóng vỗ
Chịu đắm chìm biển khổ sông mê
Bấy lâu chưa biết đường về
Cam lòng theo nghiệp dắt đi đủ đường.
Chư Phật rộng lòng thương con dại
Muốn cứu con thoát khỏi luân hồi
Gắng công cầu đạo không ngơi
Trải bao cay đắng chẳng lui chuyển lòng.
Tổn tính mệnh cũng không hề tiếc
Nguyện đời đời độ hết chúng sinh
Con nay dốc một lòng thành
Cúi xin giải tỏ tội tình của con.
Bằng tơ tóc chẳng còn dám giấu
Sám hối cầu Tam Bảo chứng minh
Trước cầu sạch tội của mình
Sau xin cho cả chúng sinh mọi loài.
Bao tội lỗi đồng thời giải thoát
Dốc lòng thành xin Phật rộng thương
Từ nay chẳng dám tưởng màng
Gây nên tội ác để mang sau này.
Việc phúc thiện đêm ngày xin gắng
Đạo Bồ đề nguyện chứng không lui
Được rồi xin độ muôn loài
Đều cùng thành Phật đời đời yên vui.
Xin cho con được như lời
Sám hối phát nguyện đã rồi
Con xin lễ Phật cùng mười phương Tăng. (3 chuông)
Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Thập phương Pháp giới Thường trụ Tam Bảo. (1 chuông) (1 lễ)
Tán lư hương
(Ngồi đọc; pháp khí: mõ, chuông)
Lư trầm vừa đốt,
Pháp giới thơm lừng,
Xa đưa Hải hội Phật đều mừng.
Đâu đâu cũng thấy cát tường vân,
Thành ý ân cần, chư Phật hiện toàn thân.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần) (3 chuông)
Tán kinh
(Ngồi đọc. Pháp khí: mõ, chuông)
Sa Bà chẳng ở được lâu dài,
Sớm liệu tụng kinh cửa Phật đài,
Hai sáu nguyện vương tiêu hết tội,
Ba nghìn Hóa Phật rủ lòng soi.
Hoa sen Tây Trúc đầy thơm ngát,
Quả phúc Nam Diêm được tốt tươi,
Giải kết, tiêu tai, thêm tuổi thọ,
Vững vàng bản mệnh, được yên vui.
Nam mô Tiêu tai Diên Thọ Dược Sư Phật. (3 lần) (3 chuông)
Tán Pháp
(Ngồi đọc; pháp khí: mõ, chuông)
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn
Trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ
Nguyện hiểu nghĩa chân đức Thế Tôn.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần) (3 chuông)
Tán thán mười hai nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly
(Ngồi đọc. Pháp khí: mõ, chuông)
Nguyện thứ nhất: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Chính Đẳng Chính Giác, thân Ta có hào quang sáng suốt, rực rỡ chiếu khắp vô lượng, vô số, vô biên thế giới, khiến cho tất cả chúng hữu tình đều có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, cùng tám chục món tùy hình trang nghiêm như thân của Ta vậy. (1 chuông)
Nguyện thứ hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, thân Ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi, công đức cao vòi vọi và an trú giữa từng lưới dệt bằng tia sáng, tỏ hơn vầng nhật nguyệt. Chúng sinh trong cõi u minh đều nhờ ánh sáng ấy mà tâm trí được mở mang và tùy ý muốn đi đến chỗ nào để làm các sự nghiệp gì cũng đều được cả. (1 chuông)
Nguyện thứ ba: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, dùng trí tuệ phương tiện vô lượng vô biên độ cho chúng hữu tình, khiến ai nấy đều có đủ các vật dụng, chứ không cho ai phải chịu sự thiếu thốn. (1 chuông)
Nguyện thứ tư: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình tu theo tà đạo, thì Ta khiến họ quay về an trụ trong đạo Bồ Đề, hoặc có những người tu hành theo hạnh Thanh Văn, Độc Giác, thì Ta cũng lấy phép đại thừa mà dạy bảo cho họ. (1 chuông)
Nguyện thứ năm: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nhiều vô lượng, vô biên ở trong giáo pháp của Ta mà tu hành theo hạnh thanh tịnh thì Ta khiến cho tất cả đều giữ được giới pháp hoàn toàn đầy đủ cả tam tụ tịnh giới. Giả sử có người nào bị tội hủy phạm giới pháp mà khi đã nghe được danh hiệu Ta thì trở lại được thanh tịnh, khỏi sa vào đường ác. (1 chuông)
Nguyện thứ sáu: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào thân hình hèn hạ, các căn không đủ, xấu xa, khờ khạo, tai điếc, mắt đui, nói năng ngọng lịu, tay chân tật nguyền, lác hủi, điên cuồng, chịu tất cả những bệnh khổ ấy mà khi đã nghe danh hiệu Ta thì liền được thân hình đoan chính, tâm tính khôn ngoan, các căn đầy đủ, không còn những bệnh khổ ấy nữa. (1 chuông)
Nguyện thứ bảy: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào bị những chứng bệnh hiểm nghèo không ai cứu chữa, không ai để nương nhờ, không gặp thầy, không gặp thuốc, không bà con, không nhà cửa, chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khổ, mà nếu danh hiệu Ta đã nghe lọt vào tai một lần thì tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. (1 chuông)
Nguyện thứ tám: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có những phụ nữ nào bị trăm điều hèn hạ khổ sở của thân gái làm cho buồn rầu, bực tức, sinh tâm nhàm chán, muốn bỏ thân ấy, mà nếu nghe danh hiệu Ta rồi thì tất cả đều được chuyển thân gái thành thân trai, có đủ hình tướng trượng phu, cho đến chứng được đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. (1 chuông)
Nguyện thứ chín: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, thì khiến cho chúng hữu tình ra khỏi vòng lưới ma nghiệp, được giải thoát tất cả sự ràng buộc của ngoại đạo. Nếu có những kẻ sa vào rừng ác kiến, Ta nhiếp dẫn họ trở về với chính kiến và dần dần họ tu tập theo các hạnh Bồ tát được mau chứng đạo chính đẳng Bồ Đề. (1 chuông)
Nguyện thứ mười: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào mà pháp luật nhà Vua gia tội phải bị xiềng xích, đánh đập, hoặc bị giam giữ trong chốn lao tù, hoặc bị chém giết, hoặc bị nhiều tai nạn nhục nhã, thân tâm chịu những nỗi khổ, buồn rầu, bứt rứt, nếu nghe đến danh hiệu Ta, thì nhờ sức oai thần phước đức của Ta đều được giải thoát tất cả những nỗi ưu khổ ấy. (1 chuông)
Nguyện thứ mười một: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào bị sự đói khát hoành hành, đến nỗi vì tạo miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ, mà nếu nghe danh hiệu Ta rồi chuyên niệm thọ trì thì trước hết Ta dùng các món ăn uống ngon lạ ban bố cho thân họ được no đủ và sau Ta mới đem Pháp vị nhiệm mầu kiến lập cho họ cái cảnh giới an lạc hoàn toàn. (1 chuông)
Nguyện thứ mười hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào nghèo đến nỗi không có áo che thân, bị muỗi mòng cắn đốt, nóng lạnh dãi dầu, ngày đêm khổ bức, nếu nghe đến danh hiệu Ta mà chuyên niệm thọ trì thì Ta sẽ khiến cho được như ý muốn: Nào các thứ y phục tốt đẹp, nào các bảo vật trang nghiêm, nào tràng hoa, phấn sáp bát ngát mùi thơm và trống nhạc cùng những điệu ca múa tùy tâm muốn thưởng thức món nào cũng được thỏa mãn cả. (1 chuông)
Dược Sư thần chú
(Ngồi đọc; pháp khí: mõ, chuông)
Nam mô Bạt già bạt đế. Bệ sát xả, lũ rô thích lưu ly. Bát lặt bà, hắt ra xà giả. Đát tha yết đa ra, a ra ha đế, tam miệu tam bột đà da, Đát điệt tha. Án, Bệ sát thệ, Bệ sát thệ, Bệ sát xả, Tam một yết đế tóa ha.(7 lần) (3 chuông)
Tán thán pháp hội Dược Sư
(Ngồi đọc; pháp khí: mõ, chuông)
Hải hội Dược Sư,
Sáng rực thần quang,
Tám vị Bồ Tát giáng cát tường,
Bảy vị Phật tuyên dương.
Nhật nguyệt hồi quang,
Ban phúc thọ an khang,
Giải kết, giải kết, giải oan kết,
Nghiệp chướng bao đời đều giải hết,
Rửa sạch lòng trần, phát tâm thành,
Đối trước Phật đài, cầu giải kết.
Dược Sư Phật, Dược Sư Phật.
Tiêu tai Diên Thọ Dược Sư Phật,
Tùy tâm mãn nguyện Dược Sư Phật. (1 chuông)
Bài niệm Phật
(Ngồi đọc; pháp khí: mõ, chuông)
Mười hai nguyện lớn, giáo chủ Đông phương.
Bốn chín đèn soi sáng đàn trường.
Bảy bảy đức chân thường, lễ bái tán dương.
Hết tai nạn được thọ trường.
Nam mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật. (30 lần) (1 chuông)
Nam mô Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát. (3 lần) (1 chuông)
Nam mô Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát. (3 lần) (1 chuông)
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (3 lần) (3 chuông)
Phổ Hiền hạnh nguyện
(Ngồi đọc; pháp khí: mõ)
Đệ tử chúng con tùy thuận tu tập mười nguyện lớn của đức Phổ Hiền Bồ Tát:
Một là kính lễ chư Phật.
Hai là xưng tán Như Lai.
Ba là rộng tu cúng dường.
Bốn là sám hối nghiệp chướng.
Năm là tùy hỷ công đức.
Sáu là thỉnh Phật chuyển pháp.
Bảy là thỉnh Phật trụ thế.
Tám là thường theo học Phật.
Chín là hằng thuận chúng sinh.
Mười là hồi hướng khắp tất cả.
(Nếu cúng cơm thì quỳ gối chắp tay khấn)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh, chư Hộ Pháp, chư Thiên, chư Thần Linh chứng giám, chư vong linh hoan hỷ, hôm nay gia đình chúng con thành tâm nương đức chư Tăng chùa Ba Vàng, tu tập theo đàn lễ Dược Sư, chúng con xin có bát cơm chén nước lòng thành dâng lên cúng dường:
Thượng: Chúng con xin dâng lên cúng dường thập phương chư Phật chứng minh.
Trung: Chúng con xin dâng lên cúng dường chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh.
Hạ: Chúng con xin dâng lên cúng dường chư Thiên, chư Thần Linh, Thổ Địa tại nơi đây.
Sau: Chúng con xin được nương oai lực Tam Bảo, hiến cúng cho tất cả các vong linh đã thỉnh mời. Nguyện cho các vong linh được nương sự bố thí trong đàn lễ cúng này của con mà được thọ thực no đủ.
(Ngồi; đọc chú Biến thực, Biến thủy; pháp khí: mõ, chuông)
Chú biến thực: Nam mô tát phạ đát tha, nga đá phả rô chỉ đế, ám tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (7 lần) (1 chuông)
Chú biến thủy: Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đá ra, đát điệt tha, án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (7 lần) (1 chuông)
Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (7 lần) (3 chuông)
Phục nguyện
(Quỳ, chắp tay đọc)
Đệ tử chúng con thành tâm đối trước Phật đài tán dương công đức chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền và sám hối, cùng các công đức đã phát nguyện hồi hướng cho: (đọc mong cầu)... và cả gia đình con được tai ách tiêu trừ, oan khiên hóa giải, bệnh căn thuyên giảm, gia quyến an khang, cả gia đình được cùng nhau tu theo chính Pháp của Phật.
Chúng con lại hồi hướng nguyện cho các vong linh gia tiên... cùng các vong linh trên đất, vong linh oan gia trái chủ có hữu duyên với cả gia đình chúng con được nương về nơi Tam Bảo kết duyên pháp lữ với chúng con cùng nhau tu theo chính Pháp của Phật cho tới ngày thành Phật.
Chúng con lại xin nguyện cho chính Pháp của Phật được tuyên dương, thế giới được hòa bình, mọi loài được tu theo Phật pháp.
(Tùy theo hiện tượng mỗi năm, mỗi đợt dịch bệnh, hạn hán, lũ, cháy,… ở … (địa danh) mà thay đổi phần hồi hướng. Hiện tại hồi hướng như sau:)
Chúng con cầu thỉnh sự gia trì của Tam Bảo, thỉnh chư Thiên chư Thần tạo các cơn mưa hoặc tạo các duyên để dập tắt được sự việc cháy rừng ở huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu và các duyên cháy rừng khác trên lãnh thổ đất nước Việt Nam.
Chúng con lại hồi hướng nguyện cầu đất nước có minh quân và các cấp lãnh đạo, là những người có tín tâm với chính Pháp của Phật, ủng hộ cho Phật Pháp, hộ trì cho nhân dân đất nước được bình an.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông) (1 lễ)
Hồi hướng
(Quỳ ; pháp khí: mõ, chuông)
Tụng kinh công đức có bao nhiêu,
Con xin lấy đó hồi hướng về,
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn. (1 chuông)
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện các tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ tát đạo. (1 chuông)
Nguyện đem công đức tu hành này,
Chan rải mười phương khắp tất cả,
Hết thảy chúng con cùng các loài,
Đồng được lên ngôi Vô Thượng giác. (1 chuông)
Tam tự quy
(Tùy duyên quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh, chuông)
Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 chuông) (1 lễ)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 chuông) (1 lễ)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (3 chuông) (1 lễ)
Hành trì Kinh Dược Sư thế nào để được lợi ích?
Trong Kinh Dược Sư có đoạn: “...Nếu có người bệnh nào, muốn khỏi bệnh khổ thì quyến thuộc họ phải thọ trì tám phần trai giới trong bảy ngày, bảy đêm tùy theo sức mình, sắm sửa đồ ăn uống và các thứ cần dùng khác cúng dường đến chư Tăng ngày đêm sáu thời, lễ bái cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đọc tụng kinh này bốn mươi chín biến và thắp bốn mươi chín ngọn đèn, lại tạo bảy hình tượng đức Dược Sư trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, mỗi ngọn lớn như bánh xe, đốt luôn trong bốn mươi chín ngày đêm đừng cho tắt; còn cái thần phan thì làm bằng hàng ngũ sắc bề dài bốn mươi chín gang tay và phải phóng sinh bốn mươi chín thứ loài vật thì người bệnh ấy qua khỏi ách nạn, không còn bị hoạnh tử và bị các loài quỷ nhiễu hại”.
Có nhiều người chưa hiểu được lời kinh dạy nên cho rằng chỉ cần đọc những lời kinh là có thể chuyển hóa nghiệp chướng, kéo dài tuổi thọ.
Nhưng thực tế, muốn được lợi ích chân thật thì ngoài việc tụng đọc cần phải hành trì, tức là thực hành những điều trong kinh Đức Phật dạy.
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Muốn cho thân nhân chúng ta khỏi bệnh thì quyến thuộc, tức là người thân trong gia đình phải thọ trì tám phần trai giới trong bảy ngày cho thanh tịnh, rồi tùy sức của mình sắm sửa đồ ăn uống và các thứ cần dùng, cúng dường đến chư Tăng, ngày đêm sáu thời lễ bái, cúng dường Đức Phật Dược Sư...”
Bên cạnh đó, chúng ta phải tu tập cung kính Tam Bảo, tán thán ngợi ca công đức Tam Bảo, lễ Phật sám hối tội lỗi, tụng kinh, trì trai giữ giới, thực tập tất cả các tâm thiện lành. Chúng ta phải biết cúng dường Tam Bảo, biết bố thí cho những người nghèo khổ, biết giúp đỡ cho những người bệnh tật, biết phóng sinh cứu vật, tu tập tâm từ bi, tâm thương yêu. Không những thế, chúng ta còn phát cái tâm rộng lớn thì tất cả những việc làm này nó đều giúp cho chúng ta được chuyển hóa nghiệp.
Nghiệp lực có sức chiêu cảm rất mạnh mẽ. Nó quyết định cuộc sống của chúng ta. Những nghiệp ác đã gây sẽ mang đến những tai nạn, khổ đau cho chúng ta. Thực hành theo lời Đức Phật dạy trong Kinh Dược Sư chính là phương pháp giúp chúng ta tiêu bớt ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp.
Xem thêm: Ý nghĩa của Kinh Phổ Môn và cách tụng Kinh Phổ Môn chuẩn nhất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận