Bệnh tật đầy mình, cuộc sống vô nghĩa: Đức Phật chỉ rõ 5 nguyên nhân khiến người đàn ông bừng tỉnh
Người đàn ông mang trong mình nhiều bệnh tật tìm đến Đức Phật để hỏi về Phật pháp nhưng được Ngài chỉ rõ nguyên nhân gây bệnh.
Đức Phật chỉ rõ nguyên nhân gây bệnh của người đàn ông
Tài liệu ghi chép lại, một lần, Đức Phật đang ngồi nói chuyện với các môn đồ ở một tịnh xá của thành phố Savatthi (một thành phố của Ấn Độ thời cổ đại) thì bỗng có một vị khách khác biệt xuất hiện.
Vị khách này trông có vẻ giàu có vì trên người ông ta từ quần áo đến đồ trang sức đều là đắt tiền. Tuy nhiên, trông ông ta không hề vui vẻ, mà trái lại, từ sắc mặt cho đến giọng nói đều toát ra sự mệt mỏi và uể oải.
Người đàn ông khi thấy Đức Phật thì hai tay đan vào nhau, tỏ lòng thành kính, lễ phép nói: "Thưa Đức Phật, được biết Ngài ở đây nên tôi đã tới để chào Ngài, xin Ngài thứ lỗi vì tôi không thể hành lễ với Ngài đúng như lệ thường, như ý muốn của tôi, vì cơ thể tôi quá nặng nề, không có chỗ nào trên người mà tôi không thấy đau đớn, uể oải, mỗi bước tôi đi đều là một sự gắng sức".
Đức Phật thấy rõ vẻ đau đớn của người đàn ông này nên hỏi: "Vậy ngươi có muốn biết nguyên nhân gây ra bệnh tật của ngươi không?".
Điều này khiến người đàn ông bất ngờ vì vốn ông ta chỉ đến diện kiến Đức Phật để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với Ngài. Ông ta muốn rằng, nếu có thể Đức Phật sẽ khai sáng tâm trí khỏi sự u mê và trì trệ đang ngày ngày khiến ông ta dần cảm thấy mệt mỏi và chán nản, thấy cuộc sống của mình mất đi ý nghĩa.
Chính vì thế, khi được Đức Phật hỏi như vậy, người đàn ông đã nói rất vui lòng được biết.
Đức Phật nghiêm khắc nói: "Có 5 nguyên nhân gây ra sự khó chịu và đau đớn mà ngươi đang phải chịu đựng. Thứ nhất, ngươi ăn bữa tối quá no, thứ hai, ngươi ngủ quá nhiều, thứ ba, ngươi có cuộc sống quá trụy lạc, thứ tư, ngươi chẳng để tâm đến điều gì, và thứ năm, ngươi lười lao động".
Những lời Đức Phật nói ra khiến người đàn ông giật mình. Ông ta thầm nghĩ tại sao Đức Phật ở một nơi xa như vậy mà lại biết rõ cuộc sống của ông ta đến thế.
Quả thực, là một người giàu có, lắm tiền nhiều của, nên người đàn ông này đã được thưởng thức đủ thứ của ngon vật lạ trên đời. Mỗi lần ăn gì là ông ta sẽ ăn cho thỏa thích.
Ông ta cũng thường xuyên vui chơi thâu đêm suốt sáng trong những cuộc tụ tập, chè chén. Cuộc đời là chuỗi này chơi mệt thì ngủ, ngủ chán lại chơi nối tiếp nhau, chẳng rõ ranh giới giữa ngày và đêm, giữa say và tỉnh. Quá nhiều tiền bạc thì sao phải làm việc, chỉ có kẻ nghèo khổ mới làm việc thôi, ông ta nghĩ vậy.
Người đàn ông xin lời khuyên của Đức Phật: "Vậy tôi nên làm gì để thoát khỏi sự khổ sở này, thưa Đức Phật?"
Đức Phật thong thả nói: "Ngươi hãy tự biết kiểm soát bản thân trong việc ăn uống. Thêm nữa, hãy tìm cho mình những công việc nào đó có thể phát huy những khả năng của ngươi, giúp ngươi trở thành người có ích với xã hội. Chỉ cần làm như vậy thì bệnh tật của ngươi sẽ tự nhiên thuyên giảm, ngươi sẽ sống thọ hơn".
Những lời dạy của Đức Phật khiến người đàn ông như bừng tỉnh. Ông ta định hỏi thêm, nhưng Đức Phật nói, ở nhà có nhiều việc đang chờ ông ta, hãy về nhà làm đúng như vậy.
Sau đó một thời gian, người đàn ông này quay lại gặp Đức Phật. Ngoại hình của ông ta thay đổi đến nỗi nếu như không giới thiệu có lẽ không ai nhận ra. Không còn là thân hình ục ịch như ngày nào, thay vào đó là một người tác phong nhanh nhẹn, thanh thoát, từ sắc mặt đến thần thái đều tốt hơn trước rất nhiều. Lần này, ông ta tự đi bộ chứ không cần xe ngựa và mang theo người hầu như trước.
Người đàn ông quỳ sụp xuống, bày tỏ sự thành tâm và cung kính: "Thưa Đức Phật, Ngài đã chữa khỏi cho tôi nhiều căn bệnh về thể chất, giờ đây tôi đến đây, xin được Ngài khai mở trí tuệ".
Đức Phật dặn dò: "Người bình thường chỉ biết nuôi dưỡng cơ thể, còn người thông tuệ sẽ biết cả việc nuôi dưỡng tâm hồn. Nếu chỉ biết thỏa mãn vị giác của mình là ngươi đang tự hủy hoại bản thân mình. Khi đi theo Phật pháp, ngươi sẽ biết bảo vệ bản thân khỏi những cái xấu và có được một cuộc sống dài lâu".
Lời Phật dạy: 5 điều cần tránh để sống vui khỏe
Lời dạy của Đức Phật cho người đàn ông nhiều bệnh trên đây cũng chính là lời khuyên cho tất cả chúng ta. Mỗi người cần ghi nhớ những lời dạy và áp dụng vào cuộc sống của mình. Muốn cuộc sống khỏe mạnh, vui tươi hãy tránh các việc sau:
Ăn bữa tối quá no
Muốn giữ sức khỏe, tránh bệnh tật, hãy ăn tối trước khi ngủ khoảng 2-3 tiếng và không nên ăn quá nhiều.
Bệnh trong cơ thể một phần do việc ăn quá no. Việc này thường gây ra áp lực không hề nhỏ cho dạ dày phải làm việc quá nhiều trong một thời điểm.
Khi ngủ mọi cơ quan gần như nghỉ ngơi, máu lưu thông chậm lại, ăn no làm mỡ trong máu tăng lên, dễ tích lắng ở thành huyết quản ảnh hưởng đến tính đàn hồi của mạch máu, dẫn tới xơ cứng động mạch.
Con người ăn tối quá no, thức ăn chưa tiêu hóa hết thì giấc ngủ đã tìm đến. Lượng thức ăn chưa tiêu hóa hết có thể phân huỷ thành độc tố làm tổn thương đến hệ thần kinh trung ương, khi lượng máu không đủ cấp cho não bộ sẽ làm giảm trí nhớ và tư duy của bạn.
Nếu bạn cứ duy trì thói quen ăn no vào buổi tối, còn khiến xương của chúng ta mất đi chất khoáng thiết yếu, từ đó làm tăng cao nguy cơ mắc phải bệnh loãng xương.
Ngủ quá nhiều
Chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động hàng ngày, cho công việc, thay vì ngủ quá nhiều, bởi cuộc đời này ngắn lắm.
Ngủ đủ giấc thì tốt cho sức khỏe nhưng không có nghĩa ngủ càng nhiều càng tốt. Ngủ nhiều sẽ sinh ra một số bệnh tật như nếu bạn nằm ngủ trong một thời gian dài ở một vị trí sẽ gây ra tình trạng cứng cơ và làm đau nhức người thêm.
Việc chúng ta ngủ quá nhiều còn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của não bộ. Điều này sẽ làm bạn kém tập trung, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các công việc hằng ngày thậm chí khiến bạn tăng rủi ro mắc bệnh về tâm lý. Rối loạn nhịp sinh học xảy ra khi đồng hồ sinh học của cơ thể bạn không đồng bộ với lịch trình thời gian ngày và đêm tự nhiên. Những rối loạn này có thể sẽ khiến bạn khó ngủ vào ban đêm nhưng lại dễ buồn ngủ vào ban ngày.
Cuộc sống quá trụy lạc
Nhiều người mải sa đà vào các cuộc ăn chơi, trác táng, nghĩ rằng như thế mới là đáng sống. Nhưng, đến khi tĩnh lặng, lại thấy hoang mang, sợ hãi về con người mình. Con người ta không thể nào lừa dối chính mình.
Từ những thú vui sa đọa mà kéo theo những nguy cơ bệnh tật không thể lường trước được. Thậm chí, còn khiến bản thân vướng vào vòng lao lý.
Lối sống trụy lạc không chỉ gây lãng phí thời gian và tiền bạc mà còn khiến cuộc sống trở nên vô nghĩa.
Lười lao động
Lời Phật dạy trong kinh Bồ Tát Bổn Hạnh: “Tính biếng nhác đem lại hậu quả vô cùng tai hại. Nếu người ở đời mà biếng nhác thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tài sản nghiệp nhà không phát triển. Nếu hàng xuất gia mà biếng nhác thì không thể vượt ra khỏi bể khổ sanh tử. Do đó biết rằng tất cả kết quả tốt đẹp đều phát sinh từ hạnh tinh tấn”.
Lao động không chỉ giúp con người tạo ra tiền bạc để duy trì cuộc sống mà còn giúp chúng ta có sức khỏe dẻo dai. Người nào không lao động sẽ không thể thấy được ý nghĩa của cuộc đời. Chỉ khi được làm điều mình thích và điều đó mang tới lợi ích của những người xung quanh mình thì bạn mới vui tươi, tràn đầy nhựa sống.
Vô tâm
Sống ở đời hãy nên biết quan tâm tới người khác, cảm nhận của người khác vì khi bạn làm tổn thương người khác cũng chính là tổn thương chính mình.
Khi bạn cảm thấy lạnh lẽo trong tình cảm thì tự nhiên muốn thu mình lại, dễ bị trầm cảm và bệnh tật cũng dễ kéo đến khi tinh thần của bạn luôn ủ ê, sầu não, không người tâm sự, chia sẻ buồn vui.
Xem thêm: Nhà Phật chỉ ra 3 khổ nạn lớn nhất của đời người, vượt qua được ắt có cuộc sống an nhàn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận