Vì sao người thầy giáo lại được kính ngưỡng trong văn hóa truyền thống?
Người xưa từng nói: "Một ngày làm thầy, cả đời làm cha" nhằm đề cao phẩm chất đạo đức cũng như sự tôn kính của người mang trong mình trọng trách giáo dục thế hệ tương lai của quốc gia.
Trong xã hội xưa, người thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước.
Không có gì thay đổi được nhân cách người thầy
Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa “Quân - Sư - Phụ” thì người thầy chỉ đứng sau vua, người được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là người mà nhân dân gửi gắm niềm tin để giúp con em họ học hành mà thành tài.
Có nhiều câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”...Đạo làm thầy không đơn giản chỉ là dạy học, mà còn phải truyền thụ đạo lý đối nhân xử thế cho học sinh. Chính vì vậy ngày xưa tiêu chuẩn làm thầy rất khắt khe, nên được cả xã hội kính trọng và hầu như không có ứ đàm tiếu về phẩm hạnh của người thầy.
Hình ảnh của thầy đồ ngày xưa vẫn còn lưu truyền trong các câu truyện dân gian, truyện tiếu lâm… Đó là một người thầy già, xuất hiện với dáng vẻ đạo mạo, thư thái nhưng rất nghiêm nghị, luôn hà khắc với học trò. Thầy có một chiếc roi mây, nếu học trò viết sai, hay lơ là việc học thì có thể bị xử phạt. Chính vì sợ thầy mà người học trò xưa chăm chút từng nét chữ, nghiêm túc trong học hành.
Ngọn roi của người thầy xưa là ngọn roi của một người có lối sống chuẩn mực, đức cao vọng trọng, nên rất “lành”, cũng hoàn toàn xuất phát từ tâm huyết với học trò, nên rất được các bậc cha mẹ tin tưởng. Thậm chí “yêu cho roi cho vọt” đã trở thành một trong những tiêu chuẩn để thể hiện sự quan tâm của thầy đối với trò.
Người thầy là trung tâm của giáo dục
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng: An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học.
Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.
Trong xã hội xưa, cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” được gắn với tính mô phạm, khuôn phép, nhân cách, đạo đức. Vì thế, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò chứ không thể có bất cứ một yếu tố nào chi phối giá trị này. Muốn được học trò tôn kính, thầy phải giữ đúng chữ đạo làm thầy, thầy phải là biểu tượng của nhân cách cao đẹp, đạo đức chuẩn mực và tài trí hơn người.
Về phía học trò, cũng phải giữ đúng “đạo học trò”, biết nghe lời thầy, biết chăm chỉ học tập và biết ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm. Chính vì vậy, trò vi phạm, nhất là phạm lỗi đạo đức, thầy trách phạt, thậm chí dùng roi đánh vào tay, vào lưng, thậm chí từ chối sự giáo dục để học trò nhận ra lỗi lầm của mình nhưng trò và gia đình không hề kêu ca, không hề trách mắng thầy vì họ đều nhận thức được rằng, có như vậy, bản thân mới nên người, mới cố gắng học hành để thành đạt.
Khi gặp thầy, trò phải thực hiện những nghi lễ chào hỏi một cách cung kính. Nếu không làm hoặc làm sai có nghĩa là không giữ đúng đạo làm trò.
Khi mặt trái của xã hội chi phối
Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngày nay đã, đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố tiêu cực. Những yếu tố này thuộc về nhiều phía, cả phía người thầy, phía xã hội, phía học trò. Về phía người thầy, có không ít thầy cô có năng lực chuyên môn nghiệp vụ yếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới, có không ít thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo như chửi mắng học trò, đánh đập, hành hung, hành hạ học trò, dùng những hành vi để ép buộc học trò phải học thêm, tiêu cực trong thi cử...Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ các thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án để gieo mầm tri thức, khiến cho xã hội có cái nhìn khác về hình ảnh người thầy, một biểu tượng vốn là thiêng liêng trong xã hội.
Khác với quan điểm “lấy thầy làm trung tâm”, giáo dục ngày nay đã thay đổi thành “lấy học sinh làm trung tâm”. Với triết lý ấy, có người đã mạnh dạn phát biểu: “Học trò cũng có thể là… thầy mình”, khiến cho hình ảnh người thầy bị hạ thấp xuống nhiều lắm. Những người thầy của bao đấng Quân Vương, những hiền tài mà lịch sử chắt chiu hàng nghìn năm mới có, ngày nay liệu có thể còn xuất hiện?
Triết lý sâu sắc của Lão Tử: " Biết người khác là thông minh, biết mình là trí tuệ đích thực"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận