Gen Z chú ý: Bạn đã biết những lỗi vi phạm giao thông không bị lập biên bản này chưa?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có một số lỗi vi phạm giao thông khi gặp phải chúng ta có thể nộp phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản. Cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây của Sống đẹp nhé!

Thái An
07:44 24/04/2022 Thái An
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tham gia giao thông là điều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần làm trong đời sống sinh hoạt thường ngày. 

Tuy nhiên, khi tham gia giao thông nhưng lại bị cảnh sát tuýt còi lập biên bản lại là điều chắc chắn không một ai mong muốn. 

Một câu hỏi có thể bạn sẽ đôi lần thắc mắc đó là, liệu lỗi vi phạm giao thông nào cũng bắt buộc bị lập biên bản xử phạt không? Để giải đáp thắc mắc này, Gen Z hãy tìm hiểu bài viết dưới đây cùng Sống đẹp nhé!

Thế nào là vi phạm giao thông? Biên bản xử phạt giao thông là gì?

Vi phạm giao thông là hành vi của người tham gia giao thông đường bộ đã không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định được nêu trong luật giao thông đường bộ trong việc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ có thể kể đến như: điều khiển xe cơ giới mà không có giấy phép lái xe, điều khiển xe mô tô, xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, trong cơ thể có nồng độ cồn, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.,…

Theo quy định tại khoản 2 điều 2 Luật xử lí vi phạm hành chính 2012, hành vi xử phạt vi phạm là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Trên tinh thần của quy định trên, xử phạt vi phạm giao thông là hành vi của người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

vi-pham-giao-thong-truong-hop-nao-khong-bi-lap-bien-ban-1

Biên bản xử phạt vi phạm giao thông chính là biên bản ghi nhận hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là cơ sở để cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó.

Có phải lỗi nào cũng bắt buộc lập biên bản vi phạm giao thông không?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể khẳng định không phải tất cả lỗi vi phạm giao thông đều phải lập biên bản.

Cụ thể, tại Điều 56, Luật xử lí vi phạm hành chính 2012 có quy định về các trường hợp xử phạt hành chính không cần lập biên bản như sau:

1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Từ những quy định trên có thể thấy không phải bất cứ trường hợp nào người tham gia giao thông cũng bị lập biên bản khi xử phạt. Chỉ những trường hợp phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, và trên 500.000 đồng đối với tổ chức, chủ thể có thẩm quyền mới cần tiến hành lập biên bản.

vi-pham-giao-thong-truong-hop-nao-khong-bi-lap-bien-ban-4

Đối chiếu quy định này với  Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có thể liệt kê một số lỗi vi phạm mà người vi phạm được nộp phạt trực tiếp mà không phải ra Kho bạc, như sau:

  • Người đều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường;
  • Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ;
  • Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ
  • Quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”;
  • Lùi xe ở đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất; lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;
  • Tránh xe, vượt xe không đúng quy định; không nhường đường cho xe ngược chiều theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;
  • Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
  • Đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật;
  • Đi xe dàn hàng ba trở lên;
  • Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân;
  • Không sử dụng đèn sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn;
  • Không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ nhưng không cài quai khi tham gia giao thông.

Trong các trường hợp này, người xử phạt không phải lập biên bản nhưng phải xé biên lai trao cho người vi phạm.

vi-pham-giao-thong-truong-hop-nao-khong-bi-lap-bien-ban-6
Các trường hợp phạt nguội sẽ bắt buộc phải lập biên bản xử phạt vi phạm giao thông theo quy định

Tuy nhiên, có một ngoại lệ, đó là khi vi phạm hành chính dưới 250.000 đồng đối với cá nhân và dưới 500.000 đồng đối với tổ chức, nhưng lỗi lại được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ hay phạt nguội thì các lỗi này vẫn bị lập biên bản theo hướng dẫn có trong quy định của pháp luật.

Ví dụ: Người điều khiển xe máy có hành vi quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”, bị camera giao thông ghi lại, chứ không phải được phát hiện trực tiếp bởi cảnh sát giao thông.

Trong trường hợp này, mức xử phạt là phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng - số tiền nhỏ hơn 250.000 đồng đối với cá nhân, theo thường lệ là không cần biên bản. Tuy nhiên, do được phát hiện nhờ sử dụng thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ nên khi xử phạt, chủ thể có thẩm quyền cần lập biên bản theo đúng quy định của pháp luật. 

Để có thể hiểu rõ hơn, bạn hãy theo dõi Nghị định Nghị định 46/2016/NĐ-CP để có đáp án chi tiết nhất cho mình nhé!

Vậy, biên bản vi phạm giao thông có hủy được không?

vi-pham-giao-thong-truong-hop-nao-khong-bi-lap-bien-ban-7

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, một hành vi vi phạm hành chính nói chung, vi phạm giao thông nói riêng thì chỉ bị lập biên bản vi phạm lập một lần.

Theo Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính.

Đồng thời đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013 nêu trên, có thể thấy, trường hợp biên bản vi phạm hành chính đã lập, nhưng sau đó, cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện ra những sai sót trong biên bản vi phạm hành chính thì không được hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính đã lập để lập lại biên bản vi phạm hành chính mới.

Do đó, trường hợp vi phạm giao thông đã lập biên bản vi phạm nhưng sau đó, cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện ra sai sót trong biên bản vi phạm hành chính đã lập thì có thể lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính mà không được hủy biên bản vi phạm đã lập.

Lưu ý, biên bản xác minh này cũng phải được lập theo đúng thủ tục, trình tự quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan:

Cá nhân hoặc đại diện tổ chức vi phạm; người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có) và là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính trình người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, đồng thời, lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Đây cũng là các quy định được  Bộ Tư pháp hướng dẫn tại Công văn số 2659/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 10/8/2016 về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính.

Xem thêm: Bật xi nhan chậm có bị phạt tiền không?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận