Lăng mộ của công thần nhà Nguyễn tại Sài Gòn trở thành khu hoang phế và bị chiếm dụng
Trương Minh Giảng (1792-1841) là một công thần nhà Nguyễn, được đánh giá là người “văn võ song toàn”. Ông vừa là một võ tướng vừa là một nhà sử gia, từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn.
Trương Minh Giảng là vị Tổng đốc đa tài, ngoài khả năng chỉ huy quân đội tài tình, ông còn thể hiện khả năng quản lý giỏi. Sau khi ổn định tình hình Trấn Tây, vào năm 1834 Trương Minh Giảng đã chỉ huy xây lại thành An Giang và Hà Tiên để ổn định cuộc sống của nhân dân. Ông tham gia đo đạc địa bàn của 6 tỉnh Nam Kỳ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thương mại biên giới…
Sự đóng góp của Tổng đốc Trương Minh Giảng đối với tỉnh An Giang và Nam Bộ từ năm 1833-1841 trên các lĩnh vực là rất lớn. Ông góp phần ổn định chính trị, bảo vệ độc lập cho nước Chân Lạp đồng thời xóa tan sự xâm lược của quân Xiêm La. Công sức đóng góp của ông đã được Quốc sử quán nhà Nguyễn ghi chép khá nhiều. Nhưng cuộc đời Tướng quân của ông lại lắm bi kịch, uẩn khúc trên bước đường hoạn lộ ở vùng đất biên thùy này. Ở An Giang ông giữ chức Tổng đốc An Hà, Bảo hộ Cao Miên; rồi sau đó là Tướng quân Trấn Tây thành, hàm Đông các Đại học sĩ, tước Bình Thành Bá. Và rồi cũng từ vùng đất này ông bị tước đi nhiều thứ – quyền uy, công lao sau đó vì buồn bực và phải chết tức tưởi tại thành An Giang.
An Giang nên có một đền thờ tại Châu Đốc để tưởng nhớ các danh nhân có công với nơi này qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có ngôi mộ của công thần nhà Nguyễn - Tổng đốc Trương Minh Giảng để giáo dục và nhắc nhở cho con cháu sau này ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc. Ngoài ra, ngày nay vẫn còn biên soạn các tác phẩm có liên quan đến Trương Minh Giảng để phổ biến sâu rộng trên toàn tỉnh, nhất là trong hệ thống trường học.
Ngoài ra, các công trình công cộng, trường học, đường phố,... trên địa bàn Long Xuyên và Châu Đốc cũng được lấy tên Trương Minh Giản để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của người dân An Giang.
Tại An Giang vào tháng 7 năm Tân Sửu (1841), Trương Minh Giảng bị bệnh và qua đời. Do bị vua Thiệu Trị trách phạt và tịch thu toàn bộ bổng lộc tài sản của con cháu nên sau khi mất, mộ phần của ông không được chăm sóc tốt như các quan khác dù rằng tước vị của ông lúc mất là Bình Thành bá và là vị tướng uy quyền nhất Đại Nam. Mộ phần của ông và cha là Thành Tín hầu Trương Minh Thành hiện nay nằm trên địa bàn phường 7, quận Gò Vấp (Sài Gòn) đang trở nên hoang tàn, xuống cấp và bị chiếm dụng.
Ngôi mộ song táng của Bình Thành bá Thượng thư Bộ Hộ Trương Minh Giảng và phu nhân nằm trong khuôn viên “Trương Gia từ” (từ đường dòng họ Trương, số 82/5 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Phía bên trái khu từ đường là một khu vườn um tùm với các loại cây chuối, cau, mít… Không những vậy các loại cây cỏ dại, dây leo, rau càng cua mọc đầy trên mộ. Mộ của ông bà Trương Minh Giảng được xây bằng hợp chất cổ (ô dước), có kiến trúc vòng ngoài là bờ thành hình chữ nhật (khoảng 10 x 6 m, cao khoảng 0,6 m), nối liền với cổng mộ là 2 trụ đá vuông, trên đầu trụ có chạm búp sen lớn.
Cận cảnh là bình phong tiền gồm 3 ô hình chữ nhật (ô giữa nhô lên) hai bên bình phong có trụ dạng cuốn thư. Vì đã rất hoang tàn nên không thể biết được nguyên trạng bình phong này có chạm khắc chữ hay hình thù gì không. Phía sau gần bức tường là bình phong hậu nối liền với bờ thành (trên bình phong hậu cũng đầy dây leo, cỏ dại và không thể hình dung được nguyên trạng).
Ngôi mộ song táng của Bình Thành bá Thượng thư Bộ Hộ Trương Minh Giảng cùng phu nhân nằm bên cạnh “Trương Gia từ” có con cháu sinh sống, coi giữ nhưng nhìn rất ”thê thảm”.
Người qua đường nhìn vào chỉ có thể đoán đây là một ngôi mộ cổ bởi được khoanh vuông bằng bờ thành (dài khoảng 10m, góc có trụ vuông), còn ngoài ra chỉ thấy đây là một “rừng cây” um tùm và là bãi tập kết của đủ loại phế liệu (thùng móp, cửa kính vỡ, khung nhôm sắt, gỗ tạp, chậu vỡ…). Mấy ai biết đây là mộ của Thành Tín hầu Trương Minh Thành (cha ruột Trương Minh Giảng). Mộ này nằm ngoài khuôn viên “Trương Gia từ” đến những 70m, ngay góc ngã ba hai con hẻm nhỏ (ở số 82/14A Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Gò Vấp).
Mặt tiền của ngôi mộ bị che kín mít bởi những thứ tạp nham. Không thể tìm được lối vào (mà có lối thì cũng chẳng ai dám vào vì quá um tùm, rậm rạp). Không ai ngờ rằng cả 2 cha con Trương Minh Giảng đều đạt tới bậc thượng thặng vinh hoa: một là Thượng thư Bộ Lễ, người kia là Thượng thư Bộ Hộ, cha còn hơn con khi được phong tước hầu, còn con mới tới tước bá, cùng phò vua giúp nước nổi tiếng một thời, vậy mà ngày nay mộ phần lại tang thương như vậy…
Xem thêm: Chuyện chưa kể về phút lâm chung của Nam Phương Hoàng Hậu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận