Chuyện chưa kể về phút lâm chung Nam Phương Hoàng hậu

Nam Phương Hoàng hậu đã trút hơi thở cuối cùng khi bác sĩ chưa kịp đến thăm bệnh. Trong đám tang của bà không có mặt cựu hoàng Bảo Đại.

Đỗ Thu Nga
09:30 23/05/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nam Phương Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Thị Hữu Lan (sinh ngày 14/12/1914 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà sinh ra trong gia đình giàu có bậc nhất Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Bà sinh ra ở Việt Nam nhưng có quốc tịch Pháp với tên Mariette Jeanne. 

Từ năm 12 tuổi, bà được gửi sang Pháp học trường nữ sinh danh tiếng tại Paris. Tháng 9/1932, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước.

Sau khi về nước, bà gặp Vua Bảo Đại tại Đà Lạt. Cuộc gặp đó đã để lại cho Bảo Đại ấn tượng sâu sắc về Thị Lan. Vua Bảo Đại từng nhận xét: Lan có vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê. Tuy nhiên, vì Nguyễn Thị Lan theo Công giáo nên cuộc hôn nhân của bà gặp nhiều phản đối của Hoàng tộc.

chuyen-chua-ke-ve-phut-lam-chung-nam-phuong-hoang-hau-7
Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu

Sau rất nhiều phản đối, Bảo Đại vẫn quyết lấy Thị Lan. Đám cưới của 2 người diễn ra tại Huế vào ngày 20/3/1934 khi chú rể 21 tuổi, cô dâu 19 tuổi. Sau đó, Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương, có nghĩa là "người con gái phương Nam". 

Việc Thị Lan được tấn phong ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các bà vợ vua triều Nguyễn. 12 đời vua triều Nguyễn trước đó, vợ chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu. 

Sau hôn lễ, Bảo Đại cùng Nam Phương Hoàng hậu dọn về điện Kiến Trung thuộc khu vực cấm thành sinh sống. Điện này được xây dựng từ thời vua Khải Định nhưng đã được tu sửa và tân trang các tiện nghi phương Tây vào đầu triều vua Bảo Đại.

Những ngày đầu kết hôn, Bảo Đại rất yêu thương Nam Phương, đi đâu cũng có nhau. Ông còn tự lái xe đưa bà đi thăm thú các danh lam thắng cảnh của đất nước. 

chuyen-chua-ke-ve-phut-lam-chung-nam-phuong-hoang-hau-7

Nam Phương Hoàng hậu sinh cho Bảo Đại 5 người con (2 hoàng tử và 3 công chúa). Thường ngày, ngoài việc dạy dỗ con cái, Nam Phương cùng các quan bộ Lễ bàn thảo các lễ lạc trong cung đình, lo việc cúng giỗ và rất chu toàn bổn phận làm dâu.

Với vai trò Hoàng hậu, Nam Phương giúp vua Bảo Đại trong rất nhiều hoạt động ngoại giao, đón tiếp khách quốc tế, giao thiệp với Pháp. Nam Phương cũng là đệ nhất phu nhân Việt Nam đầu tiên được giao phụ trách các công việc xã hội, công tác khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, giúp đỡ người nghèo, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong một buổi lễ long trọng ở Ngọ Môn, vào ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu - đại diện Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

chuyen-chua-ke-ve-phut-lam-chung-nam-phuong-hoang-hau-8
Nam Phương Hoàng hậu và 5 người con

Đến tháng 9/1945, Bảo Đại ra Hà Nội nhận chức cố vấn tối cao trong chính phủ. Nam Phương Hoàng hậu và 5 người con dời Đại Nội về sống ở cung An Định bên bờ An Cựu. Nam Phương khi đó tham gia nhiều hoạt động ủng hộ Cách mạng như “Tuần lễ vàng” quyên góp vàng bạc làm chiến phí chuẩn bị đương đầu với sự trở lại Việt Nam của thực dân Pháp.

Cũng trong khoảng thời gian này, cựu hoàng Bảo Đại lao vào con đường ăn chơi tráng táng với nhiều người phụ nữ khác khiến bà Nam Phương ở Huế vô cùng đau lòng. Bà Nam Phương tốn không ít nước mắt trước những lần vui chơi cựu hoàng.

Đến tháng 12/1946, tình hình chính trị và quân sự giữa Việt và Pháp căng thẳng, chiến tranh tới gần. Nam Phương Hoàng hậu cùng con sống trong cung An Định trong khi mẹ chồng cũng đã tản cư, cảm thấy hoang mang và tuyệt vọng. 

Năm 1947, Nam Phương Hoàng hậu đưa các con sang Pháp. Thời gian đầu mẹ con sống ở Thorenc tại Cannes. Bà gửi các con vào trường trung học Couvent des Oiseaux, nơi bà từng học thời con gái.

Ở Pháp, ngoài việc chăm con, bà thường xuyên đọc sách báo hoặc chăm sóc hoa lá trong vườn, buổi tối thì chơi đàn cho con nghe. Những ngày lễ, mấy mẹ con ra phố mua sắm, xem phim.

chuyen-chua-ke-ve-phut-lam-chung-nam-phuong-hoang-hau-0
Lâu đài Domain de la Perche, nơi Nam Phương Hoàng hậu sống trong những năm tháng cuối đời

Sau đó, Nam Phương rời Cannes, dọn về ở lâu đài Domain de la Perche ở vùng quê Chabrignac, cách Paris chừng 400 - 500km. Trang trại rộng 160 mẫu đất, một đàn bò gần trăm con. Lâu đài cách nhà dân khá xa, hàng xóm ít qua lại.

Trong những ngày sống ở đây, bà ít ra ngoài giao thiệp. Thi thoảng lên Paris thăm con cái. Vua Bảo Đại tuy cũng ở Pháp nhưng hiếm khi đến đây. Một năm chỉ ghé qua một, hai lần rồi lại đi ngay. Lần về lâu nhất của ông là đám cưới của con gái Phương Liên cũng chỉ là vài ngày.

Trong thời gian ở Pháp, Nam Phương Hoàng hậu phát hiện bị bệnh tim. Bệnh tình ngày càng nặng. Ngày 14/9/1963, sau khi ra ngoài chơi, bà đi tăm và sau đó cảm thấy đau cổ, sốt.

Bà đã mời bác sĩ đến thăm khám và được chẩn đoán chỉ bị viêm họng nhẹ. Nhưng rồi cơn khó thở mỗi lúc một tăng, bà đã qua đời khi bác sĩ chưa kịp đến thăm khám.

Trong phút lâm chung, ngoài những người giúp việc, bên cạnh bà không có người thân nào. Đám tang cựu Hoàng hậu Nam Phương diễn ra vào ngày 15/9/1963 cũng không có mặt cựu hoàng Bảo Đại.

Nam Phương Hoàng hậu được an táng tại nghĩa trang Công giáo ở Chabrignac, trên bia có dòng chữ tiếng Pháp, dịch là: “Nơi đây an nghỉ của bà Hoàng hậu Việt Nam - bà Jeanne - Mariette Nguyễn Hữu Hào, 4/12/1914 – 15/9/1963), mặt sau ghi dòng chữ Hán: “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi mộ”.

Khám phá căn dinh thự vua Bảo Đại ẩn mình trong ngõ nhỏ giữa Hà Nội

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận