Kinh đô Thăng Long - Hà Nội và ký ức về những lần thành trống, nhà không trong lịch sử

Vừa qua, cả nước chung tay cùng nhau chống dịch Covid-19 khiến nhịp sống Hà Nội đã bị thay đổi so với trước đó. Tuy nhiên, lui lại một chút về lịch sử thì đây không phải là lần đầu tiên đường phố Thăng Long - Hà Nội từng vắng lặng như vậy.

Hoa Nguyễn
15:00 29/10/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong thời gian vừa qua, cả nước ta đã chung tay thực hiện giãn cách xã hội cùng nhau chống dịch Covid- 19 khiến hình ảnh về Hà Nội cũng như nhịp sống nơi đây chậm lại và rất khác so với trước đó. Đường phố thưa vắng người hơn, các cơ quan, đơn vị cho nhân viên làm việc tại nhà, các cơ sở thương mại, dịch vụ đóng cửa nên lao động ngoại tỉnh trở về quê. Nhưng trong lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên đường phố Thăng Long - Hà Nội từng vắng lặng như vậy. Hãy cùng quay ngược lại thời gian để tìm hiểu nhé.

Kế “thanh dã” bỏ ngỏ thành Thăng Long “đón lõng” giặc

Thăng Long là kinh đô của Đại Việt từ năm 1010 đến năm 1802 và là đầu não của nhà nước phong kiến nước ta. Trong tất cả các cuộc chiến tranh, kinh đô luôn là nơi dừng chân cuối cùng, chiếm được kinh đô là chiến thắng và kinh đô Thăng Long cũng không phải ngoại lệ. Cụ thể, trong vòng 30 năm, từ năm 1258 đến 1288, quân Nguyên Mông đã 3 lần xâm lược Đại Việt.

Lần thứ nhất, quân giặc đã chiếm thành Thăng Long trong 11 ngày và sau đó bị đánh bại bởi trận Đông Bộ Đầu vào ngày 29-1-1258. Tuy nhiên, quân giặc không từ bỏ tham vọng của mình, chúng tiếp tục đưa quân xâm lược. Vào tình hình đó, triều Trần ra lệnh cho hoàng cung và dân chúng tạm rút khỏi kinh thành.

kinh do thang long 3

Người đứng ra lo việc sơ tán cả hoàng cung là Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ - người sáng lập ra triều Trần và cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến. Bà đã tổ chức cho hoàng gia và các gia đình tướng sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận rời khỏi kinh thành một cách an toàn. Không những vậy bà còn cất giấu và phân tán của cải, lương thực trong kho để không lọt vào tay giặc. Không chỉ trong hoàng cung mà triều đình nhà Trần còn ra lệnh cho dân chúng ở 61 phường trong kinh thành sơ tán để thực hiện kế “thanh dã”. 

Thành Thăng Long trở nên hoang vắng, không còn sự sống. Quân Nguyên Mông đã dễ dàng chiếm được kinh thành nhưng nơi đây chỉ còn là tòa thành trống rỗng và chúng chỉ tìm thấy những tên sứ giả bị trói chặt bằng thừng tre. Điều này đã khiến quân Nguyên Mông lo sợ. Chúng rơi vào tình trạng thiếu lương thực, ngựa thiếu cỏ nên sức chiến đấu yếu dần. Và chỉ chờ có thế, binh lính nhà Trần phản công giành chiến thắng.

Những lần Thăng Long hoang vắng vì chạy giặc

Vào đầu thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược Đại Việt, nhưng nhà Hồ yếu đuối nên đã nhanh chóng đầu hàng. Trước sự tàn ác của giặc Minh, dân chúng đã chạy trốn khỏi kinh thành.     Sau đó đại quân của Lê Lợi bao vây kinh thành, quân Minh đã phải ký thỏa ước rút quân vào cuối năm 1427. Lê Lợi vào thành vào đầu năm 1428, khi đó dân chúng đi sơ tán mới theo về.Cuối thế kỷ 18, giặc Thanh xâm lược nước ta, chúng chiếm Thăng Long nhưng kinh đô cũng vắng lặng vì dân chúng chạy giặc. 

Vào năm 1873, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất và đánh thành lần thứ hai năm 1882 phố xá cũng vắng tanh. Ngoài ra, Hà Nội vắng lặng còn vì lý do khác, đó là sự cướp bóc của quân Cờ Đen. Ca dao xưa có câu:

Cờ Đen cho chí cờ vàng

Làm cho trăm họ khóc than đứng ngồi

kinh do thang long 2

Cuối năm 1946 khi thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội đã khiến cho thủ đô mấy lần vắng lặng. Và rồi trong những ngày tháng Mỹ ném bom miền Bắc mà trọng điểm là Hà Nội, dân chúng Thủ đô đã 2 lần sơ tán, đèn tín hiệu giao thông không cần bật, tầu điện vẫn leng keng nhưng vắng khách.

Những trận dịch bệnh trong lịch sử

Theo “Đại Việt sử ký” chép lại năm 1100, đời vua Lý Nhân Tông trận dịch bệnh đầu tiên đã xảy ra. Từ năm này kéo dài đến thế giữa kỷ 18 có khoảng 9 trận dịch và có lẽ thực tế còn cao hơn do sử chép không đầy đủ.

Vào thế kỷ 19, có lẽ đây là khoảng thời gian dịch bệnh diễn ra nhiều nhất. Theo “Đại Nam thực lục”, từ năm 1820-1895 xảy ra 75 trận dịch lớn nhỏ là đậu mùa, tả, thương hàn... trên nhiều tỉnh thành Việt Nam. 

Năm 1888 dịch tả lây lan mạnh ở Hà Nội. Trong cuốn “Lịch sử Hà Nội”, tác giả Phillip Papin thống kê có khoảng 6.000 người chết, đó là con số lớn vì giai đoạn này dân số Hà Nội chỉ khoảng 10 vạn.

kinh do thang long 1

Trong cuốn “Xứ Đông thuộc Pháp - Những kỷ niệm” của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902) đã viết về trận dịch hạch năm 1902-1903. Lo sợ bệnh dịch, nhiều gia đình đã đưa con cái và cha mẹ già về quê, lao động nhập cư các tỉnh cũng trốn khỏi Hà Nội khiến phố xá thưa vắng và thành phố thiếu hụt lao động.

Hiện nay, dịch bệnh xuất hiện rất khó đoán trước như dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. Virus gây bệnh cũng biến đổi nhanh chóng sang các thể mới khiến việc dập dịch không dễ dàng dù y học ngày nay rất hiện đại. Bởi vậy tuân thủ nghiêm túc những quy định của Chính phủ về chống dịch cũng là liều thuốc để hạn chế lây lan và dập tắt dịch bệnh.

Xem thêm: Những 'báu vật' thời bao cấp gây thương nhớ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận