Cuối hồi ký 'Sự thật ta nắm giữ' và những góc nhìn thú vị về cuộc đời của phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris
Trong cuốn hồi ký 'Sự thật ta nắm giữ', Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã cho biết chính mẹ là người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời của bà.
Cuốn hồi ký "Sự thật ta nắm giữ", phó Tổng thống mỹ Kamala Harris đã mang tới cho độc giả cái nhìn sâu sắc hơn về nước Mỹ, xen lẫn vào đó là những mẩu chuyện thú vị về cuộc sống ấu thơ bên gia đình của Kamala.
Phó Tổng thống nước Mỹ cho biết, chính người mẹ gốc Ấn Độ đã trở thành người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời bà.
Mẹ của Kamala Harris đến từ Ấn Độ và cha bà đến từ Jamaica, họ gặp nhau và yêu nhau khi còn là sinh viên đại học, tham gia vào phong trào dân quyền của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, họ quyết định kết hôn và ở lại nước Mỹ lập nghiệp- điều này đồng nghĩa mẹ bà từ chối việc trở lại quê nhà để kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình.
Kamala Harris còn có một em gái, tuy nhiên khi bà 7 tuổi và em gái còn nhỏ, cha mẹ bà đã ly hôn. Sau cuộc hôn nhân bị đổ vỡ, mặc dù phải 1 mình nuôi hai chị em Kamala Harris nhưng mẹ của Kamala vẫn quyết tâm dạy những đứa con của mình sau này lớn lên nhất định phải “trở thành những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh”.
Bà luôn dạy cho chị em Kamala rằng “đấu tranh với chế độ làm sao cho chúng trở nên công bằng hơn và không bị giới hạn bởi những điều vốn có”.
Ghi nhớ lời dạy của mẹ, cùng với sự nỗ lực của bản thân, Kamala Harris đã hoàn thành xuất sắc chương trình học tập tại Đại học Howard, Đại học luật Hasting, trở thành một công tố viên, tổng chưởng lý, một Thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ. Giờ đây bà trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên và là nữ quan chức cấp cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đồng thời là người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên là Phó Tổng thống của Hoa Kỳ.
Trong cuốn sách "Sự thật ra nắm giữ", bà cũng đã phơi bày hiện thực bất ổn của chính phủ Mỹ, những thách thức mà người dân Mỹ đang phải đối mặt.
Bên cạnh đó, Kamala Harris cũng chia sẻ khá kỹ lưỡng về những vấn đề bà đã theo đuổi để giải quyết, nguyên nhân tại sao bà lại quan tâm đến điều đó, cũng như những kết quả mà bà và đồng nghiệp đã nỗ lực đạt được trên hành trình của mình.
Bắt đầu với việc truy tố tội phạm tình dục, sau đó là giúp đỡ những người đã từng ngồi tù vì các tội danh nhẹ; nơi bà đứng về phía các nạn nhân, hoặc người tù yếu thế để tìm ra phương thức hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng tốt nhất, để họ không bị tiếp tục dìm xuống bùn đen hay quay trở lại con đường tội phạm.
Tại mỗi điểm dừng trong hành trình chính trị của mình, bà Kamala đều bị thôi thúc bởi khát vọng công lý, đem lại sự công bằng cho mọi người, đặc biệt là những người da màu yếu thế.
Cuốn sách với những lời lẽ vô cùng gần gũi và logic, không hề mang màu sắc chính trị khô khan. Đọc xong cuốn sách, độc giả sẽ có được thêm những kiến thức hữu ích để giải quyết vấn đề, xử lý khủng hoảng và hiểu được vai trò của người lãnh đạo trong những thời điểm đầy thách thức.
Thông qua cuốn "Sự thật ta nắm giữ", Kamala cũng muốn nhắn nhủ tới độc giả rằng: Nền dân chủ, sự tự do và công lý không thể xuất hiện, phát triển và nở rộ khi con người còn chứa đựng lòng căm thù và những cơn thịnh nộ. Chúng ta phải phản đối sự thờ ơ, sợ hãi, căm ghét và ngờ vực. Và hơn hết, “chúng ta phải bắt đầu và kết thúc bằng việc nói ra sự thật”.
Xem thêm: 5 quy tắc dạy con "bất thành văn" từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận