Xin hãy chung tay giúp đỡ cậu học trò nghèo: Ở căn nhà trọ nóng hầm hập, bữa ăn sang nhất là rau luộc

Bữa ăn không thịt, không cá, nghèo nàn dinh dưỡng khiến gương mặt cậu học trò Nguyễn Hùng Mạnh hốc hác hẳn đi. Điều khiến em trụ vững chính là ý chí, nghị lực.

Đỗ Thu Nga
11:00 25/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mùa hè 2023 được dự báo là vô cùng nắng nóng. Ấy vậy mà, cậu học trò nghèo Nguyễn Hùng Mạnh (học sinh Trường THPT Tây Thạnh, Tân Phú, TP.HCM) vẫn sống trong căn phòng trọ nóng hầm hập ở Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân để nuôi ước mơ vào giảng đường đại học. 

Cuộc sống của Mạnh là những chuỗi ngày khó khăn chồng chất khó khăn...

Tuổi thơ khốn khó và những đêm khóc đỏ mắt vì nhớ mẹ

Theo báo Thanh Niên, tuổi thơ của Mạnh đầy rẫy những câu chuyện buồn. Bố rượu chè say xỉn suốt ngày nên bố mẹ ly thân. Mẹ bỏ quê Hà Nam dắt theo Mạnh vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh. Trong tay không có tài sản gì cũng không có việc làm, cuộc sống của 2 mẹ con vô cùng khó khăn. Mạnh được một cơ sở bảo trợ xã hội ở quận Bình Tân nhận vào cưu mang.

Với cậu học trò lớp năm ấy, đó là thời điểm không hề dễ dàng. Sống nơi xứ người, lại rời xa mẹ ở trong cơ sở bảo trợ xã hội, thời gian đầu, đêm nào Mạnh cũng khóc vì nhớ mẹ.

"Đó là lần xa mẹ đầu đời của em. Đứa trẻ nào cũng muốn ở với mẹ, nhưng do hoàn cảnh nên em đành chấp nhận. Ở trong đó nhiều đêm không ngủ được thì thường em sẽ nhớ về gia đình và khóc một mình. Nhưng em chỉ khóc một chút rồi thôi, em thấy nếu mình cứ khóc như thế thì mẹ sẽ khổ hơn nữa nên em dặn lòng phải mạnh mẽ lên", Mạnh kể.

xin-hay-giup-do-cau-hoc-tro-ngheo-o-tro-nuoi-uoc-mo-dai-hoc-bang-rau-va-mi-goi-3
Mạnh luôn khát khao được đặt chân vào giảng đường đại học

Trẻ con vốn vô lo vô nghĩ nhưng với Mạnh thì khác. Nhiều đêm em không ngủ được: "Lúc đó dù còn nhỏ, nhưng em đã hiểu nhiều chuyện, hiểu về hoàn cảnh của gia đình, hiểu được mẹ mình khổ như thế nào nên em suy nghĩ nhiều và cũng vì thế mà không ngủ được. Nhưng em ghi vào trong tâm một câu là giờ nếu mình khóc cũng sẽ không thể làm gì được, thôi cứ cố gắng đi".

Sau 2 năm đó thì anh trai cũng từ quê vào cơ sở bảo trợ ở chung. Trong đó có anh có em cũng khiến Mạnh đỡ tủi thân hơn. 

Theo báo Thanh Niên, mẹ Mạnh đi làm giúp việc nhà, được người ta thương cho ở lại, vì thế thời gian đầu đỡ được tiền thuê trọ. Khi anh trai của Mạnh đỗ đại học, mẹ phải thuê trọ ra ngoài để hai mẹ con sinh sống. Lúc này, Mạnh vẫn đang ở trong cơ sở bảo trợ xã hội.

Ở trọ ngoài, ăn uống kham khổ, bữa sang nhất là rau luộc

Cách đây vài tháng, vì lịch học cuối cấp quá nhiều nên Mạnh phải chuyển ra ngoài ở trọ. Do mẹ làm ở TP Thủ Đức và không có phương tiện di chuyển nên mẹ và anh trai ở lại Thủ Đức còn Mạnh ở quận Tân Phú. Vì thế mà cậu học trò phải thuê trọ ở quận Bình Tân để đi học cho tiện. 

Thu nhập chính của mẹ Mạnh là tiền công giúp việc nhà. Số lương ấy vừa để lo cho anh trai của Mạnh học đại học lại vừa dùng để đóng tiền trọ 2 nơi. Cũng vì thế mà cuộc sống của 3 mẹ con vô cùng chật vật. Mỗi tháng ngoài 700.000 đồng tiền nhà trọ, Mạnh phải chi thêm 500.000 đồng để trang trải tất cả mọi thứ.

Ở thành phố phồn hoa đắt đỏ này, mỗi ngày chỉ có 15.000 đồng vừa tiên ăn, tiền xe đi học và các khoản chi tiêu khác... Nói đến đây, ai cũng có thể hình dung ra, Mạnh nghèo đến mức nào.

xin-hay-giup-do-cau-hoc-tro-ngheo-o-tro-nuoi-uoc-mo-dai-hoc-bang-rau-va-mi-goi-6
Mì tôm là món ăn quen thuộc của Mạnh mỗi ngày

Hiện Mạnh đang sống trong căn nhà trọ chật hẹp, chẳng có đồ đạc gì giá trị ngoài những thùng mì tôm loại rẻ tiền đã dùng hết. Mùa hè đến, phòng trọ chật chội, thấp lè tè khiến Mạnh ngột ngạt trong cái nóng. Nhưng em cũng không biết phải làm thế nào...

"Ngày nào ít nhất em cũng có một bữa ăn mì gói. Còn không thì em pha mì gói ăn với cơm. Hôm nào có tiền, em ra chợ mua bó rau về luộc. Có những hôm, không có tiền mà cũng không có gì ăn, em qua phòng trọ của chú ở bên để xin trứng về luộc. Chú cũng hiểu hoàn cảnh nên rất thương em, có cái gì ăn là chú cũng hay mang qua cho", Mạnh kể.

Ai mà không quặn lòng được khi nghe Mạnh kể, bữa ăn sang nhất của em là rau luộc. Nhưng Mạnh lại quá quen với những bữa cơm như thế. Vậy nên, mong ước của em cũng nhỏ bé lắm, chỉ mong có tiền để ăn thêm tý rau cho đỡ ngán cảm giác ăn mì mỗi ngày. 

Khát khao giảng đường có thể bị đứt gánh giữa đường

"Tôi xót lắm, nhưng hoàn cảnh không biết phải làm sao. Tôi cũng không có tiền để gửi được cho Mạnh nhiều, mỗi tháng cỡ khoảng 1 triệu đồng, từ tiền trọ cho đến tiền ăn chỉ gói gọn trong từng đó tiền. Nhiều khi nghe con nói ăn mì gói mà tôi chỉ biết rơi nước mắt vì thương con", chị Nguyễn Thị Nhung (mẹ của Mạnh) nói trong nước mắt.

Ngày gửi Mạnh vào cơ sở bảo trợ xã hội, Mạnh nhiều đêm khóc thầm vì nhớ mẹ, con chị Nhung ở bên ngoài cũng khóc cạn nước mắt vì xót con.

"Điều tôi lo sợ nhất là không đủ kinh phí lo cho con học, rồi con sẽ đứt gánh giữa đường. Đời mình đã khổ quá rồi, tôi chỉ ước mong con được học hành đến nơi đến chốn, ra trường có công ăn việc làm ổn định để không phải khổ giống như mẹ", người mẹ tần tảo nói trong nghẹn ngào.

Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Mạnh chưa bao giờ thể hiện ra bên ngoài. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - chủ nhiệm lớp của Mạnh chia sẻ: "Tôi chủ nhiệm lớp Mạnh được 1 năm, em rất kín nên không thể nào biết được hoàn cảnh của em. Mãi cho đến đợt họp phụ huynh vừa rồi, Mạnh không có phụ huynh đi họp và em cũng chưa đóng học phí 2 tháng cuối, nên tôi tìm hiểu mới biết được trước đây có cô trong cơ sở bảo trợ xã hội đi họp thay, còn giờ ra ở trọ nên em không có ai đi họp phụ huynh".

Cô Ánh nhìn nhận: "Tôi rất phục nghị lực của Mạnh, nếu rơi vào bạn khác thì có thể đã buông xuôi, chán nản nhưng với Mạnh thì nỗ lực hết mình để vượt qua. Em có nhiều cống hiến nhất định cho lớp và đây là một nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong học tập rất đáng khâm phục".

Sắp tới, Mạnh dự định thi vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Mạnh cũng đam mê tiếng Nhật, em mong sau này được làm việc cho các công ty Nhật về lĩnh vực ô tô.

Ước mơ là vậy nhưng Mạnh cũng hiểu được hoàn cảnh gia đình mình. Em nói: "Nếu thi đậu mà không có tiền để học thì chắc em phải bảo lưu kết quả để đi làm phụ mẹ. Em cũng rất lo, vì mẹ tuổi cũng cao rồi, không thể nào làm thêm hơn được nữa, mẹ đã vì tụi em mà vất vả bao năm qua".

Mạnh nói, nhưng ánh mắt chất chứa một nỗi buồn không thể diễn tả thành lời. Mạnh cũng lo như chính nỗi sợ của mẹ, sợ sẽ phải dừng việc học giữa chừng sau biết bao nhiêu năm nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. 

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Xót xa hoàn cảnh éo le của nữ sinh mồ côi sống với bà 86 tuổi, cậu khuyết tật: Ước mơ giảng đường xa quá!

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận